Ảnh minh họa
Mất 100 triệu vì muốn nâng hạn mức tín dụng
Tại cơ quan công an, một người phụ nữ tại Hà Nội cho biết đã bị mất gần 100 triệu đồng từ thẻ tín dụng do tin lời đối tượng lừa đảo. Chúng đã giả danh nhân viên ngân hàng, chào mời chị nâng hạn mức tín dụng của thẻ và chiếm đoạt thẻ của chị.
"Họ yêu cầu tôi đọc 4 số cuối của thẻ tín dụng để nâng hạn mức. Sau đó, họ nói có mã OTP gửi về máy điện thoại và bảo tôi gửi lại cho họ. Sau khi tôi gửi thì rất nhanh chóng, thẻ tín dụng của tôi bị trừ số tiền là 95 triệu đồng", nạn nhân tường trình trước cơ quan chức năng.
Chị Trần Lan Phương (Quận 3, TP.HCM) đang sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank). Chị Phương cho biết, cách đây vài ngày, một người tự xưng là nhân viên ngân hàng đã gọi điện thoại đề nghị chị cung cấp thông tin cá nhân để hỗ trợ tăng hạn mức thẻ tín dụng, kèm theo một số ưu đãi, bao gồm cả phí bảo hiểm sức khỏe trị giá hàng triệu đồng.
Cụ thể, thẻ tín dụng của chị Phương đang có hạn mức 55 triệu đồng, được khẳng định là sẽ nâng lên mức 75 triệu đồng, kèm theo gói tặng phí bảo hiểm sức khỏe lên đến 5 triệu đồng. "Nghi ngờ thông tin này là giả mạo, tôi đã thông báo nội dung cuộc gọi cho ngân hàng để xác minh", chị Phương nói.
Liên quan đến sự việc này, Ngân hàng VietBank cảnh báo, chủ thẻ tín dụng tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không nhập mật khẩu, OTP, mã PIN..., không cung cấp thông tin số thẻ, mã bí mật CVV/CCV, thông tin cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào để tránh bị mất tiền.
Sử dụng thẻ tín dụng an toàn
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Nghiên cứu Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, cho biết, để tránh "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo, khách hàng cần lưu ý một số điểm quan trọng như không cung cấp mã bí mật CVV trên thẻ tín dụng, mã OTP, không truy cập link hay cài ứng dụng theo yêu cầu, chỉ trao đổi với nhân viên ngân hàng nếu cuộc gọi được định danh.
"Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP hay truy cập đường link nào cả. Nếu cần theo tác, ngân hàng sẽ hướng dẫn thao tác trên các ứng dụng mà ngân hàng đã hướng dẫn cài đặt trước đó.
Đặc biệt, tất cả các ngân hàng khi gọi điện cho khách hàng đều thực hiện cuộc gọi định danh, hiển thị tên ngân hàng. Nếu bạn nhận được cuộc gọi từ số lạ thì khả năng cao đó là cuộc gọi lừa đảo", ông Vũ Ngọc Sơn cho hay.
Nếu phát hiện mình bị lừa đảo chiếm đoạt thẻ tín dụng, khách hàng cần nhanh chóng liên hệ trực tiếp hoặc vào ứng dụng của ngân hàng để khóa thẻ. Sau đó lưu lại các thông tin, hình ảnh như nội dung tin nhắn, số điện thoại của kẻ lừa đảo, tài khoản nhận tiền chuyển khoản để làm bằng chứng trước cơ quan chức năng.
Ông Vũ Ngọc Sơn lí giải, việc thanh toán bằng thẻ tín dụng hiện nay tương đối dễ dàng, ví dụ khi đi ăn hay mua hàng hóa, khi thanh toán người tiêu dùng hay đưa thẻ tín dụng cho nhân viên.
"Chúng ta nên cẩn trọng, không nên đưa thẻ của mình cho người khác. Chỉ cần chụp ảnh thẻ, kẻ xấu có thể lấy được toàn bộ thông tin. Ngoài ra, công nghệ thanh toán hiện nay cho phép giao dịch không chạm như Apple Pay, Samsung Pay… càng làm cho việc lạm dụng thẻ tín dụng trở nên dễ dàng hơn. Người dùng nên trực tiếp thực hiện thao tác chứ không nên đưa thẻ cho người khác", ông Vũ Ngọc Sơn cảnh báo.
Ngoài ra, nhiều người có thói quen sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm trực tuyến và lưu lại thông tin thẻ trên các trang bán hàng để tiện thanh toán cho các lần mua hàng sau. "Việc lưu lại mã thẻ là nguyên nhân các đối tượng xấu có thể đột nhập vào hệ thống lưu thông tin thẻ và đánh cắp thông tin", ông Sơn cho biết.
Mai Vàng