Tập đoàn Super Energy cung ứng khoảng 1,2 triệu kWh/năm cho lưới điện quốc gia

Tập đoàn Super Energy cung ứng khoảng 1,2 triệu kWh/năm cho lưới điện quốc gia
một ngày trướcBài gốc
Tập đoàn Super Energy (SE) là một trong những công ty năng lượng lớn tại Thái Lan chuyên đầu tư và vận hành các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời, điện gió, và các dự án năng lượng khác. Tập đoàn này bắt đầu mở rộng hoạt động ra ngoài Thái Lan những năm gần đây và đặc biệt chú trọng vào thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam, nơi có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và gió nhờ vào vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi.
Năm 2017, SE mở rộng đầu tư vào Việt Nam ngành năng lượng tái tạo là điện gió và điện năng lượng mặt trời. Với mục tiêu chinh phục lĩnh vực năng lượng tái tạo trong nước và trở thành nhà sản xuất hàng đầu ASEAN, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững và môi trường xanh sạch. Đến năm 2019, SE đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, với tổng công suất 286,72 MW cho các dự án điện mặt trời và 421 MW cho các dự án điện gió.
Năm 2020, vận hành thương mại thành công Cụm nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 1,2,3 với tổng công suất là 550 MW. Đây là một trong những dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Năm 2021, đưa vào vận hành 1 dự án điện gió 50MW, đồng thời tiếp tục mở rộng sang các dự án điện gió khác, nâng tổng công suất đầu tư tại Việt Nam lên đến 1,3 GW.
Tập đoàn Super Energy đang vận hành và phát triển 9 dự án điện mặt trời và 5 dự án điện gió tại Việt Nam.
Đến nay, Tập đoàn này đang vận hành và phát triển 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt là 836,72 MWp và 5 dự án điện gió với tổng công suất là 471 MW, trải dài từ Nam Bộ đến Tây Nguyên, góp phần nâng cao tỉ lệ cung ứng điện năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện ở Việt Nam.
Một số dự án nổi bật như nhà máy Điện Mặt Trời Bình An tại tỉnh Bình Thuận bắt đầu đi vào vận hành ngày 25/6/2019 với tổng công suất lắp đặt đạt 50MW. Quy mô của nhà máy gồm 151,530 tấm pin năng lượng mặt trời, kết nối với trạm biến áp 110kV và đường dây dài 0,025km. Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án là 58,8 ha. Ký kết hợp đồng mua bán điện với thời gian 20 năm. Về mặt nhân sự, nhà máy hiện có 1 quản lý nhà máy, 4 trưởng ca và 8 vận hành viên phụ trách các công việc vận hành và bảo trì.
Nhà máy Điện Mặt Trời Lộc Ninh 1-2-3 là một tổ hợp dự án năng lượng tái tạo được triển khai tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Dự án đi vào vận hành năm 2020, với tổng công suất 550 MWp. Quy mô của nhà máy có tổng số 1.229.640 pin năng lượng mặt trời, kết nối với trạm biến áp 220kV và đường dây dài 30km. Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án hơn 660 ha. Ký kết hợp đồng mua bán điện với thời gian 20 năm. Về mặt nhân sự, nhà máy hiện có 4 quản lý nhà máy, 4 trưởng ca và 38 vận hành viên phụ trách các công việc vận hành và bảo trì.
Cùng với đó, các dự án điện gió ngoài khơi và trên bờ tại Việt Nam của SE đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và giúp Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những dự án nổi bật là điện gió tại Sóc Trăng với công suất 30 MW, được triển khai ngoài khơi. Đây là một trong những dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam, khai thác tiềm năng gió mạnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, dự án điện gió tại Bạc Liêu với công suất lên tới 141 MW (Dự án này có 47 trụ tuabin và tổng mức đầu tư ước tính 7.000 tỉ đồng) cũng đang dần trở thành một điểm sáng trong việc phát triển điện gió ngoài khơi tại miền Nam. Sự phát triển của các dự án này không chỉ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch mà còn đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh các dự án ngoài khơi, SE cũng triển khai nhiều dự án điện gió trên bờ. Trong đó, dự án điện gió tại Phú Yên với công suất lên đến 200 MW được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn năng lượng sạch cho khu vực miền Trung. Cùng với đó, các dự án điện gió tại Gia Lai và Đắk Nông với công suất mỗi dự án là 50 MW cũng góp phần phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực Tây Nguyên.
