Ngành vi mạch bán dẫn TP.HCM - Từ tiềm năng đến hành động

Ngành vi mạch bán dẫn TP.HCM - Từ tiềm năng đến hành động
13 giờ trướcBài gốc
Chạy đua với những ông “trùm”
Để chạy đua với vi mạch bán dẫn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP.HCM đã vươn lên định hình được lối đi riêng. Trong đó, Ito Vietnam là điển hình. Một doanh nghiệp ban đầu chuyên làm dịch vụ kỹ thuật cho các tập đoàn sản xuất smartphone đã kịp thời định hướng chiến lược phát triển bền vững chuyển sang đầu tư về con người và trở thành công ty thiết kế và sản xuất dây chuyền tự động hàng đầu của Đông Nam Á. Đến nay sau 10 năm đã trở thành công ty duy nhất tại Việt Nam được hãng điện thoại thông minh Top 1 của thế giới xác nhận là công ty thiết kế và sản xuất dây chuyền tự động cho các nhà máy gia công điện thoại trên khắp thế giới. Đây là tự hào của sản phẩm công nghệ cao Việt Nam do chính trí tuệ Việt nghiên cứu và sản xuất được thế giới công nhận.
Để chạy đua với vi mạch bán dẫn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP.HCM đã vươn lên định hình được lối đi riêng
Năm 2024, Ito Việt Nam đã nghiên cứu và thiết kế thành công dây chuyền tự động lắp ráp màn hình Bluetooth thông minh trong siêu thị trên toàn thế giới, được tập đoàn của Mỹ đặt hàng Ito Vietnam sản xuất. Công xuất của dây chuyền 30 màn hình/phút, năng suất tăng gấp 30 lần so với hệ thống hiện nay của khách hàng. Khi những chiếc màn hình nhỏ chỉ vài centimet ra đời trong năm 2025 này, việc vận hành, thay đổi giá cũng như thông tin kinh tế ở các hệ thống siêu thị trên toàn thế giới trở cực kỳ nhanh đáp ứng đúng công nghệ siêu nhanh, siêu thông minh. Đây chỉ là một trong số những sản phẩm tiêu biểu mà Ito Việt Nam tự sản xuất có sự tác động lớn đến sự phát triển kinh tế công nghệ cao và ngành vi mạch bán dẫn Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong hệ sinh thái này, 5 năm trở lại đây, Việt Nam, trong đó có TP.HCM không chỉ trở thành nơi kiểm thử đóng gói, gia công sản xuất chip, bán dẫn, thiết kế sản xuất máy, dây chuyền tự động… mà một số doanh nghiệp như Ito Vietnam đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị phần nội địa ở phân khúc thiết kế chế tạo dây chuyền sản xuất thông minh. Hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp Mỹ, Úc, Nhật, EU… đang sản xuất tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức từ 5 trở lại đây đã ngưng sử dụng máy nhập khẩu mà chuyển sang sử dụng máy hệ thống, linh kiện, chip, phần mềm do Ito Vietnam sản xuất, góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp Việt tại Việt Nam.
Bà Thùy Trang giới thiệu dây chuyền tự động sản xuất màn hình trong hệ thống quảng cáo siêu thị do Việt Nam sản xuất
Bà Công Tằng Tôn Nữ Thùy Trang, Tổng Giám đốc Ito Vietnam, Phó Chủ tịch Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP. HCM rất tự tin khi nhắc đến năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, trí tuệ của Kỹ sư Việt Nam ở lĩnh vực này.
“Chúng tôi làm bằng sự tự tin của trí tuệ Việt Nam, không yêu cầu khách hàng đặt cọc một đồng chi phí nào. Chúng tôi tự bỏ vốn, tự nghiên cứu thiết kế đến giới thiệu cho khách hàng sản xuất hoàn thiện sản phẩm, sau đó mới thu tiền, như vậy không có lý do gì mà khách hàng không đồng ý”.
“Đặc biệt trong thương thảo nhất là giá cả tốt, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh. Khác với những dự án gia công trước đây, những dự án lớn mang tầm chiến lược, nguồn tài chính đều được chuyển cho Việt Nam" - bà Thùy Trang chia sẻ thêm.
