Ngành Than - Khoáng sản đã không phụ lòng tin của Đảng, của nhân dân

Ngành Than - Khoáng sản đã không phụ lòng tin của Đảng, của nhân dân
2 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch HĐQT TKV (2001 - 2007)
Để tăng cường được sự thống nhất và phát huy được sức mạnh của hệ thống chuyên chính vô sản bảo vệ được vùng than thì lúc đó Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng công ty (TCT) Than Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Công ty Than Quảng Ninh và TCT Than Đông Bắc vào các công ty của ngành Than. TCT Than Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh như thế.
Sau khi thành lập TCT thì sự quản lý của ngành Than nói chung được thống nhất. Tức là xác định được trách nhiệm cho từng chủ mỏ, từng mỏ và từng vùng mỏ. Ai trách nhiệm đến đâu, quyền hạn đến đâu và phải làm gì để than trái phép không phát triển. TCT Than Việt Nam đã làm việc rất chặt chẽ với Thường vụ Đảng ủy Quảng Ninh và được sự ủng hộ rất cao, đặc biệt trong việc huy động sức mạnh để dẹp nạn than thổ phỉ.
Ở giai đoạn sau khi thành lập TCT, tình hình lập lại trật tự khai thác than được ổn định thì Than Việt Nam có nhiều bước chuyển biến rất mạnh mẽ.
Bước đầu tiên mà nói là TCT Than Việt Nam tổ chức khuyến khích các công ty, các mỏ có điều kiện phát triển sản lượng 1 triệu tấn/ năm được tách thành những đơn vị sản xuất than độc lập. Ví dụ như vùng Uông Bí là Than Vàng Danh, Than Mạo Khê là trở thành 1 công ty độc lập trực thuộc TCT. Dưới vùng Cẩm Phả như là Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn… đều được tách ra để trên cơ sở đó phát huy tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo của từng đơn vị để ngày càng phát triển.
Đó là bước đi hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Long đón tiếp lãnh đạo Nhà nước thăm Nhà máy Cơ khí ô tô Cẩm Phả năm 2004
Thứ hai là, sau khi củng cố được các mỏ, trên cơ sở các mỏ được tự chủ cao thì TCT bắt đầu khuyến khích áp dụng, nghiên cứu để từng bước cơ giới hóa các mỏ, đặc biệt là các mỏ hầm lò.
Trước kia các mỏ hầm lò sản lượng 200-300 nghìn tấn/năm là phổ biến. Xong dần dần, do áp dụng được những công nghệ cao thì các mỏ hầm lò công suất ngày càng được nâng lên. Có những mỏ hiện nay công suất lò chợ cao hơn nhiều so với sản xuất của cả mỏ hầm lò trước đây. Ví dụ như Vàng Danh, công suất lò chợ hiện nay, trên cơ sở cơ giới hóa, đồng bộ hóa các thiết bị, đã có những lò chợ công suất 200-300-600 nghìn tấn/năm. Tức là trước đây Vàng Danh cả mỏ sản xuất 1 năm được 200-300 nghìn tấn, thì bây giờ một lò đã cho công suất như vậy.
Cho nên việc cơ giới hóa các mỏ hầm lò là hết sức quan trọng.
Thứ ba là, sau khi các mỏ được phát triển thì bảo đảm sự công bằng giữa các mỏ. Mỏ lộ thiên, mỏ hầm lò, rồi mỏ gần, mỏ xa, mỏ có địa hình địa chất tốt, mỏ có địa hình địa chất không tốt… thì tiến hành việc giao khoán sản phẩm cho các mỏ. TCT sẽ ký hợp đồng với từng mỏ trên cơ sở giá thành tính toán hợp lý để làm sao các doanh nghiệp khai thác cố gắng như nhau thì sẽ có lợi nhuận tương đối giống nhau. Đó là sự công bằng giữa các mỏ trong quá trình sản xuất và phát triển.
Thứ tư là, TCT đã làm rất tốt việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần, ăn ở, đi lại của công nhân mỏ.
