Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch xã Đông Quan, huyện Lộc Bình
Đã thành thông lệ, vào ngày 21 hằng tháng, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), hộ nghèo cùng các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định lại đến UBND xã để nộp tiền lãi, gốc, gửi tiết kiệm... cho NHCSXH.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Kháng Chiến cho biết: Nguồn vốn vay ưu đãi được giải ngân qua điểm giao dịch xã với thủ tục vay đơn giản, thuận tiện, giúp người dân tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí. Theo đó, UBND xã đã bố trí vị trí thuận lợi cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện tổ chức điểm giao dịch. Tại điểm giao dịch xã, bà con còn nắm bắt những thông tin về mức vay, lãi suất cho vay, quy trình thủ tục vay vốn, các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước. Đến nay, trên địa bàn xã có 12 tổ TK&VV, gần 200 hộ vay vốn với dư nợ trên 23 tỷ đồng.
Hiện Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ hơn 5.300 tỷ đồng, trên 90.300 hộ vay. Đến nay, tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt trên 99%; thu nợ gốc đạt 97,8%; thu lãi đạt 99%.
Không chỉ tại xã Kháng Chiến, hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện giao dịch tại 194/194 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Hằng tháng, vào một ngày cố định, tổ giao dịch lưu động sẽ trang bị đầy đủ các công cụ, thiết bị để thực hiện các nghiệp vụ giao dịch với khách hàng như một ngân hàng “thu nhỏ” để cho vay, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm, tiếp nhận hồ sơ vay vốn, xử lý nợ…
Tại các buổi giao dịch ở xã, cán bộ ngân hàng trực tiếp giải ngân, thu nợ, thu lãi, đồng thời giải đáp những vướng mắc của người dân liên quan đến quá trình vay vốn và sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn từng chương trình cho vay của NHCSXH được niêm yết công khai tại bảng thông tin tín dụng chính sách tại UBND xã.
Chị Lý Thị Nga, thôn Bản Hả, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập cho biết: Năm 2024, gia đình tôi vay vốn NHCSXH với số tiền 100 triệu đồng để trồng, chăm sóc rừng. Việc vay vốn, trả nợ, trả lãi hằng tháng đều được thực hiện ngay tại điểm giao dịch xã nên rất thuận lợi, tiết kiệm được nhiều chí phí, thời gian đi lại trong quá trình vay vốn. Ngoài ra, những thắc mắc về lãi suất, thời hạn vay, thời hạn gia hạn nợ…, tôi đều được cán bộ tín dụng, cán bộ tổ tiết kiệm giải thích rõ ràng ngay trong phiên giao dịch, không phải mất công đến tận ngân hàng.
Hoạt động tại điểm giao dịch xã không chỉ tạo thuận lợi cho các hộ dân vay vốn mà còn giúp công tác quản lý vốn chặt chẽ, hiệu quả hơn. Sau mỗi buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng giao ban với Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ TK&VV của địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh ở cơ sở; cùng với đó, tích cực tuyên truyền, phổ biến những chính sách mới, nội dung cần phối hợp triển khai trong tháng kế tiếp.
Ông Trần Sỹ Đạo, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn cho biết: Những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện luôn chủ động tổ chức và duy trì tốt lịch giao dịch cố định tại 18 điểm giao dịch xã, thị trấn. Các điểm giao dịch thực hiện giao dịch vào một ngày cố định trong tháng, theo đó, trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao dịch, đơn vị xây dựng lịch giao dịch phù hợp từ ngày 5 đến ngày 14 hằng tháng, giờ giao dịch chủ yếu là sau 8 giờ sáng. Cùng với thực hiện các nhiệm vụ giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, cán bộ ngân hàng cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến những chính sách mới, nội dung cần triển khai trong tháng tiếp theo để nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn chỉ chiếm 0,3% trên tổng dư nợ.
Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm giao dịch nhằm giúp ngân hàng kiểm soát việc chấp hành các quy định của cán bộ ngân hàng, tổ trưởng tổ TK&VV, người dân khi giao dịch tại xã. Cùng với đó, UBND các xã, phường, thị trấn bố trí địa điểm để hoạt động giao dịch xã diễn ra thuận lợi. Hiện Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ hơn 5.300 tỷ đồng, trên 90.300 hộ vay. Đến nay, tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt trên 99%; thu nợ gốc đạt 97,8%; thu lãi đạt 99%.
Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Các điểm giao dịch xã của Chi nhánh NHCSXH tỉnh thời gian qua hoạt động rất hiệu quả, việc tổ chức giao dịch luôn chấp hành đúng quy định. Qua đó giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách nắm bắt các thông tin về chính sách vốn vay ưu đãi mà không cần chờ đến ngày giao dịch. Ngoài ra, tại điểm giao dịch xã còn trang bị hòm thư góp ý, đường dây nóng để các hộ dân, các tổ chức hội, đoàn thể giám sát về thực hiện chính sách tín dụng. Qua đó, hạn chế thất thoát, tham ô, lợi dụng tiền vốn, tạo lòng tin của người dân đối với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH. Nhiều năm qua, kết quả đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã đều xếp loại tốt; chất lượng tín dụng đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,06%/tổng dư nợ.
Điểm giao dịch xã không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân vay vốn mà còn giúp công tác quản lý vốn được chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch tại xã bảo đảm an toàn, hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy trình, quy định, từ đó, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nhanh chóng, thuận tiện, tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
HIỂU LAM