Ngẫu hứng về người - thơ Lê Cảnh Nhạc

Ngẫu hứng về người - thơ Lê Cảnh Nhạc
một ngày trướcBài gốc
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc.
Mọi người như bẵng quên thời gian và cả không gian chăng mà hội trường chật kín từ sớm tới hơn 12 giờ trưa khi thinh lặng lắng nghe từng lời thơ, lời người tâm sự; khi bùng nổ tan mình trong âm nhạc, điệu múa, câu ca. Thơ ca âm nhạc cũng như người muôn nỗi truân chuyên mà sáng bừng, không ngừng chuyển động mây trôi nước chảy. Trăm lời thơ, câu hát, điệu nhạc ngân rung thảy đều là những tâm tư chắt lọc, hình hài lẫm chẫm tuổi thơ nơi bến sông quê miền Trung ân nghĩa tảo tần. Lê Cảnh Nhạc không chỉ tài hoa mà còn rất trí tuệ, vừa hàn lâm vừa dân dã và chiều sâu mỗi câu thơ của ông đều là sự lao động nghiêm túc, đều là những giọt mồ hôi nhỏ xuống cánh đồng.
Nhiều lúc tôi đã lặng người khi nghe những câu thơ, từng bài hát phổ thơ Lê Cảnh Nhạc. Mình đã nghe từ lâu mà do lười nhác buông tuồng đã quên mất tác giả thơ là ai. Nhiều khi tác giả bài hát là ai cũng nhớ nhớ quên quên. Âu cũng là thói đời như vậy cũng đừng trách nhau chi?
Lê Cảnh Nhạc cần mẫn mấy chục năm chăm chỉ với thơ, chăm chút với đời. Thơ ông cổ điển với ý tứ, câu từ, chiêm nghiệm đều quen thuộc, thậm chí câu chữ cũng như thể có sẵn rồi, người đời đã nói chán ra rồi, mà sao đọc lên vẫn thấy sâu sắc, mới mẻ, rưng rưng: Cát ngàn đời mở lòng ôm biển cả/ Vẫn bao dung trước những đợt sóng trào/ Lấp lánh lân tinh dưới trời nắng lửa/ Cháy ngời lên như muôn triệu vì sao./ …Hạt cát nhỏ nhoi, mênh mông sa mạc/ Thăm thẳm biển khơi, bát ngát đất trời/ Cát trẻ trung, cát vĩnh hằng không tuổi/ Cát chở che muôn vạn kiếp luân hồi (Cát). Đâu chỉ cần có người để được yêu thương/ Hạnh phúc cần có người để quên đi tất cả/ Tột cùng tin yêu, tột cùng đau khổ/ Bởi chẳng có ai hoàn hảo ở trên đời (Con tàu và bến cảng).
Trong thơ, Lê Cảnh Nhạc không chỉ là người từng trải để nói ra những chứng kiến, kinh nghiệm, thậm chí là trả giá của chính mình, mà anh đã chưng cất nó để làm những món quà giàu ý nghĩa, những gợi ý, mách nước một cách tinh tế, dẫn dụ. Con người với con người rất khó bảo ban nhau. Thơ càng không ngoại lệ. Nhưng con người với con người rất dễ đồng cảm về thân phận, về nỗi đau, thậm chí là dắt nhau cùng đi vào tuyệt lộ cũng chẳng phải là hiếm đâu, như những mối tình thiên thu huyết hận từ xưa đến nay vẫn còn hiện ra trong trời đất.
Tôi luôn có cảm giác, bài thơ nào của Lê Cảnh Nhạc cũng là thơ tình. Ông quá đa tình chăng? Lê Cảnh Nhạc thực hành những mối tình như thế nào ở ngoài đời tôi hoàn toàn xin chịu. Trong thơ ông thì khác, bài nào tôi cũng có thể chỉ ra. Ví dụ như: Anh như là mảnh vỡ/ Rơi xuống cánh đồng em/ Sau phút giây buốt nhói/ Cỏ ngỡ ngàng vút lên (Cỏ và em). Anh vẫn đợi em đến/ Hương lửa nhen bao ngày/ Cho dù em quên lối/ Vòng tay thơm dâng đầy (Đợi). Nũng nịu và dịu êm/ Ánh mắt cười ngoái lại/ Rượu nồng nàn môi ấy/ Chuốc men say suốt đời (Nhớ)...