Không chỉ tham gia sản xuất chip vi mạch, hệ thống dây chuyền sản xuất, Ito Vietnam đang là nhà sản xuất hệ thống camera smartphone và hệ thống dây chuyền lắp ráp điện thoại thông minh cho “ông trùm” về điện thoại của thế giới. Những dự án lớn đã khẳng định dấu ấn, mang lại hình ảnh rất khác cho ngành vi mạch, bán dẫn Việt Nam ở giai đoạn bứt tốc. Một điều Bà Thùy Trang nhắc lại nhiều lần đó là Kỹ sư Việt Nam rất giỏi, Ito Viet Nam đã chào đón rất nhiều đoàn kỹ sư từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Thái Lan, Nhật đến Ito để tu nghiệp về công nghệ mới cho chính Kỹ Sư Ito Việt thiết kế và Thương mại thành công.
Cơ hội để kiến tạo
Theo đó, trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn, Việt Nam đang thực hiện và làm tốt nhiều phần việc, như kiểm thử đóng gói, gia công sản xuất chip, bán dẫn, thiết kế sản xuất máy, dây chuyền tự động… Khi doanh nghiệp đi đúng hướng, có chỗ đứng thì các kỹ sư người Việt không chỉ được đào tạo nâng cao mà còn có thêm môi trường kiến tạo, đóng góp lớn hơn cho chuỗi sinh thái vi mạch, bán dẫn.
Kỹ sư thiết kế máy Phạm Huy Diệu, một trong những nhân sự tham gia nhiều dự án lớn của Ito Vietnam cho biết, sau 7 năm làm việc, nhiều kỹ sư Việt đã có cơ hội tham gia thiết kế nhiều dây chuyền. Trong đó có dây chuyền sản xuất camera cho hãng điện thoại hàng đầu thế giới, dây chuyền sản xuất máy trợ thính cho đến những dây chuyền hiện đại khác trong thời gian 4 đến 5 tháng cho dây chuyền thiết kế đầu tiên… Những dự án lớn như vậy với 100% năng lực nội địa đã giúp cho kỹ sư Việt Nam tự tin hơn mạnh dạn kiến tạo và hiện thực hóa nhiều dự án lớn tầm cỡ trong tương lai.
“Thử thách tới chúng tôi cũng luôn cố gắng vượt qua, rõ ràng ngành vi mạch, bán dẫn những người trẻ rất khó có chỗ đứng cũng rất khó những công ty Việt Nam, những người kỹ sư Việt Nam có kinh nghiệm… Được vào đây làm việc 7 năm vừa tham gia thiết kế vừa tham gia lắp đặt sản xuất, trong đó có những dây chuyền do Việt Nam tự sản xuất chính là môi trường thử thách và có nhiều cơ hội cho kỹ sư Việt Nam học hỏi thêm kinh nghiệm”, kỹ sư Phạm Huy Diệu chia sẻ.
Đưa kinh tế phát triển hai con số
Từ “bàn đạp” Nghị quyết 98 đến hướng đi rõ nét có sự chú trọng về thiết kế, đóng gói chip, tăng cường hợp tác, đào tạo và thu hút chuyên gia… thì chiến lược phát triển, mục tiêu thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế cũng được TP.HCM chú trọng. Trong đó Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại khu công nghệ cao TP.HCM có vai trò nền tảng, kết nối các chuyên gia, tổ chức quốc tế và tập đoàn kinh tế lớn triển khai các hoạt động thử nghiệm chính sách, công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
C4IR cũng có vai trò hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM tiếp cận, hấp thu hiệu quả công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của thế giới. Ông Phạm Phú Trường, Phó Giám đốc Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 cho rằng: Bên cạnh ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ, thành phố đặc biệt lưu ý đến doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
“Trong thị trường này, chúng ta phải thấy rằng đã có sự chuyển dịch rất quan trọng, đó là chuỗi giá trị toàn cầu đang có sự thay đổi. Trong đó Việt Nam, đặc biệt TP.HCM là một trong những điểm đến mà thế giới đang quan tâm. Những việc mà chúng ta đang làm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là một điểm nhấn nữa trong năm 2025 để đạt được những mục tiêu, hoài bão mà TP chúng ta đưa ra là phát triển kinh tế hai con số”, ông Trường cho biết.
Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh. Ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng của chất bán dẫn, chế tạo chip và linh kiện điện tử là một quyết định phù hợp với định hướng phát triển “made in Vietnam” với khát vọng vươn mình, khẳng định vị thế quốc gia với thế giới.
Nguyễn Quang/VOV -TPHCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/cong-nghe/nganh-vi-mach-ban-dan-tphcm-tu-tiem-nang-den-hanh-dong-post1150825.vov