Ngành Vật lý học chưa thu hút nhiều người học: Chuyên gia kiến nghị giải pháp

Ngành Vật lý học chưa thu hút nhiều người học: Chuyên gia kiến nghị giải pháp
một ngày trướcBài gốc
Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, phấn đấu là nước phát triển, công nghiệp hiện đại. Để thực hiện được mục tiêu đó thì cần đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo học sinh, sinh viên chương trình tài năng ở các ngành khoa học cơ bản và thúc đẩy nghiên cứu ở lĩnh vực này.
Vật lý học là một trong những ngành quan trọng của khoa học cơ bản. Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh khó khăn tại nhiều cơ sở giáo dục đại học đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp để có nguồn nhân lực ngành này đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Nhu cầu lớn nhưng số lượng người học theo đuổi không nhiều
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Khoa - Ủy viên hội đồng giáo sư ngành Vật lý, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết: Ngành Vật lý học vừa là ngành khoa học cơ bản, vừa là ngành khoa học thực nghiệm rất gần với khoa học ứng dụng. Vật lý giúp chúng ta hiểu về cách thức hoạt động của thế giới, từ các hạt hạ nguyên tử đến vũ trụ rộng lớn. Chưa kể lĩnh vực này còn chia thành rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cơ học, nhiệt động lực học, điện từ học, quang học đến cả khoa học vũ trụ.
Trên thực tế, lịch sử đã cho thấy vật lý là cơ sở đặt nền móng cho các cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ. Hiện nay, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, vật lý là nền tảng cho công nghệ số, AI, vật lý lượng tử, công nghệ sinh học thông qua sự phát triển vượt bậc của cơ học lượng tử, vật lý quang tử, công nghệ nano…
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Khoa. Ảnh: Trường Đại học Vinh.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi đó, thầy Khoa cũng trăn trở rằng hiện nay, số lượng sinh viên theo học ngành Vật lý học tại các cơ sở giáo dục đại học không nhiều. Thực tế có thể nhận thấy ngay cả các học sinh chuyên Vật lý cũng không có ý định lựa chọn học tiếp lên đại học trong lĩnh vực khoa học cơ bản nói chung, theo đuổi ngành Vật lý học nói riêng.
Từ thực trạng đó, thầy Khoa cho rằng nếu không cải thiện kịp thời thì trong tương lai gần, nước ta sẽ thiếu hụt rất lớn nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Điều đó ảnh hưởng đến tiến trình vươn mình của quốc gia.
“Ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… hoạt động nghiên cứu vật lý được đầu tư mạnh mẽ, với nhiều đặc điểm nổi bật như đầu tư lớn về tài chính và cơ sở hạ tầng, cũng như ưu tiên các hướng nghiên cứu tiên phong. Từ đó thúc đẩy sự phát triển về khoa học công nghệ và khoa học xã hội.
Ở Việt Nam, do mức đầu tư cho nghiên cứu còn thấp, hạ tầng nghiên cứu còn hạn chế và các nghiên cứu được triển khai chưa có nhiều ứng dụng thực tiễn nên chưa gắn liền được tiến bộ về khoa học công nghệ với sự phát triển xã hội. Điều này dẫn tới hệ quả là chưa có nguồn nhân lực dồi dào trong hoạt động, chưa tạo được nhu cầu việc làm cho những người học về vật lý, nghiên cứu về vật lý”, thầy Khoa nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Danh Bích - Trưởng khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là Vật lí học đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của quốc gia.
Theo đó, các ngành khoa học cơ bản sẽ cung cấp nền tảng cho công nghệ, thúc đẩy đổi mới và năng lực cạnh tranh cũng như hỗ trợ hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực bán dẫn, laser, máy tính lượng tử... Từ đó giúp hình thành nhân lực chất lượng cao, phục vụ công nghiệp, kinh tế, quốc phòng.
Đối với ngành Vật lý học, đây không chỉ là ngành nghiên cứu tự nhiên mà còn có khả năng ứng dụng vào nhiều ngành nghề khác. Trên thực tế, những đột phá mà ngành Vật lý học mang lại đã góp phần tạo ra công nghệ tiên tiến, tăng cường an ninh và thúc đẩy nền kinh tế.
Ngành Vật lý học có khả năng ứng dụng với nhiều lĩnh vực khác nhau. Ảnh: NVCC
Thách thức trong việc đào tạo, thu hút người học
Theo Tiến sĩ Trịnh Hải Đăng - cựu sinh viên khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện đang là nhân viên Quản lý kỹ thuật, Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMS) : Hiện nay, nhu cầu nhân lực về ngành Vật lý nói riêng và các ngành khoa học cơ bản nói chung có xu hướng tăng cao, đặc biệt trong thời đại công nghệ trí tuệ nhân tạo bùng nổ.
