Tín dụng tăng tốc là động lực chính cho đà tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng
Quý III, nhiều ngân hàng lãi cao
Quý III/2024, Vietcombank (mã VCB) lãi trước thuế gần 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietcombank ghi nhận lãi trước thuế hơn 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Tương tự, BIDV (mã BID) đạt hơn 6.498 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2024, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, BIDV đạt gần 22.047 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ.
VietinBank (mã CTG) ghi nhận 6.553 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2024, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, nâng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm lên 19.512 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi trước thuế riêng lẻ đạt 18.719 tỷ đồng, tăng 11%.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank (mã TCB) báo lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2024 đạt 22.800 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. HDBank (mã HDB) báo lãi trước thuế 12.655 tỷ đồng, tăng 46,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 79,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong khi đó, VPBank (mã VPB) đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng là 13.861 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những cái tên lãi cao, cũng có ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh. Đơn cử, kết thúc quý III/2024, lợi nhuận trước thuế của VIB (mã VIB) đạt khoảng 1.995 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VIB đạt 6.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 21% so với cùng kỳ. Lý do, theo đại diện ngân hàng này lý giải là vì hỗ trợ lãi suất, đầu tư mở rộng và trích lập dự phòng…
Cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong quý III/2024 là Ngân hàng ACB với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 4.844 tỷ đồng, giảm 4% so cùng kỳ 2023. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm đến từ sự lao dốc của lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư, trong khi thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ vẫn duy trì đà tăng trưởng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, chủ yếu từ tăng trưởng quy mô tín dụng, phí dịch vụ và quản lý chi phí hiệu quả.
Lợi nhuận quý III/2024 các ngân hàng chủ yếu đến từ mảng tín dụng nên việc mảng này tăng trưởng ổn định là tín hiệu vui đối với lợi nhuận của ngành. Tuy vậy, do mục tiêu tăng trưởng tín dụng khác nhau nên sẽ có sự phân hóa rõ nét về lợi nhuận giữa các ngân hàng.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, tín dụng bán lẻ tiếp tục giảm tốc với tỷ trọng tín dụng bán lẻ trên tổng dư nợ của các ngân hàng giảm từ mức 44,2% cuối năm 2023 xuống mức 43% khi nhu cầu mua nhà, phục vụ đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng chưa có sự phục hồi rõ rệt. Trong khi đó, tín dụng ngành công nghiệp, sản xuất - kinh doanh tăng trưởng tốt. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 9%. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng phân hóa, mảng thu nhập ngoài lãi chưa thể phục hồi khi vẫn dựa chủ yếu vào thu phí và xử lý nợ. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự báo khó tăng trưởng cao khi thị trường chưa thực sự khởi sắc.
Trong quý III/2024, ngoài tăng trưởng lợi nhuận từ mảng tín dụng, lãi thuần từ hoạt động khác, chủ yếu đến từ thu nhập từ các khoản nợ đã được xử lý rủi ro, trở thành điểm sáng của thu ngoài lãi. Lãi thuần từ hoạt động khác của 29 ngân hàng tăng 129% (tương ứng tăng 3.375 tỷ đồng) so với cùng kỳ, đem về 10.417 tỷ đồng. Khoản mục này đóng góp tới 6,6% vào TOI (tổng thu nhập hoạt động) của các ngân hàng trong quý III/2024, so với con số 3,3% của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng thu ngoài lãi không đồng đều giữa các ngân hàng, bởi chỉ riêng BIDV, VietinBank và VPBank đã chiếm tới 67% lãi thuần từ hoạt động khác của những ngân hàng này.
Tự tin hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 2024
Báo cáo tài chính quý III/2024 của MB (mã MBB) cho thấy, lợi nhuận trong kỳ đạt 7.308 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm trước và lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 20.736 tỷ đồng, tăng 4% và hoàn thành khoảng 74% kế hoạch cả năm. Trong quý, thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của MB tiếp tục tăng trưởng. Đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của MB ở mức 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm; số dư cho vay khách hàng ở mức 702.019 tỷ đồng, tăng 14,9%.
Chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư diễn ra mới đây, ông Lưu Trung, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng tự tin với kế hoạch đạt được vùng lợi nhuận 28.000 tỷ đồng đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Cụ thể, Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế từ 27.884 - 28.411 tỷ đồng, tăng 6-8% so với năm 2023.
Tại Vietcombank, đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Ngân hàng ở mức 1,93 triệu tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm; dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,3%; tiền gửi khách hàng đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng gần 2,5%. Với hạn mức tín dụng được giao gần 16% cho năm 2024, nếu sử dụng hết thì dư nợ tín dụng của Vietcombank sẽ đạt 1,48 triệu tỷ đồng vào cuối năm. Đến cuối quý III/2024, Vietcombank có 17.133 tỷ đồng nợ xấu, tương ứng tỷ lệ 1,22%.
Với HDBank, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 15.852 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Theo ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng, kế hoạch này được thông qua dựa trên bối cảnh còn nhiều thách thức nhưng cũng không thiếu tiềm năng. Lũy kế 9 tháng, HDBank hoàn thành 79,8% kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho cả năm.
Ông Thanh cho biết, từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Ban lãnh đạo HDBank nhận ra cơ hội phát triển từ thị trường, nền kinh tế trên đà hồi phục. Ngoài ra, mục tiêu trên còn dựa trên những phân tích mang tính chất nền tảng. Chiến lược đầu tư từ 2 năm trước đã chín muồi và đang trên đà phát huy thế mạnh, cụ thể là chương trình trụ cột về ngân hàng nông nghiệp, nông thôn, tài trợ theo chuỗi; kế hoạch kinh doanh số, chuyển đổi số sau 3 năm đầu tư cũng bắt đầu có thu hoạch.
Theo FiinGroup, biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng vào cuối năm 2024 có khả năng sẽ giữ nguyên, nếu giảm cũng chỉ ở mức độ nhẹ, một số ngân hàng nhỏ khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành ở mức 15 - 17% cho năm 2024 và khoảng 20 - 24% cho năm 2025.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, sự phân hóa về lợi nhuận giữa các ngân hàng ngày càng rõ nét. Các ngân hàng vừa và nhỏ sẽ khó hơn do cạnh tranh gay gắt về tín dụng và tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay, nên NIM khó tăng cao. Trong khi đó, nợ xấu ở nhóm ngân hàng này có xu hướng tăng do chất lượng tài sản đi xuống.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cũng dự báo, ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024, bất chấp bối cảnh chung còn nhiều khó khăn. Ba yếu tố được xem là động lực tăng trưởng của ngành gồm tăng trưởng tín dụng tốt hơn, NIM phục hồi và mức nền lợi nhuận thấp năm trước.
Sau giai đoạn tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm 2024, thậm chí sụt giảm ở một số thời điểm, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương thúc đẩy bằng nhiều biện pháp, đồng thời giao toàn bộ hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm và đến tháng 8 cho phép các ngân hàng đã thực hiện được 80% hạn mức chủ động nới room tín dụng... Từ tháng 10/2024, NHNN tiếp tục khuyến khích tăng trưởng tín dụng với loạt gói vay ưu đãi được thúc đẩy giải ngân. Với các động thái trên, cùng sự phục hồi mạnh của nền kinh tế, cũng như yếu tố mùa vụ, tăng trưởng tín dụng đã mạnh trở lại từ cuối quý III/2024.
Theo đánh giá của các chuyên gia VCBS, nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc quý cuối năm 2024 nhờ thị trường bất động sản tiếp đà phục hồi, cho vay bán lẻ, đặc biệt là cho vay mua nhà gia tăng. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đầu tư công, thu hút FDI, tiêu dùng tiếp tục cải thiện, đi kèm với nền lãi suất huy động thấp, nên lãi cho vay cạnh tranh, sẽ là động lực chính tác động tích cực lên lợi nhuận các ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng đều tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm nay và đến thời điểm này, chưa ngân hàng nào điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận so với đầu năm.
Thùy Vinh