Ngân sách địa phương cấp tỉnh được phép bội chi nhưng phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ

Ngân sách địa phương cấp tỉnh được phép bội chi nhưng phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ
6 giờ trướcBài gốc
Giải quyết 3 vấn đề quan trọng trong 1 Nghị định
Luật Ngân sách nhà nước năm 2025 mới được Quốc hội thông qua là dự án luật quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành, lĩnh vực và địa phương, góp phần then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Luật là nền tảng pháp lý quan trọng để quản lý, điều hành ngân sách nhà nước hiệu quả và minh bạch. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết 4 nội dung và Chính phủ quy định 26 nội dung. Bộ Tài chính chủ trì xây dựng 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 6 Nghị định của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị.
Sáng ngày 7/7, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị thảo luận, xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật này. Dự thảo này quy định chi tiết 20 trong 26 nội dung do Quốc hội giao, thay thế Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, dự thảo Nghị định tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm: quy định chi tiết công tác xây dựng dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách nhà nước; hướng dẫn sử dụng vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương cho các dự án kết cấu hạ tầng và hỗ trợ địa phương khác; tổng hợp hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 5 năm.
Giải đáp cụ thể hơn, ông Nguyễn Minh Tân - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo quy định chi tiết các nội dung quản lý ngân sách, gồm quy định chung, lập dự toán, chấp hành, quyết toán, công khai ngân sách và giám sát cộng đồng, sử dụng vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương cho các dự án kết cấu hạ tầng và lập kế hoạch tài chính 5 năm. Đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Dự thảo sửa đổi quy định về bội chi ngân sách, làm rõ cách xác định bội chi ngân sách trung ương và địa phương cấp tỉnh. Ngân sách địa phương cấp tỉnh được phép bội chi nhưng phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ, chỉ dùng cho đầu tư phát triển trung hạn và không phát sinh nợ quá hạn.
Về điều hành ngân sách, theo ông Tân, dự thảo làm rõ quy trình tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp khác khi thiếu hụt tạm thời, với thời hạn hoàn trả tối đa 12 tháng. Dự thảo cũng bổ sung quy trình xử lý đề xuất bổ sung dự toán từ nguồn dự phòng ngân sách. Bộ Tài chính đề xuất mở rộng thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương.
Về giao dự toán ngân sách, dự thảo quy định Thủ tướng Chính phủ giao dự toán thu, chi chi tiết theo lĩnh vực cho từng bộ, ngành và địa phương, bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bộ Tài chính sẽ giao chi tiết nhiệm vụ thu, chi theo quyết định của Thủ tướng và chức năng quản lý ngành.
Hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật rất cấp bách
Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành và địa phương đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong xây dựng và trình ban hành kịp thời Luật Ngân sách nhà nước và dự thảo Nghị định. Lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long nhận định, Luật đã sửa đổi triệt để các vướng mắc trước đây, tăng cường phân cấp cho địa phương và mở rộng quyền chủ động trong quản lý ngân sách, đặc biệt về quỹ tài chính và tạm ứng cho các dự án quan trọng.
Toàn cảnh hội thảo.
Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao việc Bộ Tài chính trình Luật và dự thảo Nghị định với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể hơn về nhiệm vụ chi phát sinh thường xuyên chia đều trong năm và quy trình phân bổ vốn cho các dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung như quản lý và hỗ trợ ngân sách cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quản lý nguồn tài trợ và đóng góp tự nguyện, phân bổ và giao dự toán, tổ chức thu chi ngân sách, nguyên tắc và điều kiện ứng trước dự toán, xử lý chuyển nguồn, trình tự quyết toán và xử lý kết dư ngân sách.
Phát biểu tại hội thảo, ông Gonzalo Serrano, Phó trưởng ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Luật Ngân sách nhà nước trong thời gian gấp rút, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng pháp luật. Ông nhấn mạnh việc hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật rất cấp bách, đặc biệt khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Dự thảo cần bám sát đối tượng điều chỉnh, được xây dựng rõ ràng, dễ hiểu để các đối tượng thuận tiện áp dụng.
Đại diện EU cũng đánh giá cao việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế và khẳng định Liên minh châu Âu sẵn sàng đồng hành, chia sẻ bài học kinh nghiệm nhằm hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện pháp luật, giúp Luật Ngân sách nhà nước đi vào cuộc sống, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư công và xây dựng hệ thống thuế công bằng, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hồng Vân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/ngan-sach-dia-phuong-cap-tinh-duoc-phep-boi-chi-nhung-phai-dap-ung-dieu-kien-chat-che-d324918.html