Điển hình như ngành công nghệ sản xuất bán dẫn được dự đoán sẽ cần khoảng 700 nghìn đến 1 triệu nhân sự từ nay đến 2030. Do đó, các sinh viên có nền tảng kiến thức vật lý sẽ có rất nhiều thuận lợi, cơ hội tìm kiếm việc làm lý tưởng.
Đánh giá năng lực lao động trong lĩnh vực vật lý hiện nay, Tiến sĩ Đăng cho biết, đa số các sinh viên học vật lý đều có nền tảng kiến thức khá tốt về điện, nhiệt, quang, lượng tử, hay các kiến thức chuyên ngành về vật liệu, linh kiện điện tử, vật lý kĩ thuật cùng với tư duy logic nên có nhiều cơ hội để hội nhập vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghệ bán dẫn, AI…
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trịnh Hải Đăng cũng cho hay, hiện nay mặt bằng chung thu nhập của lao động trong lĩnh vực vật lý cũng không cao hơn các ngành khác. Trong khi đó đặc thù của các ngành khoa học cơ bản thường đòi hỏi sự kiên nhẫn, khả năng tư duy và tập trung cao độ.
“Trong lĩnh vực vật lý, để ra được một kết quả nghiên cứu mới sẽ phải đánh đổi bởi một quá trình tìm tòi, mày mò, thử nghiệm, phân tích… Đây là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, khả năng chịu áp lực của người lao động.
Chưa kể, lượng kiến thức nhiều và nặng cũng là một thử thách cho người học. Do đó, sinh viên sẽ có xu hướng chọn các ngành học nhẹ nhàng hơn mà lại có cơ hội thu nhập cao hơn”, Tiến sĩ Đăng chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Danh Bích cũng cho rằng, ngành khoa học cơ bản vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút học viên do định kiến về độ khó và con đường sự nghiệp chưa rõ ràng.
Mặt khác, cơ sở vật chất và kinh phí nghiên cứu còn hạn chế so với nhu cầu hiện đại hóa, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Chưa kể, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn, dẫn đến khoảng cách giữa nghiên cứu và sản xuất còn khá lớn. Đồng thời, hình ảnh của ngành học vẫn bị ảnh hưởng bởi định kiến “khó học, khó có việc làm tốt”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Danh Bích (bên trái) - Trưởng khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC
Do đó, để thu hút và giữ chân người học trong khoa học cơ bản, đặc biệt là ngành Vật lý học, thầy Bích cho rằng cần cải tiến chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và áp dụng chính sách học bổng, nhằm tạo điều kiện tối ưu cho sinh viên phát triển năng lực.
Thứ hai, cần tăng cường liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng nghiên cứu để góp phần nâng cao hình ảnh ngành, khẳng định vai trò chiến lược trong phát triển công nghệ cao và kinh tế tri thức. Từ đó, tạo động lực để các tài năng lựa chọn và gắn bó với ngành học.
Bên cạnh đó, cần triển khai các chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính dành riêng cho học sinh, sinh viên tài năng trong lĩnh vực khoa học cơ bản, đồng thời xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, linh hoạt cho phép sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu độc lập.
Theo thầy Bích, đối với ngành Vật lý học, việc xây dựng lộ trình nghề nghiệp rõ ràng thông qua các chương trình định hướng và chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, cũng như tăng cường hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo qua hội thảo, hội nghị và các cuộc thi khoa học – sáng tạo sẽ kích thích sự đam mê và gắn bó của sinh viên.
Các cơ sở giáo dục cần cải tiến chương trình giảng dạy theo xu thế toàn cầu, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm và trang thiết bị hiện đại, đồng thời tăng cường đào tạo và bồi dưỡng giảng viên, cũng như xây dựng mạng lưới cố vấn từ cựu sinh viên và chuyên gia nhằm tạo ra một môi trường học tập năng động và đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ cao và kinh tế tri thức hiện đại.
Chia sẻ về sự đầu tư của khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Bích cho biết đơn vị xây dựng chương trình đào tạo ngành Vật lý học dựa trên việc cập nhật, kết hợp kiến thức nền tảng với các học phần nâng cao, giúp sinh viên tiếp cận công nghệ hiện đại và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.
Hiện nay, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất với hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, nghiên cứu và nâng cao kỹ năng chuyên môn.
Ngoài ra, trường còn phối hợp với các Viện nghiên cứu, hợp tác với các trường đại học quốc tế để tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên, giúp người học có cơ hội tiếp cận phương pháp phòng thí nghiệm hiện đại và tham gia nghiên cứu quốc tế.
