Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, thực hiện sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội hóa các hoạt động văn hóa và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa trong bối cảnh cấu trúc lại nền kinh tế được xem là một trong những căn cứ để xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.
Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang từng bước định hình và phát triển với những thành tựu đáng ghi nhận. Một trong những dấu mốc quan trọng chính là việc Đảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước năm 2014. Nghị quyết này đã đặt ra nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với việc hoàn thiện thị trường văn hóa, tạo nền tảng chính trị quan trọng để các ngành này từng bước hội nhập vào chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.
Cùng với đó, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được thông qua, chính thức công nhận điện ảnh như một ngành công nghiệp văn hóa, mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vào năm 2016, nhằm định hướng phát triển toàn diện các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, thiết kế, quảng cáo, và du lịch văn hóa... Đây là những bước đi cần thiết để các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ là một khái niệm mà còn trở thành động lực thực sự cho nền kinh tế.
Không dừng lại ở hoàn thiện thể chế, Việt Nam còn chứng kiến sự bùng nổ các không gian sáng tạo tại các đô thị lớn. Những địa điểm như Hanoi Creative City, Complex 01, và The Factory Contemporary Arts Centre tại TP.HCM đã trở thành những "điểm chạm sáng tạo", thu hút sự quan tâm lớn từ giới trẻ và lan tỏa tinh thần sáng tạo đến mọi tầng lớp.
Các sự kiện sáng tạo như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF), Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa (Monsoon) và Lễ hội Âm nhạc Hò Zô đã góp phần tạo nên thương hiệu văn hóa cho Việt Nam. Những sự kiện này không chỉ thu hút hàng ngàn khán giả mà còn đưa nghệ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng quốc tế.
Đặc biệt, việc Hà Nội, Đà Lạt và Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự công nhận của thế giới đối với tiềm năng văn hóa và sáng tạo của Việt Nam. Hà Nội, với di sản văn hóa lâu đời và nhịp sống hiện đại, đang trở thành trung tâm của nhiều hoạt động sáng tạo nổi bật, khẳng định vị thế của mình trong khu vực và quốc tế. Hội An và Đà Lạt, với nét quyến rũ riêng biệt, tiếp tục khai thác tài nguyên văn hóa để tạo nên những giá trị kinh tế và nghệ thuật độc đáo.
Bên cạnh đó, lĩnh vực điện ảnh đã gặt hái những thành công đáng kể với các bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải,… không chỉ nhận được sự đón nhận tích cực từ khán giả trong nước mà còn gây tiếng vang trên trường quốc tế.
Hà Nội, Đà Lạt và Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO
Ngành âm nhạc cũng có những bước tiến khi các nghệ sĩ trẻ như Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu, Hà Myo hay Hoàng Thùy Linh… truyền cảm hứng cho thế hệ sáng tạo dựa trên khái thác giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho sản phẩm nghệ thuật mới.
Mới đây, các concert nội địa như “Anh trai say hi” hay “Anh trai vượt ngàn chông gai” lập kỷ lục bán vé trong năm 2024. Đây là tín hiệu vô cùng tích cực đối với thị trường nhạc Việt Nam, cho thấy rằng khán giả Việt Nam ngày càng quan tâm và sẵn sàng chi trả để thưởng thức các sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ trong nước.
“Tôi nhận thấy rằng đây không chỉ là sự thay đổi trong thị hiếu mà còn phản ánh sự trưởng thành và phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá.
Hai chương trình "Anh trai" gây sốt trong năm 2024
Ông Bùi Hoài Sơn nói thêm: “Tôi cho rằng thành công của các concert nội địa này đến từ nhiều yếu tố. Trước hết, đó là chất lượng âm nhạc ngày càng được nâng cao. Các nghệ sĩ Việt Nam đã đầu tư nghiêm túc vào sản phẩm của mình, từ việc sáng tác, sản xuất đến biểu diễn. Những ca khúc chạm tới cảm xúc của khán giả, kết hợp với phong cách biểu diễn chuyên nghiệp và sáng tạo, chính là yếu tố thu hút đông đảo người hâm mộ.
