Ngành gỗ đang bị 'nội soi', đặc biệt là với Trung Quốc và Việt Nam

Ngành gỗ đang bị 'nội soi', đặc biệt là với Trung Quốc và Việt Nam
9 giờ trướcBài gốc
Những lo ngại khi Việt Nam nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc
Tại một hội thảo ngành gỗ được tổ chức mới đây, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết Trung Quốc là quốc gia thương mại gỗ hàng đầu của Việt Nam, cũng là quốc gia hàng đầu về đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015-2023, từ 258 triệu USD lên 760 triệu USD, tăng bình quân 21,6 %/ năm.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Ảnh: Mai Trang.
Trong 11 tháng năm 2024, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc đạt 983 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc là quốc gia cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm xấp xỉ 40% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước. Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc: ghế ngồi chiếm 18%; đồ gỗ chiếm 17%; veneer/ván bóc chiếm 33%; ván gỗ dán chiếm 23%; ván sợi chiếm 9%.
Ở chiều xuất khẩu, ông Hoài cho hay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng trong những năm qua. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc: dăm gỗ chiếm 83%; ván bóc chiếm 9%, đồ gỗ chiếm 2%, các sản phẩm gỗ khác chiếm 6%.
Theo ông Hoài, Trung Quốc và Việt Nam cùng là những nhà cung cấp sản phẩm gỗ hàng đầu của thế giới. Sản phẩm gỗ của hai nước khi xuất khẩu sang các quốc gia khác, đặc biệt là xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang bị “nội soi” quá nhiều do các vấn đề nhạy cảm về môi trường và nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
"Hoa Kỳ đang áp dụng thuế phòng vệ rất cao đối với sản phẩm gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc. Hoa Kỳ thường nghi ngờ một số sản phẩm gỗ từ Trung Quốc đã “mượn đường” qua Việt Nam rồi xuất khẩu sang Hoa Kỳ để lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Mặt khác, hiện nay quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ có trách nhiệm, đảm bảo gỗ hợp pháp là vấn đề sống còn đối với hai nước", ông Hoài nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, chuẩn bị sẵn sàng cho các rủi ro thương mại
Từ thực tế đó, ông Ngô Sỹ Hoài đề xuất Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở cả hai bên cùng có lợi. “Viforest mong muốn được học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ từ Việt Nam và cung cấp nhiều ván gỗ cho Việt Nam. Việt Nam cũng có thể bổ sung một số sản phẩm gỗ có thế mạnh, có thể tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc”, ông Hoài nói.
Trao đổi với phóng viên, TS Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends nhận định: Bức tranh ngành gỗ Việt chịu ảnh hưởng lớn trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, do đó các chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng trong thời gian tới sẽ tạo nên những thay đổi tác động đến ngành gỗ của Việt Nam.
TS Phúc cho biết, các chính sách của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tạo ra 3 dòng dịch chuyển chính trong thời gian tới gồm: Dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia; dịch chuyển về dòng vốn đầu tư Trung Quốc sang các nước khác và chính sách dịch chuyển về lao động nhập cư. Những chính sách này sẽ có tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
“Ngành gỗ Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác và đối thoại. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm giải pháp ứng phó kịp thời với các chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ. Đặc biệt, việc xác nhận xuất xứ hàng hóa (CO) là công cụ quan trọng chống lại gian lận thương mại.
Mặt khác, ngành gỗ cần nâng cao giá trị sản phẩm; trong đó tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như nội thất nhà bếp, ghế ngồi, và đồ nội thất gỗ khác để đáp ứng xu hướng thị trường. Đầu tư bền vững: Việt Nam cần phát triển các nhà máy “xanh” và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về môi trường để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Chuẩn bị cho rủi ro thương mại, các doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía Mỹ, thông qua việc nâng cao năng lực pháp lý và cải thiện quản trị rủi ro”, vị chuyên gia nói.
Trang Mai
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/nganh-go-dang-bi-noi-soi-dac-biet-la-voi-trung-quoc-va-viet-nam.html