Bây giờ, công nhân đi từ lò ra là có nước nóng tắm, có người giặt quần áo, nếu quần áo rách thì có người vá, xe cộ đi lại rất đẹp, rất sạch sẽ. Ăn là ăn tự chọn, ăn theo nhu cầu của mình thoải mái, mà bữa cơm tự chọn của thợ lò bây giờ phải nói khá là sang. Việc ở thì hiện nay, nhiều mỏ công nhân được ở trên nhà tầng, điều kiện mọi thứ được chăm lo rất tốt. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở các mỏ được tăng cường. Có vị giám khảo về chấm thi ở các hội thi ngành Than nói rằng, ngoài các đơn vị văn nghệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam ra thì ngành Than là đơn vị có các đội văn nghệ hay nhất, đồng bộ nhất và rộng rãi nhất, thể hiện phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng được phát triển một cách sâu rộng.
Và thứ năm, phải nói là trong những năm vừa qua, dù sản xuất rất khó khăn, lúc thế này lúc thế khác, lúc thăng lúc trầm nhưng nội bộ của CBCNV ngành Than luôn được giữ vững, đoàn kết. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, các CBCNV đoàn kết một lòng xây dựng công ty ngày càng phát triển.
Năm 2005, theo chỉ đạo của Trung ương, TCT Khoáng sản nhập vào TCT Than Việt Nam để thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Cái khó khăn lớn nhất lúc đó phải nói rằng các công ty của TCT Khoáng sản thiếu vốn. Nhiều dự án làm dở dang nhưng không đủ vốn để tiếp tục hoạt động. Vì nợ nần nên ngân hàng không cho vay. Phải nói lúc đó là TCT nhập vào với quyết tâm rằng, phải xây dựng các đơn vị này là đơn vị thành viên của Tập đoàn phải phát triển và phát triển bền vững. Cho nên đã huy động vốn để cho các đơn vị này vay. Trong khi các ngân hàng không cho vay thì Tập đoàn cho các đơn vị vay để có vốn hoạt động. Các công ty kẽm ở Thái Nguyên, đồng ở Tằng Loỏng có vốn nên đã đi vào hoạt động và có hiệu quả. Sau này, trên cơ sở phát triển do yêu cầu của đất nước, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, theo yêu cầu của Chính phủ, TKV đã tiến hành xây dựng hai dự án. Dự án thứ nhất là bauxite Nhân Cơ, thứ 2 là ở Tân Rai - Lâm Đồng. Hai dự án này đã đi vào hoạt động và hiện nay sản xuất rất có lãi. Và người ta vẫn nói đùa với nhau rằng, đây là hai cơ sở “in tiền” của TKV.
Lúc đó, nhiều người hiểu không đúng về dự án này, họ cho rằng Tây Nguyên là địa hình hết sức quan trọng về quân sự của đất nước. Nếu để cho nước ngoài làm sợ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nhưng với tinh thần thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của Bộ Chính trị, TKV đã quyết tâm làm và làm có hiệu quả thực sự.
Lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Hiện nay, TKV là một trong những tập đoàn trụ cột trong chiến lược năng lượng quốc gia. Cho nên việc TKV phải phát triển bền vững là yêu cầu hết sức khách quan và buộc phải có giải pháp hợp lý để phát triển. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho TKV phát triển. Chính phủ đã có chính sách giao cho ngành vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu, vừa sản xuất để bảo đảm, cân đối hài hòa nguồn than cung cấp cho tất cả các nhà máy nhiệt điện trong nước. Chính sách đó đã được áp dụng và ngày càng phát huy hiệu quả.
Vừa qua Chính phủ cũng đã “mở cửa”, giao cho TKV tự quyết định tiền lương cho CBCNV của mình. Đó là việc rất tốt để bảo đảm cho đời sống CBCNV, đặc biệt là thợ lò có mức thu nhập phù hợp để nuôi sống bản thân mình, nuôi sống vợ con mình, yên tâm sản xuất và cũng không gây khó khăn trong vấn đề tuyển thợ lò như thời gian vừa qua.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển trong 30 năm qua, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào báo cáo với Đảng, với nhân dân là những người Thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành được nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Và TKV xứng đáng là một trong những trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/nganh-than-khoang-san-da-khong-phu-long-tin-cua-dang-cua-nhan-dan-718732.html