Ngành điện miền Nam góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Ngành điện miền Nam góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
3 giờ trướcBài gốc
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức Hội nghị góp ý kiến các dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Đây là các dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Ông Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai (ngồi giữa) chủ trì Hội nghị. Ảnh: EVNSPC
Đối với Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Dự thảo luật này gồm 9 chương và 121 điều với 6 nhóm chính sách lớn như: Quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Theo đánh giá của các sở ngành, doanh nghiệp…, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường điện, năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với các loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện…
Đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại hội nghị. Ảnh: EVNSPC
Tham gia góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại hội nghị góp ý kiến các dự án luật ngày 9/10, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai - khẳng định: Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động Điện lực và sử dụng điện. Tuy nhiên, trải qua 20 năm (2004 - 2024), quan hệ xã hội có nhiều thay đổi, không ít vấn đề pháp lý mới phát sinh.
Chính vì vậy, sửa đổi Luật Điện lực là tất yếu để phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Trước hội nghị này, Tổng công ty Điện lực miền Nam và Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã có nhiều góp ý cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Trong đó, một số ý kiến đã được cấp trên tiếp thu, sửa đổi vào Dự thảo.
Tại Dự thảo mới để góp ý lần này, ngành điện tiếp tục đóng góp 9 ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến quan trọng liên quan đến các quy định về đầu tư dự án lưới điện trung, hạ áp; bảo đảm an toàn hành lang lưới điện; quy định về ngừng cung cấp điện đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của pháp luật…
Ở góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai - cho biết, nhiều nội dung góp ý của UBND tỉnh Đồng Nai cho các Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trước đây đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu. Tại Dự thảo mới, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, đầu tư phát triển lưới điện phân phối…
Ông Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời khẳng định, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tập hợp các ý kiến đóng góp tại hội nghị, để kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các Dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi khi các Luật được ban hành.
Minh Khuê
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nganh-dien-mien-nam-gop-y-du-thao-luat-dien-luc-sua-doi-351471.html