Ngành Điều khiển và Tự động hóa: Tương lai công nghiệp hiện đại của Việt Nam

Ngành Điều khiển và Tự động hóa: Tương lai công nghiệp hiện đại của Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh cuộc cách mạng số định hình lại toàn cầu, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp phát triển vào năm 2045. Một trong những yếu tố cốt lõi để đạt được mục tiêu này là xây dựng nền công nghiệp hiện đại, mà ngành Điều khiển và Tự động hóa đóng vai trò then chốt. Điều khiển và Tự động hóa không chỉ là động lực thúc đẩy sản xuất và kinh tế mà còn là cầu nối giữa tri thức công nghệ và ứng dụng thực tiễn, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.
Vai trò của ngành Điều khiển và Tự động hóa trong phát triển công nghiệp
Ngành Điều khiển và Tự động hóa là nền tảng cốt lõi của các hệ thống sản xuất hiện đại, nơi tích hợp các công nghệ tiên tiến như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật công nghiệp (IIoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Các giải pháp tự động hóa không chỉ giúp tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu lãng phí và tăng cường năng suất lao động. Bên cạnh đó, ngành Điều khiển và Tự động hóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số – một xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu. Các hệ thống giám sát và điều khiển thông minh như SCADA hay MES đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, ngành này cũng góp phần vào phát triển bền vững khi các hệ thống điều khiển hiện đại giúp tiết kiệm tài nguyên, tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải, xây dựng nền kinh tế xanh. Hơn thế nữa, sự phát triển của điều khiển và tự động hóa còn thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu và hợp tác với các quốc gia phát triển.
Thách thức và cơ hội cho ngành Điều khiển và Tự động hóa tại Việt Nam
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến nhiều công nghệ tiên tiến như robot công nghiệp, Internet vạn vật (IoT), AI và Big Data, buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng tích hợp để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ này đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao, thành thạo cả lý thuyết lẫn thực hành. Tại Việt Nam, nguồn nhân lực trong ngành Điều khiển và Tự động hóa còn hạn chế, nhiều kỹ sư tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong vận hành và tối ưu hóa các hệ thống hiện đại, gây áp lực lớn lên các cơ sở đào tạo và chính sách phát triển nhân lực.
Hệ thống robot công nghiệp phục vụ đào tạo ngành Điều khiển và Tự động hóa, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: NTCC)
Bên cạnh đó, Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay các nước ASEAN như Singapore và Thái Lan, vốn sở hữu nền tảng công nghệ tiên tiến, lao động chất lượng cao và môi trường đầu tư hấp dẫn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực kỹ thuật của nhân lực ngành Điều khiển và Tự động hóa để duy trì vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội lớn, đặc biệt thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Những hiệp định này không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường rộng lớn mà còn tạo điều kiện tiếp nhận công nghệ hiện đại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mang theo công nghệ cao và tiêu chuẩn quốc tế, tạo động lực thúc đẩy chuyển giao công nghệ và góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển của ngành Điều khiển và Tự động hóa.
Trong thời gian tới, với chủ trương xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân thì công nghệ điều khiển và tự động hóa lại càng trở nên quan trọng, khi công tác đảm bảo an toàn và độ tin cậy trong luôn là ưu tiên hàng đầu. Việc áp dụng các công nghệ tự động hóa là giải pháp cần thiết để hạn chế và phòng ngừa rủi ro thông qua tối ưu hóa vận hành nhờ các hệ thống điều khiển, giám sát thông minh. Công nghệ điều khiển và tự động hóa cho phép tự phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống bất thường, đồng thời giảm chi phí vận hành và bảo trì nhờ sử dụng robot và thiết bị tự động ở các khu vực nguy hiểm.
Ngoài ra, công nghệ này còn hỗ trợ công tác thiết kế, chế tạo các bộ trao đổi công suất và tích hợp với lưới điện thông minh, tối ưu hóa phân phối năng lượng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy còn giúp phân tích dữ liệu vận hành, nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro, mang lại hiệu quả bền vững và mở ra tiềm năng phát triển cho các nhà máy năng lượng hạt nhân hiện đại.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo nhân lực uy tín
Là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo về kỹ thuật và công nghệ tại Việt Nam, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Điều khiển và Tự động hóa, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Điều khiển và Tự động hóa theo hướng tiếp cận công nghệ mới, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng về điều khiển tự động, hệ thống nhúng và robot công nghiệp, đồng thời tiếp cận các công nghệ tiên tiến như IoT, AI và sản xuất thông minh.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tiếp nhận tài trợ hệ thống tự động hóa tích hợp robot từ Công ty TNHH Ani Vina. (Ảnh: NTCC)
Hiện tại, Khoa Tự động hóa, Trường Điện - Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang triển khai hai chương trình đào tạo chính: Kỹ thuật sản xuất thông minh và Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa.
Tại đây, chương trình đào tạo tập trung vào thiết kế, vận hành và cải tiến các phần tử và hệ thống điều khiển tự động, trong khi đó, chương trình Kỹ thuật sản xuất thông minh nhấn mạnh việc tối ưu hóa toàn bộ quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, vận hành.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại mô phỏng môi trường nhà máy tự động hóa thực tế, giúp sinh viên phát triển kỹ năng thực hành và thích nghi nhanh chóng với yêu cầu của thị trường lao động.
Trường cũng hợp tác với các doanh nghiệp lớn như Samsung, Toyota, ABB, ANI Vina, Goertek và các tổ chức quốc tế để triển khai các chương trình thực tập, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tiếp nhận tài trợ qua đó tạo thêm cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên.
Đặc biệt, đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội giàu kinh nghiệm và đã từng học tập, nghiên cứu tại các quốc gia công nghiệp phát triển. Trường khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu ứng dụng, góp phần xây dựng nền tảng tri thức vững chắc cho sự phát triển của ngành Điều khiển và Tự động hóa tại Việt Nam.
Nguồn ảnh: NTCC
Ngành Điều khiển và Tự động hóa không chỉ là nền tảng của nền sản xuất hiện đại mà còn là động lực để Việt Nam vươn mình trở thành quốc gia công nghiệp phát triển. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là một yêu cầu cấp thiết, và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong sự nghiệp này.
Với chương trình đào tạo bài bản, cơ sở vật chất hiện đại và sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội không chỉ đào tạo ra những kỹ sư tài năng mà còn góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, bền vững và sáng tạo trong kỷ nguyên mới.
Quách Đức Cường, Bùi Văn Huy (Khoa Tự động hóa, Trường Điện - Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/nganh-dieu-khien-va-tu-dong-hoa-tuong-lai-cong-nghiep-hien-dai-cua-viet-nam-post249020.gd