Săn hàng livestream xả kho cuối năm: Cẩn thận kẻo nhận trái đắng

Săn hàng livestream xả kho cuối năm: Cẩn thận kẻo nhận trái đắng
6 giờ trướcBài gốc
Những năm gần đây, khi thương mại điện tử phát triển, cứ dịp cuối năm, gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tăng cao và các buổi livestream xả kho giá rẻ đã trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các đối tượng lừa đảo thực hiện nhiều chiêu thức tinh vi.
Thời điểm này, người tiêu dùng bắt đầu mua sắm nhiều hơn, đặc biệt là mua sắm online. Tuy nhiên, không ít người mua phải mặt hàng kém chất lượng, không đúng như quảng cáo.
Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện hàng loạt mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang không rõ nguồn gốc được kinh doanh chủ yếu trên nền tảng thương mại điện tử (Ảnh: Báo Đại Đoàn kết)
Trước thực trạng này, Cục an toàn thông tin mạng đã nhiều lần cảnh báo thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay trên mạng internet là quảng cáo sai sự thật. Người bán quảng cáo sản phẩm với hình ảnh lung linh, giá rẻ bất ngờ, xả kho thanh lý... Tuy nhiên, hàng giao đến lại kém chất lượng; Livestream giả danh thương hiệu nổi tiếng, giả danh logo để tăng độ tin cậy lừa người mua; Hay bẫy bình luận chốt đơn nhanh, livestream kêu gọi bình luận nhanh để giữ hàng, tạo áp lực khiến người xem không kiểm tra kỹ thông tin trước khi đặt; Lừa đảo qua phí ship, giao hàng giá thấp, nhưng thu phí ship cao, vượt giá trị sản phẩm; Cuối cùng là kêu gọi chuyển tiền, sau đó chặn liên lạc hoặc không giao hàng.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, nhận định: “Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Người tiêu dùng cần hết sức thận trọng khi mua hàng online, đặc biệt là qua các livestream.”
Theo ông Lương, chúng ta luôn phải cảnh giác khi tiếp cận mọi thông tin trên không gian mạng. Đặc biệt, là những lời mời chào tham gia các game shows hoặc đột nhiên chúng ta được người nổi tiếng liên hệ, mà trong khi trước đó chúng ta chưa từng có mối quan hệ nào với các cá nhân là người nổi tiếng đó. Nội dung của người nổi tiếng liên hệ là mởi mọc, rủ rê vào nội dung hay chương trình nào đó để mua bán hàng. Trong hoàn cảnh này chúng ta phải cẩn thận, hoặc có thể tìm kiếm nguồn thông tin chính thống.
Luật sư Phạm Xuân Nghĩa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nghĩa cho biết, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng tâm lý bận rộn cuối năm. Giả danh shipper giao nhầm là một trong những chiêu thức phổ biến nhất. Luật sư Phạm Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Cảnh giác không bao giờ là thừa. Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, nhưng người tiêu dùng cần luôn giữ sự cẩn trọng, trở thành những người mua sắm thông minh và sáng suốt. Cảnh giác là biện pháp tốt nhất để bảo vệ bản thân trước những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội".
“Cuối năm là dịp thường có các chương trình khuyến mại. Lợi dụng dịp đó, một số đối tượng, thậm chí các nhà kinh doanh lấy hàng kém chất lượng để bán cho khách hàng. Giá của hàng hóa đó lại thấp hơn giá thời điểm bình thường. Thế nhưng, nếu chúng ta vô tình mua hàng đó thì là mua đắt chứ không mua rẻ. Nếu cần mua hàng online, chúng ta nên tìm hiểu kỹ và vào những trang web chính thức của các công ty có thương hiệu. Còn lại các cá nhân buôn bán bình thường trên mạng, chúng ta không biết nguồn gốc, càng không biết hàng đó có phải là hàng chính hãng hay không, thì không nên mua”- luật sư Nghĩa nói.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên ưu tiên mua hàng từ các nguồn đáng tin cậy, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm và người bán trước khi đặt hàng, đồng thời yêu cầu kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán. Đặc biệt, không nên nhận các đơn hàng không rõ nguồn gốc. Nếu khách hàng không may mua phải hàng giả trên mạng, khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường và bảo vệ quyền lợi của mình. Khách hàng có thể giữ hóa đơn, lưu lại biên lai, lưu giữ mọi giấy tờ liên quan đến giao dịch, bao gồm hóa đơn, biên lai, và tin nhắn trao đổi với người bán; Chụp ảnh, quay video ghi lại sản phẩm khi nhận được, đặc biệt nếu có dấu hiệu hàng giả hoặc không đúng mô tả; Gửi yêu cầu đổi trả hàng và đòi lại tiền thông qua các kênh liên lạc với người bán (nhắn tin, email, gọi điện). Một số cửa hàng có chính sách đổi trả trong thời gian nhất định. Hãy yêu cầu họ thực hiện đúng cam kết.
Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu mua hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn, khi mua phải hàng kém chất lượng so với quảng cáo thì dùng chức năng "Báo cáo" (report) trên nền tảng; Yêu cầu hoàn tiền vì hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn đều có chính sách hỗ trợ khách hàng trong trường hợp hàng giả hoặc không đúng mô tả. Gửi bằng chứng và yêu cầu giải quyết. Trong trường hợp, nếu không giải quyết được trực tiếp với người bán, nhận thấy người bán có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật bạn có thể liên hệ đến cơ quan chức năng như công an kinh tế hoặc công an khu vực. Cung cấp đầy đủ bằng chứng giao dịch.
Nguyễn Hiền/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/phap-luat/san-hang-livestream-xa-kho-cuoi-nam-can-than-keo-nhan-trai-dang-post1147908.vov