Chỉ thiếu người giỏi nghề, có ngoại ngữ
Trao đổi tại Hội nghị "Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay" do Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tổ chức chiều 12/4 tại Hà Nội, GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam khẳng định, chúng ta đang chứng kiến những bước chuyển mình rất lớn của ngành Du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3/2025 đạt trên 2 triệu lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung quý I/2025, tổng lượng khách quốc tế khoảng 6 triệu lượt, tăng 29,6% so với quý I/2024.
Lượng khách du lịch nội địa tháng 2/2025 ước đạt 11 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,8 triệu lượt khách có lưu trú. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa 2 tháng đầu năm 2025 đạt 26,5 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch trong tháng 2/2025 ước khoảng 160 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, cả nước có khoảng 195 cơ sở đào tạo du lịch, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng; 71 trường trung cấp; 4 trung tâm đào tạo nghề. Ngoài ra, còn có 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp. Song, những cơ sở đào tạo này vẫn không cung cấp đủ lao động theo nhu cầu thị trường du lịch, mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 lao động, nhưng thực tế, nguồn cung chỉ bảo đảm được khoảng 20.000 nhân lực. Trong số này, lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%; sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm hơn 50%; dưới sơ cấp chiếm 39,3%, và chỉ có 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch.
Điều này cho thấy, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Thời gian qua, "đào tạo lại" là cụm từ được nhiều doanh nghiệp du lịch nhắc tới khi bàn về vấn đề tuyển dụng nhân sự, bởi nguồn nhân lực mà các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, dẫn tới các đơn vị sử dụng nhân lực buộc phải mất thời gian "cầm tay chỉ việc" giúp người lao động thích ứng yêu cầu nghiệp vụ.
Đồng nhận định trên, bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, trước đây và hiện nay, du lịch Việt Nam vẫn đang rất thiếu nhân lực du lịch nhưng chỉ là thiếu người quản lý giỏi, có kỹ năng, quản lý, còn lao động phổ thông không thiếu, thậm chí thừa. Sau COVID-19, nhân lực du lịch chất lượng cao càng thiếu vì lao động giỏi đi tìm việc mới và không quay trở lại. Làm thế nào để lấp đầy khoảng trống về chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình chuẩn bị cho những bước phát triển lớn mạnh trong tương lai khi mà ngành Du lịch đã dần trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế là vấn đề cần được tháo gỡ kịp thời.
Ngành du lịch đang thiếu người giỏi nghề. Ảnh minh họa.
Tăng cường liên kết và thực hành trong đào tạo
Để giải quyết bài toán cho nhân lực du lịch hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, trong tuyển dụng nhân lực du lịch, "đầu vào" của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào "đầu ra" của các cơ sở đào tạo, tức là muốn có nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, chuẩn quốc tế, yêu cầu tiên quyết là cần có đội ngũ lao động được đào tạo bài bản đạt các cấp bậc trình độ chuẩn quốc tế, đủ khả năng làm việc ở cả môi trường doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy, giải pháp trước hết phải bắt đầu từ các trường, cơ sở đào tạo.
Về vấn đề này, ông Đào Mạnh Hùng cho rằng, việc đào tạo thực hành trong du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới. Vì mục đích của đào tạo du lịch là đào tạo nghề. Chất lượng của nghề nghiệp chỉ có thể đạt được khi người lao động có kỹ năng nghề cao, và để có kỹ năng lao động cao thì việc thực hành trong đào tạo là yếu tố quan trọng và quyết định. Ông Hùng cũng cho rằng, hiện nay, thấy mô hình đào tạo hệ Đại học và Cao đẳng đã trở về chung một nhà sau việc sáp nhập Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều đó báo hiệu việc xóa bỏ hoàn toàn rào cản của khái niệm "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Bên cạnh đó, các cơ sở, trường đào tạo du lịch cũng nên rà soát lại các phương thức đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành để đạt kết quả chất lượng đào tạo như mong muốn. Chương trình đào tạo nên tăng tỷ lệ thực hành.
Về vấn đề này, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nôi cũng nhận định, hiện nay, ngành du lịch Việt Nam buộc phải cạnh tranh với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới để thu hút nhân lực du lịch chất lượng cao. Vấn đề bị than phiền nhiều hiện nay là người được đào tạo nhưng thiếu kỹ năng thực tế. Ông Khải cũng cho rằng, giải pháp cần thiết hiện nay trong đào tạo là các trường đưa người học tăng cường đi thực tập ở các cơ sở, thực tập ở nước ngoài vì người làm du lịch va chạm với nhiều nền văn hóa khác nhau. Các khối, hệ đào tạo cần có sự liên kết nhiều hơn, chặt chẽ hơn để phát huy tốt nhất nguồn lực về trang thiết bị, giáo viên…
Đồng nhận định trên, đại diện trường Imperial International cũng cho biết, hiện nay, chương trình đào tạo của trường có đến 70% là thực hành, 30% là lý thuyết và lý thuyết cũng được trên cơ sở thực tế. Giáo viên phải là người giỏi nghề. Cụ thể, tại Imperial International, giáo viên phải là trưởng bộ phận, giỏi nghề trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Tuy nhiên, đào tạo du lịch như thế thì cần chi phí cao.
Ông Nguyễn Quốc Y - đầu bếp nổi tiếng, chủ cơ sở dạy nghề NetSpace cũng khẳng định, học phí thấp không thể đào tạo chất lượng cao vì đào tạo ít, học phí rất cao. Tại NetSpace hiện nay, 95% chương trình là thực hành. Lý thuyết nằm trong buổi thực hành và học phí phải ít nhất 4 triệu/1 tháng.
Hoa Nguyễn