Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được dự báo sẽ phát tín hiệu tạm dừng quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ trong tuần này, giữa bối cảnh các biện pháp thuế quan của Mỹ đang làm gia tăng bất ổn toàn cầu. Tuy vậy, BoJ vẫn duy trì lập trường sẽ tiếp tục tăng lãi suất một cách thận trọng khi triển vọng kinh tế rõ ràng hơn.
Theo kết quả khảo sát 54 chuyên gia kinh tế, 100% đều dự đoán Hội đồng Chính sách do Thống đốc Kazuo Ueda dẫn đầu sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,5% sau cuộc họp kéo dài hai ngày, kết thúc vào ngày 1/5 tới. Giới phân tích sẽ theo dõi sát các dự báo kinh tế hàng quý của BoJ để tìm manh mối về khả năng kéo dài của xu hướng này.
Sau ba lần nâng lãi suất kể từ tháng 3/2024, BoJ hiện đối mặt với các biện pháp thuế quan quy mô lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Nhật Bản.
Nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết, các quan chức BoJ hiện không thấy cần thiết phải thay đổi kế hoạch tăng lãi suất từ từ trong khi chờ thêm dữ liệu đánh giá tác động từ những mức thuế mới. Họ cũng cho rằng mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2% có thể bị trì hoãn.
Ông Izuru Kato, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường Totan Research, nhận định: “BoJ mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình bình thường hóa chính sách, khác với các ngân hàng trung ương khác. Họ sẽ không tuyên bố kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào lúc này”.
Với khả năng lãi suất được giữ nguyên, giới phân tích sẽ tập trung vào báo cáo triển vọng kinh tế hàng quý của Nhật Bản.
Trước đây, BoJ dự kiến lạm phát của Nhật Bản sẽ đạt mục tiêu 2% vào nửa sau của giai đoạn ba năm cho tới năm tài khóa 2026. Nếu dự báo lần này cho thấy việc đạt mục tiêu lạm phát bị chậm lại, giới phân tích có thể hiểu đây là dấu hiệu BoJ sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất.
Trước tình hình bất ổn gia tăng, kỳ vọng của thị trường về lần tăng lãi suất kế tiếp đã có sự phân tán. Tỷ lệ nhà phân tích dự đoán BoJ tăng lãi suất trước tháng 9/2025 đã giảm mạnh xuống còn 45%, so với mức 89% trong cuộc khảo sát trước đó.
Giới quan sát cũng lưu ý tới vai trò của đồng yen trong chu kỳ tăng lãi suất hiện nay. Sáng ngày 28/4, đồng yen giao dịch quanh mức 143,50 yen đổi 1 USD, sau khi có thời điểm mạnh lên dưới 140 yen/USD vào tuần trước - lần đầu tiên kể từ tháng 9/2024 - trong bối cảnh đồng USD suy yếu trên diện rộng. Đà tăng giá của yen được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát vào cuối năm nay, cùng với tác động hỗ trợ từ giá dầu giảm.
Chính phủ Nhật Bản trước đó đã công bố một gói các biện pháp kinh tế khẩn cấp nhằm ứng phó những tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan cao hơn của Mỹ, trong bối cảnh vòng đàm phán thương mại song phương thứ hai dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã chỉ đạo các thành viên Nội các nỗ lực tối đa để hỗ trợ các công ty và các hộ gia đình đang lo lắng về tác động của thuế quan. Ông cho biết thêm những biện pháp thuế quan của Mỹ có thể gây tổn hại cho các ngành công nghiệp như ô tô và thép, vốn là các ngành nền tảng của nền kinh tế Nhật Bản.
Gói cứu trợ này bao gồm các biện pháp chính như: tăng cường hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, trợ cấp để giảm 10 yen (khoảng 0,07 USD) mỗi lít giá xăng và dầu diesel, đồng thời bù đắp một phần hóa đơn tiền điện trong ba tháng kể từ tháng 7/2025. Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng phạm vi các khoản vay lãi suất thấp cho các công ty nhỏ hơn bắt đầu từ tháng tới.
Minh Trang (Theo Bloomberg, Kyodo)