Ngành đường sắt kinh doanh khởi sắc trở lại trong quý III sau quý II bị bào mòn lợi nhuận bởi giá nhiên liệu cao. Ảnh: VNR.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận doanh thu gần 564 tỷ đồng trong quý III, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thu cao kỷ lục kể từ quý II/2015 của doanh nghiệp này.
Đường sắt Sài Gòn lãi kỷ lục
Lợi nhuận gộp của công ty theo đó cũng tăng lên mức 92 tỷ đồng nhờ giá vốn tăng thấp hơn doanh thu. Bên cạnh đó, Đường sắt Sài Gòn còn ghi nhận hơn 7 tỷ đồng thu nhập khác từ các khoản phạt phí trả vé, đóng góp không nhỏ vào tổng lợi nhuận quý III của công ty.
Sau khấu trừ chi phí, SRT ghi nhận hơn 49 tỷ đồng lãi ròng quý III, tăng 14% so với năm trước và là mức lãi cao kỷ lục trong một quý kinh doanh của công ty.
Công ty cho biết doanh thu quý III tăng do tăng phần thu nhập khác đối với thu phí trả vé hành khách. Bên cạnh đó, quý này cũng không phát sinh khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, cùng với việc tiết giảm chi phí lãi vay đã góp phần làm tăng lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng, Đường sắt Sài Gòn ghi nhận 1.645 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ, và cao hơn nhiều doanh thu các năm 2019-2022.
Lãi ròng từ đầu năm công ty ghi nhận được cũng tăng 8% đạt gần 87 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay và vượt xa kết quả đạt được nhiều năm trước.
Đường sắt Hà Nội ảnh hưởng bởi bão Yagi
Tương tự, CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (UPCoM: HRT) cho biết đã ghi nhận hơn 782 tỷ đồng doanh thu trong quý vừa qua, tăng 23% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp sau quý I/2015.
Dù vậy, do giá vốn tăng cộng với các khoản chi phí phát sinh trong kỳ, Đường sắt Hà Nội chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế quý III đạt 35 tỷ đồng, giảm 35%. Tuy nhiên, đây vẫn là lợi nhuận quý cao nhất 1 năm qua của doanh nghiệp.
HRT lý giải do ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi đã làm chi phí sửa chữa, khắc phục các công trình kiến trúc tăng, là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận công ty bị ăn mòn.
Lũy kế 9 tháng, HRT ghi nhận gần 2.272 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 23% đạt 76 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quý IV/2023 công ty lỗ tới 84 tỷ đồng, nên kết quả lợi nhuận 9 tháng năm nay vẫn cao gấp 5 lần kết quả cả năm trước.
Năm 2024, cả HRT và SRT đều đề ra kế hoạch thận trọng với lãi trước thuế lần lượt hơn 12 tỷ đồng và gần 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy cả 2 doanh nghiệp đường sắt này đều đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm ngay từ quý I.
Trong khi đó, mục tiêu kinh doanh cả năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - công ty mẹ của HRT và SRT - là gần 6.300 tỷ đồng doanh thu và chỉ 5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trước đó, tổng công ty này đã đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế và thu nhập người dân chưa phục hồi ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, lạm phát tăng, đẩy giá nhiên liệu lên cao.
VNR cũng đã xây dựng xong phương án hợp nhất Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn thành một công ty vận tải đường sắt.
Đại hội đồng cổ đông của 2 công ty cũng đã thông qua nội dung liên quan đến việc hợp nhất và HĐQT 2 công ty đã có quyết định thông qua nội dung, ký kết hợp đồng hợp nhất. Hiện 2 công ty đang triển khai các thủ tục tiến tới hợp nhất.
Diệu Thanh