Tôi cũng nghĩ rằng sự đổi mới trong việc tổ chức concert đã góp phần quan trọng vào thành công này. Những chương trình được đầu tư công phu từ khâu sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến cách xây dựng kịch bản biểu diễn đã tạo ra những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ cho khán giả. Tôi nhận thấy rằng việc áp dụng các công nghệ hiện đại và phong cách tổ chức chuyên nghiệp, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, đã giúp nâng tầm các concert nội địa, tạo niềm tin và sự háo hức cho công chúng”.
Việt Nam đang trên hành trình xây dựng một nền công nghiệp văn hóa mạnh mẽ. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Dù còn khiêm tốn so với một số quốc gia trong khu vực, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang từng bước định hình và khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng mới, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ từ cả Chính phủ và các tổ chức xã hội.
Hiện tại, doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, du lịch văn hóa, và thủ công mỹ nghệ đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Ví dụ như năm 2022, doanh thu quảng cáo đạt khoảng 2,192 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường quảng cáo Việt Nam năm 2022 đạt 12,7%. Năm 2023, lần đầu tiên, thị phần phim nội địa ước tính chiếm hơn 42% toàn thị trường, với doanh thu hơn 1.130 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sự gia tăng nhận thức về giá trị kinh tế của văn hóa và sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc và thiết kế, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng.
Dù vậy, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để hiện thực hóa mục tiêu 7% GDP vào năm 2030, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết một số thách thức lớn. Các chính sách tài chính cần được điều chỉnh linh hoạt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành; cơ sở hạ tầng sáng tạo như trường quay, phòng thu âm hay không gian triển lãm cần được đầu tư nhiều hơn; và đặc biệt, nguồn nhân lực sáng tạo cần được đào tạo bài bản để bắt kịp với xu hướng quốc tế.
“Nhìn vào những thành công của các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc hay Thái Lan, việc Việt Nam đạt được mục tiêu đặt ra không chỉ là kỳ vọng mà hoàn toàn có cơ sở thực tiễn. Bằng cách tận dụng bản sắc văn hóa độc đáo, sự sáng tạo của con người Việt Nam và sự hỗ trợ đúng hướng từ Chính phủ, công nghiệp văn hóa hoàn toàn có thể trở thành "mỏ vàng" mới, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới”, ông Sơn đánh giá.
“Tôi cho rằng, các chính sách hỗ trợ và cơ hội hội nhập quốc tế là những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tạo điều kiện cho lĩnh vực này tiếp cận thị trường toàn cầu và khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể nhờ sự quan tâm mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội cũng như sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, trước tiên, các chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước đã đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp văn hóa. Nghị quyết 33-NQ/TW, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Luật Điện ảnh (sửa đổi) và các chương trình hỗ trợ đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp và nghệ sĩ. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp sáng tạo, cùng các hoạt động xúc tiến thương mại và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã giúp giảm bớt rào cản và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào các ngành công nghiệp văn hóa.
Hò Dô 2024 - đón 200.000 lượt người tham gia
Về hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các cơ hội để nâng cao vị thế của mình. Việc Hà Nội, Hội An, và Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ khẳng định tiềm năng sáng tạo của các đô thị mà còn thu hút sự quan tâm của các đối tác quốc tế. Điều này tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, doanh nghiệp sáng tạo Việt Nam tiếp cận với thị trường và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Ngoài ra, các sự kiện quốc tế như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa (Monsoon), hay Hò Zô Festival không chỉ giới thiệu nghệ thuật Việt Nam ra thế giới mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của các nhà làm phim, nhạc sĩ, và các nhà đầu tư quốc tế. Sự tham gia của Việt Nam tại các hội chợ văn hóa, triển lãm quốc tế như Expo 2020 Dubai hay Cannes Film Festival cũng giúp nâng cao hình ảnh và giá trị của các sản phẩm văn hóa Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA), trong đó có các điều khoản về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển công nghiệp sáng tạo. Những hiệp định nêu trên không chỉ tạo điều kiện để sản phẩm văn hóa Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế mà còn thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực này.