Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh vai trò của nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin đối với hoạt động ngân hàng. Ảnh: NHNN
Tại Diễn đàn, PGS,TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng - cho biết thêm, ngành ngân hàng thiếu hụt nguồn cung nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. Đây là nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Nếu như năm 2018, ngành ngân hàng cần 320.000 nhân lực về công nghệ thì đến năm 2026 là 750.000 người.
Ngành ngân hàng đang đặt ra những bước tiến chiến lược trong việc xây dựng hệ sinh thái số thông minh, đồng thời tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động và nhân lực để thích nghi với thời đại công nghệ cũng như hướng đến hệ sinh thái số thông minh - tầm nhìn chiến lược trong kỷ nguyên mới.
Hiện nay, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 820 nghìn tỷ đồng mỗi ngày. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý 26 triệu giao dịch mỗi ngày.
Theo NHNN, đến nay, có gần 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. 5 tháng đầu năm 2025, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là giao dịch qua mã QR tăng tới 78,09% về số lượng và 216,24% về giá trị.
Hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện trên kênh số, nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ khoảng 95% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...).
Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như vậy, vấn đề nhân lực cho ngành ngân hàng càng trở nên thách thức khi trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, blockchain và điện toán đám mây đang tạo ra những chuyển dịch mạnh mẽ trong vận hành ngân hàng. Blockchain làm thay đổi cấu trúc quản lý dữ liệu, bảo mật và giao dịch, giảm thiểu rủi ro và chi phí vận hành. Tự động hóa (RPA) đang thay thế hàng loạt vị trí truyền thống như giao dịch viên, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng.
Ông Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam - khẳng định, đây là một thực tế mà ngành ngân hàng phải đối mặt và thích nghi. Một trong những giải pháp quan trọng là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng. Đội ngũ này cần được trang bị những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số, ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình.
Cũng theo ông Tùng, việc đào tạo này cần được đưa vào chương trình của các cơ sở đào tạo như Học viện Ngân hàng, các trường đại học có đào tạo chuyên ngành tài chính - ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần chủ động cử cán bộ đi học, đi bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới./.
ĐỨC THÀNH