Theo kế hoạch đầu tư đến năm 2025, Super Energy ước tính giải ngân khoảng 41,5 tỷ baht (khoảng 28.100 tỷ đồng) tại thị trường Thái Lan và Việt Nam để phát triển các dự án năng lượng tái tạo mới.
Các thương vụ M&A của Tập đoàn Super Energy tại Việt Nam
Với chiến lược mở rộng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, SE đã thực hiện nhiều thương vụ M&A để nhanh chóng chiếm lĩnh các dự án năng lượng tái tạo.
SE đã thực hiện một số thương vụ M&A lớn tại Việt Nam trong ngành điện gió và điện mặt trời, trong đó có những dự án tiêu biểu như: Dự án điện gió và điện mặt trời tại Bình Thuận. Vào năm 2020, Tập đoàn này đã hoàn tất việc mua lại một số dự án điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Bình Thuận, nơi có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Các thương vụ này không chỉ giúp SE gia tăng công suất mà còn củng cố vị thế của công ty trên thị trường năng lượng Việt Nam.
Dự án điện mặt trời Lộc Ninh 3 vận hành thương mại năm 2020, với công suất 150MW.
Tại Sóc Trăng, năm 2021, SE đã tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư của mình khi mua lại các dự án điện gió tại Sóc Trăng, một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về điện gió ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, năm 2020 tập đoàn này công bố chi đến 456,7 triệu USD để mua cụm dự án điện mặt trời là Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước. Khoản đầu tư 456,7 triệu USD được SE trả cho 4 dự án này ước tính bằng 26,23% tổng tài sản tổng tài sản của Tập đoàn này thời điểm đó.
Việc SE thực hiện các thương vụ M&A thay vì tự xin các dự án để tiết kiệm thời gian và chi phí. Thông qua M&A, SE có thể tiếp quản các dự án đã có giấy phép, từ đó rút ngắn thời gian triển khai và giảm thiểu rủi ro liên quan. Đồng thời, nhiều dự án mà SE mua lại đã được các công ty trong nước hoặc các nhà đầu tư nước ngoài khác triển khai đến một mức độ nhất định, với những hợp đồng điện dài hạn (PPA) đã ký kết và tiềm năng thị trường đã được kiểm chứng. Điều này giúp Super Energy tận dụng sẵn có các tài nguyên, như đất đai, kết nối lưới điện, cũng như kinh nghiệm của đội ngũ phát triển dự án tại địa phương.
Việc thực hiện M&A cũng giúp SE nhanh chóng gia tăng quy mô và năng lực sản xuất mà không phải mất công xây dựng từ đầu. Các dự án M&A thường có tiềm năng lợi nhuận ngay lập tức, đặc biệt là khi các dự án này đã đi vào hoạt động hoặc gần hoàn thiện. Đây là cách tiếp cận hiệu quả để tối ưu hóa lợi nhuận trong bối cảnh thị trường năng lượng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh việc mua lại các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, năm 2023, Super Energy cũng hoàn tất bán lại 49% mảng điện mặt trời cho tập đoàn ACEN từ Philippines, bao gồm sáu dự án Văn Giáo 1, Văn Giáo 2 (An Giang); Phan Lâm, Bình An (Bình Thuận); Sinenergy (Ninh Thuận) và Thịnh Long (Phú Yên). Trị giá thương vụ khoảng 165 triệu đô la Mỹ.
Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm những quốc gia có tiềm năng lớn nhất Đông Nam Á về năng lượng tái tạo. Theo World Bank, tiềm năng gió của Việt Nam đạt tới 599 GW, trong khi năng lượng mặt trời dồi dào nhờ lượng bức xạ cao. Quy hoạch Điện VIII tiếp tục khẳng định vai trò của nguồn năng lượng sạch, trong đó năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong cấu trúc nguồn điện đến năm 2050.
Kết hợp cả điều kiện tự nhiên thuận lợi, mức tiêu thụ điện cao, và chính sách hỗ trợ từ chính phủ, lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam không chỉ giữ vững vị thế hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư hiện tại mà còn hứa hẹn cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.
Đình Khương
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tap-doan-super-energy-cung-ung-khoang-12-trieu-kwhnam-cho-luoi-dien-quoc-gia-725906.html