Ngành dệt may trước áp lực thiếu hụt lao động

Ngành dệt may trước áp lực thiếu hụt lao động
4 giờ trướcBài gốc
Sản xuất mặt hàng khẩu trang tại Công ty cổ phần Dệt kim Đông Xuân.
Điều này trái ngược so với những năm trước, khi doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, bắt buộc cắt giảm lao động.
Tình trạng biến động lao động xảy ra tại các doanh nghiệp ngành dệt may không phải chuyện hiếm, tuy nhiên, tỷ lệ lao động nghỉ việc đang có xu hướng ngày càng gia tăng và ở mức cao. Do đó, doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp để “giữ chân” người lao động, bảo đảm hiệu quả, thúc đẩy sản xuất.
ĐỐI DIỆN NHIỀU ÁP LỰC
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 (May 10) Thân Đức Việt cho biết, tổng doanh thu của đơn vị năm 2024 đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 10%; thu nhập bình quân đạt gần 10,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với cùng kỳ; lao động cuối kỳ đạt 7.130 người, giảm nhẹ so với năm 2023. Mặc dù lượng đơn hàng hiện có đủ sản xuất hết quý I/2025 và đang đàm phán cho những tháng tiếp theo, thế nhưng, doanh nghiệp đang đối diện tình trạng biến động về lao động, nhất là những dự án tăng quy mô, mở rộng sản xuất.
Đơn cử, một dự án ở Thái Bình cần 1.000 lao động, hiện mới tuyển được 400 lao động. “Năm 2025, dự kiến May 10 cần khoảng 3.000 lao động nhưng muốn tuyển dụng đủ số lượng này hoàn toàn không dễ khi sức cạnh tranh về lao động ngày càng gay gắt. Chưa kể, doanh nghiệp còn phải đối diện biến động khó lường của thị trường cũng như yêu cầu ngày càng khắt khe của đối tác, khách hàng về đơn hàng, kết cấu sản phẩm,…”, ông Thân Đức Việt khẳng định.
Trái ngược với những năm trước, ngành dệt may rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng trầm trọng, buộc phải cắt giảm lao động. Từ nửa cuối năm 2024 đến nay, tình hình lại đổi chiều khiến doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm kiếm lao động. Sự cạnh tranh không chỉ diễn ra trong ngành mà đến từ các doanh nghiệp ngoài ngành và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu không sớm được khắc phục, dệt may cũng như nhiều ngành sản xuất khác sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động.
Do đó, Việt Nam cần phải quy hoạch nguồn lực lao động cho các ngành nghề một cách rõ ràng, theo chiến lược kinh tế của quốc gia. Ngoài ra, cần cân đối nguồn xuất khẩu lao động, chỉ nên xuất khẩu lao động chất lượng cao sang làm kỹ sư, chuyên gia; còn lao động phổ thông phải tính toán, có lộ trình, chiến lược cụ thể nhằm tránh nguy cơ Việt Nam phải nhập khẩu lao động.
Đề cập tới giải pháp bảo đảm nhân lực phục vụ sản xuất, ông Thân Đức Việt khẳng định: May 10 luôn có đủ đơn hàng nên nguồn lao động không bị gián đoạn, thiếu việc làm. Tuy nhiên, trước bối cảnh khó khăn về nhân lực, tính bất ổn của thị trường, để giữ chân người lao động, đơn vị luôn xác định phải bảo đảm thu nhập ổn định cũng như tập trung đào tạo tay nghề nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động cùng các khoản phúc lợi xã hội khác.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho rằng, năm 2024, lao động giảm gần 1.000 người (khoảng 8%) nhưng đơn vị vẫn giữ được năng suất, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khá; đồng thời, nỗ lực bảo đảm thu nhập bình quân tăng 7-8% để giữ chân người lao động trong điều kiện áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng.
“Muốn ổn định lao động về lâu dài cần phải tạo chỗ ở cũng như đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất, thu nhập. Bên cạnh đó, đơn vị xác định phải tự đổi mới, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ, hướng đến quản trị, quản lý bằng công nghệ số nhằm bảo đảm hiệu suất cao nhất, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
NÂNG CAO TAY NGHỀ LAO ĐỘNG
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho hay, đơn hàng của doanh nghiệp dệt may tương đối dồi dào, nhưng các doanh nghiệp đang gặp áp lực lớn về nhân lực, nhiều đơn vị không đủ lao động để thúc đẩy sản xuất.
Trước đây, do đơn hàng sụt giảm, nhiều công nhân về quê hoặc chuyển sang công việc khác, hiện tại doanh nghiệp đơn hàng tăng trở lại nhưng khó tuyển dụng dẫn đến hiện tượng thiếu càng thêm thiếu. Để giải quyết tình thế trước mắt, doanh nghiệp cần đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đào tạo nâng cao tay nghề, tăng ca, tăng giờ làm nhằm bảo đảm thực hiện theo kế hoạch xuất hàng cho đối tác.
Tương tự, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho rằng, vấn đề nổi bật hiện nay đó là các doanh nghiệp đang phải đối diện tình trạng thiếu lao động và sự cạnh tranh lao động gay gắt. Tỷ lệ lao động nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2024 tại một số đơn vị đã ngang bằng với cả năm 2023 và 6 tháng cuối năm 2024, lao động rất thiếu.
Nhiều doanh nghiệp đối diện tình trạng biến động lao động lên tới 20%. Các doanh nghiệp tiến hành tuyển dụng nhưng không bù đắp được lượng lao động nghỉ việc, hoặc có những đơn vị rất khó khăn trong tuyển dụng, nhất là lao động có tay nghề.
Dự báo, năm 2025 sẽ tiếp tục thiếu hụt lao động, thậm chí ngành sợi là ngành ít sử dụng lao động nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức. Nguyên nhân do sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, giữa doanh nghiệp trong nghề với doanh nghiệp khác và doanh nghiệp FDI.
Do đó, giải pháp là phải liên tục duy trì và thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng lao động với người lao động; cải thiện môi trường làm việc và chăm lo tốt hơn về chất lượng, cuộc sống của người lao động, từ bữa ăn ca cho đến các chế độ khác ngoài thu nhập và nâng cao về văn hóa tinh thần chứ không chỉ dừng lại ở mặt vật chất. Các doanh nghiệp và Vinatex đang xây dựng lại hình ảnh nhà tuyển dụng chuyên nghiệp hơn, với các thông tin về thu nhập, thưởng Tết công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Người lao động là tài sản quý nhất của doanh nghiệp nên doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng thu nhập và các chế độ phúc lợi khác để giữ chân người lao động. Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị có đơn hàng nhưng phải từ chối vì không có người làm.
Vì vậy, doanh nghiệp phải lựa chọn đơn hàng tốt, giá trị gia tăng cao thay vì nhận ồ ạt như trước. Doanh nghiệp cần triển khai các phương án tận dụng tối đa nguồn lực hiện có, tối ưu hóa mô hình quản trị, sử dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP để nâng cao hiệu quả kết nối giữa các khâu trong sản xuất, các bộ phận trong và ngoài doanh nghiệp với nguồn nhân lực tối thiểu; đồng thời, linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với biến động thị trường, qua đó thúc đẩy tăng trưởng ổn định, bền vững.
Hoàng Anh
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nganh-det-may-truoc-ap-luc-thieu-hut-lao-dong-post856226.html