Ngành pin sạc dự phòng Trung Quốc: Từ khủng hoảng đến cơ hội tái cấu trúc

Ngành pin sạc dự phòng Trung Quốc: Từ khủng hoảng đến cơ hội tái cấu trúc
13 giờ trướcBài gốc
Nhân viên an ninh sân bay kiểm tra cục sạc dự phòng của hành khách. Ảnh: Sohu.
Từ cấm đoán đến cuộc đại thải loại ngầm
Ngày 26/6, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc bất ngờ thông báo: Từ ngày 28/6, hành khách khi lên các chuyến bay nội địa bị cấm mang theo sạc dự phòng không có dấu chứng nhận “3C”, dấu “3C” mờ không rõ ràng, hoặc thuộc các lô sản phẩm bị thu hồi. Chứng nhận “3C”, tức “China Compulsory Certification” là hệ thống bắt buộc của Trung Quốc nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng và sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Trung Quốc.
Quy định mới này đồng nghĩa với việc: Mọi sản phẩm sạc dự phòng được lưu hành và mang theo khi di chuyển bằng máy bay trong lãnh thổ Trung Quốc đều bắt buộc phải có dấu chứng nhận “3C” rõ ràng trên thân. Nếu không có, sản phẩm sẽ bị coi là không hợp chuẩn, không thể mang qua cửa kiểm tra an ninh hàng không.
Tuy nhiên, quy định cấm chỉ là bước khởi đầu. Ảnh hưởng sâu rộng của chính sách lại đến từ hàng triệu người dùng đã mua các sản phẩm không có dấu “3C” trước khi quy định có hiệu lực – những người giờ đây đứng trước sự tình thế khó xử: “Bỏ thì tiếc, dùng không được”.
Các sạc dự phòng phải có dấu chứng nhận "3C" mới được phép mang lên máy bay. Ảnh: Zaobao.
Ai sẽ là người “đứng mũi chịu sào” để bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người dùng đang cầm trên tay những cục sạc sắp thành rác?
Khi một ngành bất ngờ rơi vào cơn bão siết chặt quy định, tất cả các bên liên quan đều rơi vào trạng thái hoảng loạn về mặt an toàn: người tiêu dùng lo liệu sản phẩm có bị cấm, nhà sản xuất lo về tính hợp chuẩn của dây chuyền, nhà phân phối lo hàng tồn kho bị biến thành rác.
Các thương hiệu lớn – những cái tên “đứng mũi chịu sào” – nhanh chóng phản ứng. Một số khởi động kế hoạch thu hồi khẩn cấp, đồng loạt đóng cửa các gian hàng chính hãng trên nhiều nền tảng thương mại điện tử. Một thương hiệu lớn thậm chí phải thực hiện thu hồi trên phạm vi toàn cầu hơn 1,86 triệu sản phẩm.
Đồng thời, các doanh nghiệp đồng loạt siết chặt quy trình kiểm soát an toàn pin, cắt quan hệ với nhà cung cấp pin Amprius, thay thế bằng các tên tuổi uy tín như ATL, Lishen, hoặc EVE Energy.
Thậm chí, có tin đồn cho rằng Dreame Technology – một thương hiệu robot hút bụi nổi tiếng – đang nhăm nhe “nhảy sân” sang lĩnh vực sạc dự phòng với dòng sản phẩm dùng pin thể rắn (Solid-state battery).
Tuy nhiên, dù quy mô và chi phí cao, tất cả các biện pháp này vẫn chỉ là “dập lửa” - hành động cấp cứu để giảm thiểu thiệt hại. Trong khi đó, các công nghệ mới như pin thể rắn vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa thể nhanh chóng giải quyết niềm tin người tiêu dùng đang rạn nứt.
Hình ảnh hành khách vứt bỏ sạc dự phòng không hợp chuẩn tại sân bay Urumqi sáng ngày 28/6/2025. Ảnh: Sina.
Người dùng và thương hiệu “chạy về phía nhau”
Theo trang tin tài chính CLS, rất nhiều sản phẩm hiện tại trên thị trường vẫn chưa có chứng nhận 3C do quy định mới chỉ bắt đầu bắt buộc vào năm ngoái (2024). Khi quy định hàng không mới có hiệu lực, số lượng lớn sản phẩm bỗng dưng mất giá trị sử dụng, và người dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt.
Thương hiệu UGREEN tung ra chiến dịch “Đổi sạc cũ lấy mới” giảm giá 50% hỗ trợ người tiêu dùng thay thế sạc dự phòng không đạt chuẩn bằng sản phẩm hợp quy chuẩn 3C – như một cách chủ động giải quyết vấn đề.
Chiến dịch được cộng đồng đánh giá cao vì thay vì chờ đợi người dùng tự thay sản phẩm, UGREEN chủ động “bỏ tiền túi” để giúp người dùng chuyển đổi sang tiêu chuẩn mới – vừa thể hiện trách nhiệm, vừa truyền thông hiệu quả.
Trên mạng xã hội Weibo và các nền tảng khác, người dùng đăng tải ảnh chụp đơn hàng, bày tỏ sự hài lòng: “Thủ tục đổi hàng trên trang chính hãng rất thuận tiện, vận chuyển nhanh, đúng dịp nghỉ hè nên giải quyết kịp thời nhu cầu di chuyển”.