Chưa kể, nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa như hội thảo, seminar và cuộc thi nghiên cứu khoa học nhằm tạo cơ hội cho sinh viên rèn luyện kỹ năng và kết nối với chuyên gia trong ngành.
Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ ngành Vật lý học. Ảnh: NVCC
Cần có thêm chính sách để thu hút người học đến với ngành khoa học cơ bản
Trước yêu cầu cần đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo học sinh, sinh viên chương trình tài năng ở các ngành khoa học cơ bản và thúc đẩy nghiên cứu ở lĩnh vực này, thầy Bích cho rằng đây là chiến lược dài hạn và cần thiết cho sự phát triển đất nước. Bởi khoa học cơ bản không chỉ là nền tảng của công nghệ cao mà còn là động lực cho đổi mới sáng tạo và quản lý hiện đại, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp cho nền kinh tế tri thức.
Theo chia sẻ của thầy Bích, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đã triển khai các chương trình tuyển sinh chuyên biệt dành cho học sinh, sinh viên có năng khiếu và đam mê khoa học, như “Kỹ sư tài năng” hay “Cử nhân Tài năng”. Những chương trình này nhằm tạo môi trường học tập và nghiên cứu chuyên sâu, hỗ trợ học bổng và dự án nghiên cứu.
Còn theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Khoa, để thu hút người học đến với các ngành khoa học cơ bản thì Nhà nước cần có các chính sách thu hút, trọng dụng. Đó là các chính sách về học bổng học tập, nghiên cứu khoa học cơ bản. Các chính sách đầu tư trọng điểm để các viện nghiên cứu, trường đại học có điều kiện nghiên cứu những vấn đề tiên tiến trong khoa học. Đồng thời, cần tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư cho nghiên cứu. Chẳng hạn như miễn giảm thuế để đầu tư cho khoa học cơ bản, khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học cơ bản,…
Đối với ngành Vật lý học, để thu hút sinh viên tài năng theo học cần có một số chính sách cụ thể. Trước hết tạo điều kiện vay vốn thông qua các chính sách học bổng học tập, học bổng nghiên cứu cho nghiên cứu viên trẻ. Việc bình chọn, trao giải sinh viên giỏi, nghiên cứu viên giỏi cũng là giải pháp động viên và làm dày thêm hồ sơ để các bạn trẻ tiếp cận thế giới việc làm trong và ngoài nước. Bên cạnh đó đầu tư môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Cần đầu tư máy móc hiện đại để sinh viên Vật lý học có nhiều cơ hội thực hành. Ảnh: NVCC
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Trịnh Hải Đăng cũng cho rằng, để thu hút người học đến với các ngành khoa học cơ bản nói chung, ngành Vật lý học nói riêng thì cần đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người học thông qua các chương trình hướng nghiệp, có sự kết hợp quảng bá của các công ty công nghệ, liên quan đến các ngành khoa học cơ bản. Theo đó, các trường cần có các chương trình hỗ trợ như giảm học phí, đặc biệt là liên kết với các công ty công nghệ để có những chương trình học bổng, cũng như cung cấp các cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên...
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học cần được trang bị các phòng thí nghiệm hiện đại để người học được nghiên cứu và thực hành. Có thể liên kết thành lập những phòng thí nghiệm trọng điểm, dùng chung giữa các trường đại học. Mặt khác, thúc đẩy liên kết đào tạo giữa các trường đại học trong nước, đặc biệt là liên kết với các trường đại học nước ngoài để có những chương trình học bổng, trao đổi sinh viên, giúp người học được giao thoa môi trường đa văn hóa, tiếp cận những phương pháp học tập tiên tiến và cập nhật những kiến thức công nghệ mới. Từ đó, chất lượng giáo dục, năng lực cạnh tranh cũng được nâng cao.
Ngoài ra, cần xây dựng mạng lưới chuyên gia, thu hút những giáo sư, chuyên gia đầu ngành tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Tổ chức những hội thảo quốc tế giao lưu, chia sẻ kết quả nghiên cứu để nâng cao vị thế cũng như cơ hội hợp tác quốc tế, qua đó nâng tầm giáo dục và nghiên cứu trong nước.
“Với sự quảng bá, định hướng nghề nghiệp cộng với một môi trường nghiên cứu khoa học ngày càng sôi nổi và thiết thực, sẽ có nhiều học sinh chất lượng tham gia học tập và đóng góp trong tương lai”, Tiến sĩ Đăng cho hay.
Đào Hiền
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/nganh-vat-ly-hoc-chua-thu-hut-nhieu-nguoi-hoc-chuyen-gia-kien-nghi-giai-phap-post250071.gd