Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế 34% mới đối với hàng hóa Trung Quốc, nâng mức thuế bổ sung trong năm nay với hàng hóa Trung Quốc lên 54%, Bắc Kinh lập tức thông báo sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu bổ sung 34% đối với tất cả các sản phẩm của Mỹ từ ngày 10/4 để phù hợp với mức "thuế quan đối ứng" do ông Trump áp đặt. Đồng thời, Bắc Kinh đang thực hiện một số biện pháp khác, bao gồm áp đặt nhiều biện pháp kiểm soát hơn đối với đất hiếm.
Bắc Kinh hôm 4/4 thông báo sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa của Mỹ kể từ ngày 10/4
Bà Emily Benson đến từ Công ty tư vấn chính sách công nghệ Minerva cho biết, trước đây, Trung Quốc thường phản ứng trước các hạn chế xuất khẩu của Mỹ bằng "phản ứng gương" (tức là áp đặt các hạn chế thương mại tương ứng) nhắm vào các ngành cụ thể. Tuy nhiên, kế hoạch rộng hơn được Bắc Kinh công bố hôm 4/4 là một "cảnh báo khá quan trọng" đối với chính quyền Tổng thống Trump để yêu cầu Mỹ tạm dừng các bước tiếp theo.
Tân Hoa Xã hôm thứ Bảy ngày 5/4 đã đăng bài báo có tiêu đề “Quan điểm của Chính phủ Trung Quốc về việc phản đối Mỹ lạm dụng thuế quan” nói rằng, việc Mỹ áp dụng thuế quan có đi có lại “vi phạm các luật kinh tế cơ bản và nguyên tắc thị trường, coi thường sự cân bằng lợi ích đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại đa phương và bỏ qua thực tế rằng, Mỹ đã được hưởng lợi đáng kể từ thương mại quốc tế trong một thời gian dài”. Đó là một “hành động của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt kinh tế” và “cuối cùng Mỹ sẽ tự hủy hoại chính mình”.
Tình hình thương mại Mỹ-Trung hiện nay như thế nào?
Theo Bộ Thương mại Mỹ, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc vào năm 2024 đạt 144,6 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu từ Trung Quốc là 439,7 tỷ USD.
Ngày 2/4 Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế bổ sung 34% đối với hàng hóa Trung Quốc, nâng mức thuế bổ sung năm nay với hàng hóa Trung Quốc lên 54%
Các ngành công nghiệp xuất khẩu chính của Mỹ bao gồm thiết bị điện và điện tử, các loại nhiên liệu năng lượng khác nhau, hạt có dầu và ngũ cốc. Tuy nhiên, so với cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Trung Quốc có thể tự tin hơn để đáp trả lần này.
Chuyên gia kinh tế Song Lin, đại diện tập đoàn quốc tế Hà Lan tại Trung Quốc cho biết: “Mặc dù Mỹ vẫn là một thị trường rất quan trọng, nhưng hiện có ít công ty phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ hơn đáng kể”. Ông nói thêm rằng, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực để trở nên tự chủ về mặt công nghệ.
Nông dân Mỹ sẽ chịu áp lực rất lớn
Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á cho rằng, nông dân Mỹ sẽ phải gánh gánh nặng khi Bắc Kinh áp đặt thuế quan bổ sung, các sản phẩm nông nghiệp do nông dân Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc có thể trở nên quá đắt và mất khả năng cạnh tranh.
Dữ liệu thương mại của Mỹ cho thấy, đậu nành, hạt có dầu và một số loại ngũ cốc là những mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ sang Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này đạt tổng trị giá 13,4 tỷ USD vào năm 2024.
Scott Gerlt, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Đậu nành Mỹ cho biết: “Năm 2024, Trung Quốc mua 52% lượng xuất khẩu đậu nành của chúng tôi”. Xét về quy mô mua sắm lớn như vậy, Trung Quốc sẽ không dễ bị thay thế.
Giá đậu nành giảm mạnh khi tin tức về thuế quan được đưa ra vào thứ Sáu.
Các sản phẩm được nông dân Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc có thể trở nên quá đắt và kém cạnh tranh khi Bắc Kinh áp đặt thuế quan mới
Tác động đến năng lượng và sản xuất
Năm 2024, Trung Quốc cũng nhập khẩu 14,7 tỷ USD nhiên liệu và dầu từ Mỹ.
Theo một báo cáo từ Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, thuế quan có thể tác động đến ngành dầu khí ở các bang như Texas và Louisiana, nơi đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm 2023.
Dữ liệu thương mại chính thức cho thấy, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 15,3 tỷ USD máy móc và thiết bị điện sang Trung Quốc vào năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu chất bán dẫn đã giảm do Mỹ mở rộng kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ tiên tiến.
Ngoài thuế quan, Trung Quốc cũng hạn chế xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm. Ngoài ra, nước này còn đưa 27 công ty Mỹ vào danh sách trừng phạt thương mại hoặc kiểm soát xuất khẩu - bao gồm các công ty máy bay không người lái và các công ty trong ngành quốc phòng và hàng không vũ trụ.
Bà Benson cho biết: “Trung Quốc kiểm soát khoảng 69% hoạt động khai thác nguyên tố đất hiếm và khoảng 90% hoạt động tinh chế”. Bà nói thêm: “Điều này có thể trở thành nút thắt cổ chai trong tương lai”, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất chất bán dẫn, nam châm, quang học và công nghệ laser. “Chắc chắn một số biện pháp là giành riêng cho ngành chip”.
Khi Washington và Bắc Kinh sử dụng ngày càng nhiều công cụ và biện pháp trong cuộc đối đầu, bà Benson cảnh báo rằng, nếu Mỹ không có chính sách công nghiệp nhằm tăng cường đầu tư vào sản xuất địa phương để mở rộng năng lực sản xuất, Mỹ sẽ rơi vào tình trạng tương đối dễ bị tổn thương và bị động khi đối mặt với các biện pháp kiểm soát liên quan từ Trung Quốc.
Hồng Hạnh