AI xuất hiện trong hệ thống vận hành của nhiều nhà băng để tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu rủi ro. Ảnh: T.L.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) đang ngày càng thể hiện tiềm năng lớn trong ngành ngân hàng. Một báo cáo từ McKinsey ước tính rằng Gen AI có thể đóng góp 200-340 tỷ USD mỗi năm cho ngành ngân hàng. Con số "khổng lồ" này chứng minh AI không chỉ là xu hướng mà là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực tài chính.
Xu hướng này cũng được ghi nhận rõ rệt khi 85% ngân hàng toàn cầu đã ứng dụng các công nghệ AI vào việc phát triển sản phẩm và dịch vụ mới. Đồng thời, hơn 59% nhân viên ngân hàng đang sử dụng AI trong công việc hàng ngày.
Bối cảnh này phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình ngân hàng truyền thống (digital bank) sang ngân hàng số (AI bank), với dự báo kinh phí cho AI trong ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh, từ 6 tỷ USD vào năm 2024 lên 85 tỷ USD vào năm 2030, đánh dấu mức đầu tư tăng trưởng hơn 1.400%.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy cuộc Cách mạng AI trong ngành tài chính - ngân hàng” do GreenNode và Nvidia tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Lê Thành, Tổng giám đốc GreenNode đánh giá việc ứng dụng AI trong xử lý dữ liệu là bệ phóng giúp doanh nghiệp trong ngành tài chính - ngân hàng mở rộng quy mô, tối ưu hóa vận hành và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ đi kèm với những thách thức không nhỏ. Bởi việc ứng dụng AI trong ngành ngân hàng cần đi đôi với bảo mật thông tin và tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các mô hình AI cần được thiết lập sao cho đảm bảo tính minh bạch và không làm phát sinh các nguy cơ rủi ro liên quan đến việc xử lý dữ liệu nhạy cảm.
Thực tế hiện nay, nhiều ngân hàng đã "rục rịch" đầu tư vào các giải pháp AI để tối ưu hóa quy trình vận hành và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Đơn cử như giải pháp GreenNode Intelligent Document Processing (IDP) giúp các nhà băng xử lý tài liệu thông minh hay Video KYC, một giải pháp giúp định danh khách hàng điện tử qua cuộc gọi video.
"Một số ngân hàng lớn đã triển khai giải pháp IDP để tối ưu hóa quy trình, đồng thời đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu nhạy cảm. Các mô hình xử lý chuyên biệt cho giấy tờ tùy thân và nhận dạng khuôn mặt cũng đã được phát triển trong bộ giải pháp Video KYC để hỗ trợ các ngân hàng định danh khách hàng qua cuộc gọi video”, ông Nguyễn Quang Uy, Phó giáo sư, Giám đốc Nghiên cứu AI tại GreenNode cho biết.
Bên cạnh các giải pháp này, việc sử dụng các công nghệ đám mây chủ quyền (sovereign cloud) cũng đang ngày càng trở nên quan trọng. Các ngân hàng đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào hạ tầng AI để nâng cao hiệu quả vận hành, đồng thời bảo vệ dữ liệu khách hàng theo các tiêu chuẩn bảo mật.
Hồng Nhung