Thương hiệu UGREEN tung ra chiến dịch “Đổi sạc cũ lấy mới”, hỗ trợ người tiêu dùng giảm giá 50%. Ảnh: Sohu.
Nhiều người dùng “trung thành” cho biết họ đã mua tất cả từ cáp, củ sạc, giá đỡ của UGREEN, và lần này tiếp tục lựa chọn tin tưởng thương hiệu vì cách hành xử đầy trách nhiệm.
Thậm chí, chiến dịch còn lan tỏa ra cả nhóm người dùng thuộc các thương hiệu khác – họ chất vấn tại sao hãng mình dùng chưa lên tiếng và mong được tham gia chương trình của UGREEN.
Trang tin ChargerLab nhận định: Chiến dịch “Đổi cũ lấy mới” không chỉ tái thiết niềm tin người dùng vào chất lượng sản phẩm điện tử của UGREEN, mà còn là hành động cụ thể hưởng ứng chính sách “Tiêu dùng xanh” và định hướng đổi mới tiêu dùng của nhà nước Trung Quốc.
Hiệu ứng lan tỏa
Sau UGREEN, hệ thống điện máy Sundan kết hợp với nhiều thương hiệu khác ra mắt chương trình đổi sạc cũ lấy phiếu mua hàng trị giá 20-30 NDT.
Thương hiệu Sharge tung “Chương trình không lo lên máy bay” – nếu sạc bị từ chối tại cửa kiểm tra sân bay, khách hàng sẽ được tặng phiếu giảm giá 100 NDT.
JD.com thì triển khai “Đổi sạc miễn phí tại sân bay” – mỗi ngày cung cấp 400 cục sạc miễn phí tại các sân bay như Bắc Kinh, Hàng Châu, dành cho hành khách có vé máy bay và có sạc không đạt chuẩn hoặc có hóa đơn mua hàng tại JD.com.
Qua đó, người ta thấy điều quan trọng không nằm ở giá trị quà tặng, mà là liệu thương hiệu có thực sự thấu hiểu người tiêu dùng và đưa ra giải pháp phù hợp hay không.
Cú sốc kép từ lệnh cấm của Cục hàng không và chuẩn 3C mới cũng đã “dạy bài học” cho người tiêu dùng. Những tiêu chí cũ như dung lượng lớn, giá rẻ...không còn là ưu tiên hàng đầu.
Các sân bay đồng loạt triển khai lệnh cấm sạc dự phòng không hợp chuẩn. Ảnh: Sohu.
Giờ đây, người dùng quan tâm đến các yếu tố như: thương hiệu có chính sách thu hồi không, hậu mãi thế nào, có dám “đứng ra bảo vệ người dùng” trong khủng hoảng hay không.
Những thương hiệu dám hành động, dám chi tiền thực sự để “gánh trách nhiệm” – sẽ chiếm được lòng tin người tiêu dùng trong giai đoạn mới.
Ngành sạc dự phòng Trung Quốc tái thiết như thế nào?
Sự kiện này cho thấy gốc rễ của vấn đề là do cuộc chiến cạnh tranh giá rẻ quá mức trong ngành. Ba yếu tố “giá rẻ – lãi cao – chất lượng tốt” không thể cùng tồn tại, và khi chạy theo giá, chất lượng và an toàn bị hy sinh.
Bộ Công nghiệp & Công nghệ thông tin Trung Quốc đang lấy ý kiến về “Tiêu chuẩn quốc gia về an toàn sạc dự phòng” mới. Dự thảo quy định pin bắt buộc vượt qua các bài kiểm tra phá hủy như đâm xuyên, ép nát, chịu nhiệt cao và chống sạc quá mức, đồng thời yêu cầu quản lý chặt chẽ quy trình thiết kế, lắp ráp và kiểm tra linh kiện.
Chuẩn mới này sẽ trở thành “tấm vé thông hành” bắt buộc cho các thương hiệu muốn tồn tại trong tương lai. Doanh nghiệp lớn có thể xoay sở, nhưng các nhà máy nhỏ, thương hiệu vô danh khó có thể trụ lại vì chi phí tuân thủ quá cao.
Đây không chỉ là cú sốc ngắn hạn mà là bước chuyển mình toàn diện: ngành sạc dự phòng đang tiến vào kỷ nguyên “an toàn – tuân thủ – phát triển dài hạn”.
Sau cơn bão, ngành sạc dự phòng Trung Quốc sẽ còn lại điều gì? Chỉ những doanh nghiệp đã khắc chữ “an toàn” vào gene và dám hành động thực tế để chứng minh năng lực bảo vệ người dùng mới có thể trụ lại. Khi “trách nhiệm” trở thành bản năng, “an toàn” thành tín ngưỡng – ngành sạc dự phòng mới có thể bước vào một thời kỳ phát triển thực sự lành mạnh, bền vững và đáng tin cậy.
Thu Thủy
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/nganh-pin-sac-du-phong-trung-quoc-tu-khung-hoang-den-co-hoi-tai-cau-truc-post187834.html