Hiện nay, Hà Tĩnh đang bước vào mùa nắng nóng gay gắt, điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, nhất là nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Liên quan đến vấn đề này, Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với bà Đào Thị Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.
-Thưa bà, đâu sẽ là những nguy cơ tiềm ẩn về ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng?
Thời tiết nắng nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm khi đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh hơn so với điều kiện bình thường. Đồng thời, mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như: ruồi, nhặng, gián, muỗi...
Mặt khác, thời tiết nắng nóng khiến cho công tác bảo quản thực phẩm gặp nhiều khó khăn hơn, dễ bị hư hỏng, phân hủy và giảm bớt hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm, gây ra nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Bà Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh
Thiếu nước sinh hoạt cũng là một nguy cơ gây ra những mối lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong khâu chế biến thực phẩm. Đồng thời ảnh hưởng đến việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
- Vậy đâu là những khó khăn đang ảnh hưởng đến công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và trong mùa nắng nóng nói riêng?
Mặc dù ngành chức năng có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, giám sát, song nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn rất cao, nhất là trong mùa nắng nóng. Hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đa số còn nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình, chưa thực sự đáp ứng được các quy định.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nuôi trồng, chế biến, kinh doanh chưa kịp thời. Việc quản lý an toàn thực phẩm qua hình thức kinh doanh online gặp rất nhiều khó khăn.
Nguy cơ mất an toàn tại các quầy hàng thực phẩm chín trong chợ dân sinh là rất lớn.
Đặc biệt, việc quản lý thức ăn đường phố, bếp ăn trường học, bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất lớn, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn rất mỏng, nhất là tuyến xã và chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, một số nhiệm vụ triển khai chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Về mặt chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về lĩnh vực này vẫn chưa được ban hành đầy đủ, khiến cho công tác quản lý, đánh giá của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Thức ăn bày bán trên nền chợ.
Trong công tác tuyên truyền, dù đã nỗ lực triển khai song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn một bộ phận người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có nhận thức chưa đầy đủ, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, vẫn có những hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, nhận thức, kiến thức của một bộ phận người tiêu dùng trong lựa chọn, bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm còn yếu.
- Bà có những khuyến cáo gì cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm trong mùa nắng nóng?
Trước những nguy cơ tiềm ẩn về ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.
Phải ăn chín, uống sôi, thực hiện tốt công tác vệ sinh bếp, dụng cụ chế biến, vệ sinh cá nhân và sử dụng nguồn nước sạch.
Đoàn liên ngành test nhanh tinh bột và dầu mỡ trong bát ăn của trẻ tại một trường mầm non trên địa bàn Cẩm Xuyên. Ảnh tư liệu.
Khi lựa chọn thực phẩm cần tìm đến các cơ sở uy tín, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Người dân nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố bởi thường không được bảo quản tốt, cộng thêm thời tiết nóng nực, thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi. Người bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như: buồn nôn, đau bụng... cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không nên tự ý dùng thuốc.
Với vai trò là cơ quan thường trực trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát mối nguy, lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện các nguy cơ. Ngoài vai trò của lực lượng chức năng cấp tỉnh, chúng tôi cũng đề nghị các lực lượng chức năng ở cơ sở, nhất là phường, xã cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo đúng phân cấp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Xin cảm ơn bà !
Phúc Quang - Sỹ Hoàng