Hoạt động sản xuất tại xưởng sản xuất trụ bê tông ly tâm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN
Đây là nội dung đáng chú ý trong báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2025 do Ngân hàng UOB (Singapore) vừa công bố.
Theo các chuyên gia của UOB, Việt Nam đã kết thúc năm 2024 rất thành công với tăng trưởng GDP thực tế tăng 7,55% trong quý IV/2024. Con số này cao hơn nhiều so với mức dự báo trung bình của thị trường là 6,7% và dự báo của UOB là 5,2%.
Nhờ hiệu suất mạnh mẽ đáng ngạc nhiên trong 3 quý vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7,09% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với mức 5,1% trong năm 2023; đồng thời vượt qua mức dự báo chung của thị trường và mục tiêu chính thức (6,5%). Đây là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ khi phục hồi sau COVID-19 vào năm 2022 (8,1%).
Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, trong khi hoạt động ngoại thương vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt năm 2024. Sự gia tăng doanh số ngành bán dẫn kể từ giữa năm 2023 cho thấy đà tăng trưởng có khả năng sẽ tiếp tục trong một vài quý tới.
Xét đến động lực mạnh mẽ được chuyển tiếp từ năm 2024 và tính đến các rủi ro và bất lợi tiềm ẩn từ các cuộc xung đột thương mại tiếp theo từ chính quyền mới của Hoa Kỳ, UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên 7%, thay vì mức 6,6% trước đó.
Trong năm 2025, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã kêu gọi đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, với sự hỗ trợ từ việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút thêm đầu tư.
Dựa trên cách tiếp cận tập trung vào kỷ luật tài chính và cách đầu tư công đã được giải ngân cho đến nay, các chuyên gia của UOB cho rằng, mục tiêu 8% có vẻ khá tham vọng nhưng vẫn có những dư địa để đạt được.
UOB kỳ vọng những chuyến biến tích cực từ các động lực trong nước như sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp vào các hoạt động, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2025.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn về triển vọng thương mại sẽ là rủi ro lớn đối với Việt Nam trong nửa cuối năm. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam phụ thuộc ngày càng lớn vào xuất khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 400 tỷ USD, gần bằng quy mô GDP danh nghĩa của Việt Nam là 450 tỷ USD.
Ở góc nhìn tích cực hơn, UOB kỳ vọng Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng chính sách thuế quan bổ sung theo cách có tính toán và linh hoạt hơn. Qua đó giảm áp lực lên các nước đang xuất khẩu lớn vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Hứa Chung (TTXVN)