Ngành điện chuyển đổi xanh để phát triển

Ngành điện chuyển đổi xanh để phát triển
6 giờ trướcBài gốc
Xã hội hóa hoạt động điện lực
Trên thực tế, khi áp lực chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững ngày càng gia tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động tiếp cận các công nghệ năng lượng xanh nhằm tối ưu hóa chi phí, giảm phát thải và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngành điện cũng không ngoại lệ. Nội dung quy hoạch điện VIII cũng đã nhấn mạnh tiềm năng to lớn của đất nước trong phát triển năng lượng sạch. Theo đó, việc chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh được coi là một bước đi cần thiết nhằm phát triển bền vững ngành điện, bảo đảm an ninh năng lượng.
Dự án điện gió Sunpro tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre). Nguồn: Đầu tư online
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, hiện nay nhu cầu về năng lượng không chỉ nằm ở mặt sản lượng hay mức tiêu thụ mà còn về chất lượng của nguồn năng lượng. Trong bối cảnh hướng tới Net Zero của nền kinh tế xanh thì rõ ràng chất lượng của nguồn năng lượng rất quan trọng. Vẫn theo ông Hiếu, thời gian tới, khi năng lượng sạch được phát triển mạnh mẽ, giá điện cũng cần được thay đổi nếu muốn đảm bảo cung ứng đủ điện. Phát triển ngành điện theo hướng bền vững thông qua chuyển đổi xanh không chỉ là giải pháp toàn diện để giải quyết các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu mà còn là con đường để Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ông Hiếu cho biết thêm, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của ngành điện cũng cần triệt để khắc phục những vướng mắc, tồn tại, nhất là những vướng mắc trong hoạt động xã hội hóa ngành điện. Với góc độ xã hội hóa ngành điện, sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho khu vực DN tư nhân tham gia vào các hoạt động điện lực, qua đó tạo thêm không gian cho các thành phần kinh tế khác. Xã hội hóa ngành điện cũng làm tách bạch rõ ràng giữa các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Trong từng khâu này sẽ khuyến khích sự tham gia của nhiều DN, qua đó mở ra nhiều cơ hội mới cho khu vực tư nhân tham gia cung ứng điện năng. Ông Hiếu nhận định, việc mở rộng phạm vi và cách tiếp cận của ngành điện nhằm tạo ra khung pháp lý đủ rộng và linh hoạt để thu hút các bên tham gia. Và từ đó thúc đẩy phát triển ngành năng lượng theo hướng hiện đại, đa dạng, cũng như bền vững.
Thu hút đầu tư năng lượng tái tạo
Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay Việt Nam đã có những chính sách để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch, góp phần đảm bảo nguồn cung điện. Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Phó cục trưởng Cục Điện lực cho biết, bên cạnh nhà máy thủy điện, nhiệt điện, việc thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam như điện gió, điện mặt trời hiện nay có nghĩa rất quan trọng. Chúng ta cần đẩy mạnh việc đa dạng hóa, xã hội hóa các nguồn đầu tư về cấp phát điện, triển khai đồng bộ các biện phát sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng điện. Theo ông Dương, Nhà nước chỉ độc quyền khu vực then chốt của cung ứng điện, cũng như vận hành đường dây truyền tải có tính xương sống trong hệ thống. Còn lại, tất cả khâu khác của chuỗi cung ứng điện đều xã hội hóa và khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài tham gia.
Tại Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh, trên cơ sở phối hợp với địa phương, bộ, ngành, Bộ Công thương đưa ra danh mục các dự án năng lượng để kêu gọi đầu tư xã hội hóa và thẩm quyền thực hiện là UBND các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở danh mục, việc công bố, mời thầu đầu tư các dự án năng lượng này sẽ thực hiện theo quy định của đấu thầu về đầu tư, đất đai.
Chia sẻ dưới góc độ DN, ông Nguyễn Văn Đạt - Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên cho hay, khi yêu cầu về nguồn cung ứng điện tăng cao để phục vụ phát triển kinh tế, các DN trong lĩnh vực năng lượng giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhà nước đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia. Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như các nguồn năng lượng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả; hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng mặt trời và điện áp mái.
Nam Anh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nganh-dien-chuyen-doi-xanh-de-phat-trien-10305496.html