3 phòng giao dịch mới đóng cửa gồm: Phòng giao dịch Bà Rịa, thuộc Chi nhánh Vũng Tàu (số 52-54 đường Nguyễn Hữu Thọ, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chấm dứt hoạt động từ 9/1; Phòng giao dịch Phước Hải, thuộc Chi nhánh SCB Khánh Hòa (số 118 đường Thích Quảng Đức, phường Phước Hải, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và phòng giao dịch Gia Phú, thuộc Chi nhánh Bình Tây, (địa chỉ số 4-6 đường Hậu Giang, phường 2, quận 6, TP.HCM) cùng chấm dứt hoạt động kể từ ngày 11/1.
SCB cho biết, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng tại các phòng giao dịch này đều được thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của SCB.
Ảnh minh họa: Kinh tế đô thị
Trước đó, ngày 7/1, bên lề cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tình hình SCB đang được duy trì ổn định, đảm bảo được tiền gửi của người dân, cùng với đó tiến hành xử lý các sai phạm, yếu kém của ngân hàng và cá nhân gây ra. Phương án tái cơ cấu SCB cũng đang được xây dựng một cách tích cực trong thời gian sớm nhất.
Theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), giai đoạn từ tháng 6/2023 đến 9/2024, SCB đã giải thể 120 phòng giao dịch trên cả nước, trong đó riêng TP.HCM có 64 phòng. Vào tháng 12/2024, SCB đã đóng cửa thêm 6 phòng giao dịch tại TP.HCM.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số phòng giao dịch mà SCB đã ngừng hoạt động là gần 150. Ngân hàng này đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 15/10/2022 với mục đích quản lý chặt chẽ và hạn chế tác động tiêu cực tới SCB và hệ thống ngân hàng. NHNN đã chỉ định các cán bộ có chuyên môn từ những ngân hàng thương mại nhà nước để tham gia điều hành SCB.
Công Hiếu