Ngành điện, điện tử khẳng định vai trò dẫn dắt tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Ngành điện, điện tử khẳng định vai trò dẫn dắt tăng trưởng sản xuất công nghiệp
3 giờ trướcBài gốc
Theo Sở Công thương, năm 2024, nhu cầu hàng hóa thế giới tăng trở lại, xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước đạt kết quả tích cực, số lượng đơn hàng sản xuất gia tăng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2024 ước đạt 248.253,3 tỷ đồng, tăng 17,54% so với năm 2023, đạt 109,6% kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong năm ước tính tăng 16,4% so với năm 2023. Tốc độ tăng trưởng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu cơ bản đạt kế hoạch năm và tăng cao so với năm trước.
Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm điện, điện tử tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt ngành công nghiệp với mức tăng 56,9% đối với thiết bị điện, điện tử và tăng 33,5% đối với sản phẩm dây điện các loại. Có được kết quả này là nhờ sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp lớn tại các khu công nghiệp trên địa bàn, như: Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật AVC Việt Nam, Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, Công ty TNHH Wistron Infocomm Việt Nam, Công ty TNHH Hankook Al Tec Vina, Công ty TNHH NMS Việt Nam…
Sản xuất tại Công ty TNHH Samas Wiring Systems Vina, KCN Thanh Liêm.
Tại Công ty TNHH Gentherm Việt Nam – doanh nghiệp chuyên sản xuất tấm sưởi nhiệt, bộ cáp điện dùng trên xe ô tô (Khu công nghiệp Đồng Văn II, Duy Tiên), trong 5 năm gần đây có doanh thu đều đạt mức tăng trưởng từ 10%/năm, ngay cả trong những thời điểm thị trường tiêu thụ gặp khó ở giai đoạn trong và sau đại dịch Covid -19. Số công nhân lao động từ khoảng 300 người vào năm 2020, đến nay đã tăng lên trên 1.000 người. Năm 2024, với việc trang bị thêm máy móc tự động, đưa các dây chuyền sản xuất cơ bản thành dây chuyền bán tự động, Gentherm Việt Nam đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 20% về sản lượng tiêu thụ so với năm 2023.
Ông Lê Việt Cường, Giám đốc Công ty TNHH Gentherm Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, thị trường ô tô phát triển mạnh khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm bộ dây dẫn điện dùng cho ô tô khá thuận lợi. Điều này đã tạo điều kiện để Gentherm đẩy mạnh sản xuất. Nhận thấy môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi, nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về mọi mặt từ UBND tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, chúng tôi có định hướng sẽ mở rộng quy mô hoạt động, tiếp tục tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới.
Theo ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, nếu như năm 2023, hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp gặp khó khiến hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra thì thực trạng này đã được cải thiện trong năm 2024. Năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp ước đạt 202,5 nghìn tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 8,06 tỷ USD, bằng 115% kế hoạch năm. Năm 2024, mặt hàng điện, điện tử vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao so với các sản phẩm chủ lực khác. Cụ thể, linh kiện, thiết bị điện tử tại các khu công nghiệp tăng 30%; bộ dây điện ô tô, xe máy tăng xấp xỉ 17% so với mục tiêu kế hoạch năm.
Mặc dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song ngành điện, điện tử trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất cũng như kim ngạch xuất nhập khẩu, có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nhìn vào thực tế hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh những năm qua có thể thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp điện, điện tử chủ yếu là do tỉnh thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc vào đầu tư trên địa bàn. Riêng tại các khu công nghiệp, trong tổng số trên 370 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, có gần 200 dự án sản xuất mặt hàng điện, điện tử. Hằng năm, giá trị sản xuất ngành công nghiệp điện, điện tử chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đạt mức tăng trưởng dương qua các năm. Kết quả đạt được cho thấy, những năm qua, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của tỉnh đã phát huy hiệu quả.
Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng. Đối với lĩnh vực công nghiệp, quy hoạch chỉ rõ: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, đặc biệt là luôn có mặt bằng sạch chờ đón các doanh nghiệp đến đầu tư. Đây cũng chính là những thuận lợi để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án sản xuất điện, điện tử của các tập đoàn lớn trên thế giới vào đầu tư trong thời gian tới. Cùng với thu hút đầu tư mới, Hà Nam cũng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích thu hút đầu tư “tại chỗ”, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đã hoạt động tại tỉnh mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Nguyễn Oanh
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/kinh-te/cong-nghiep/nganh-dien-dien-tu-khang-dinh-vai-tro-dan-dat-tang-truong-san-xuat-cong-nghiep-143153.html