Tạm thời dẫn ra như thế cũng là thấy một phần cung bậc những mối tình những cuộc đời những câu thơ trong các khu vực thơ Lê Cảnh Nhạc. Thơ ông, nhất là thơ tình phong phú đến độ, nếu có phải thống kê sẽ lên đến vài trăm bài, chiếm gần trọn vẹn gia tài thơ Lê Cảnh Nhạc. Thơ tình nơi ông đâu đó mơ hồ sương khói, đâu đó như người ẩn danh e lệ bỗng đột ngột xuất hiện như đang có thực bên ông. Lê Cảnh Nhạc có biệt tài làm thơ tình. Các mối tình lại có vẻ không đồng nhất, đồng quy về một mối, nên lắm lúc ông như tìm người trong mộng đáy bể mò kim vớt trăng trong nước thật bôn ba cơ cực bảy nổi ba chìm lênh đênh muôn dặm đường tình cũng là cách tận hiến cho thơ ca của Lê Cảnh Nhạc chăng? Tôi cũng chẳng việc gì phải lo lắng cho ông, từ những bài thơ cụ thể bởi chúng có thật mười mươi chăng nữa cũng dễ gì quy chụp được nhau? Giấc mộng hoàng hoa chú Cuội chị Hằng đã thiên thu ai là người phán xét đúng sai hay dở? Cuộc đời như những dòng sông người phải qua sông biết là sẽ áo gấm về làng hay biệt vô tăm tích nơi chân trời góc bể. Thơ Lê Cảnh Nhạc nhằm vào những khu vực đó chăng? Thì hãy cùng ông, chúng ta hãy cùng nhau từ từ bàn luận và định luận.
Các tác phẩm của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc.
Lê Cảnh Nhạc lắm lúc cũng tự diễu mình: Tờ lịch nhắc tuổi mới/ Giật mình bóng chiều buông/ Bao nhiêu là chìm nổi/ Bao nhiêu là tuyết sương (Ta chỉ là hạt cát). Hay như: Vẫy vùng Thái Bình lấn dòng biển cả/ Xẻ núi lấp sông thỏa chí Hồng Lam/ Thông Ngàn Hống ngăn gió Lào cát trắng/ Vẫn phiêu diêu với phường vải, ca trù (Phách đàn Uy Viễn tướng công)…
Lê Cảnh Nhạc đến với thơ, say tỉnh với thơ. Lê Cảnh Nhạc đến với người, say tỉnh với người trước sau đều nhất quán ở sự nồng nàn, mê đắm, thậm chí đã có dấu hiệu bỏ qua một số khuôn phép, quy tắc. Khi đó, ông không chỉ chiếm giữ được hồn người mà còn cầm nắm được cả hồn thơ. Khi đó, thơ ông vừa quen vừa lạ, vừa chính là Lê Cảnh Nhạc vừa là thoát ra khỏi con người Lê Cảnh Nhạc. Tiêu biểu nhất, đó là Đêm Phiêng Lơi:
Vòng xòe em gái Thái
Váy bồng nghiêng núi đồi
Men ủ nồng cuống lá
Vút lời say mềm môi
Tóc trinh chưa kịp búi
Lửa bập bùng lả lơi
Vít rượu cần mười tám
Phiêu diêu đêm Phiêng Lơi
Trăng lướt khướt ngang đồi
Bóng cây chừng chao đảo
Đất trời nhòa hư ảo
Vòng xòe em chuốc say
Anh thành tro của đá
Anh thành tàn của cây
Hồn anh thành mây khói
Hoang trời đêm Phiêng Lơi.
Thơ luôn là như vậy. Lê Cảnh Nhạc không chỉ có Đêm Phiêng Lơi, ông còn có nhiều bài thơ hay, nhất là về quê hương miền Trung, về Hà Nội và chùm thơ về biển đảo. Nhà thơ, dù tài hoa đến mấy, trước hết và sau cùng đều phải là công dân của một nước, phải có trách nhiệm với non sông đất nước. Chúng ta không đao to búa lớn với nhau, nhưng phải biết nhắc nhau chúng ta đang là công dân của nước Việt Nam với chiều sâu lịch sử hàng nghìn năm, tổ tiên lên ngựa cầm gươm xuống ngựa làm thơ xây đắp nền hòa bình bằng vô vàn trí tuệ và xương máu. Phải luôn nhớ rằng: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Trần Nhân Tông). Nhà thơ hôm nay càng phải khắc cốt ghi tâm, biết trưởng thành từ văn hiến tổ tiên truyền lại.
Lê Cảnh Nhạc, mà không chỉ riêng ông, phải là tất cả chúng ta, không chỉ trong thơ văn, mà còn trong đời sống phải học để biết nặng nhẹ, sau trước, lẽ được mất ở đời. Phải biết một chữ nặng tựa Thái Sơn mà coi cái chết cũng nhẹ tựa lông hồng, để chúng ta cầm bút trong chiều sâu không chỉ đời sống hữu hạn của riêng ta, mà là chiều sâu vô tận của lịch sử tổ tiên ta, của con cháu chúng ta rộng dài phía trước.
Ngẫu bút về người - thơ Lê Cảnh Nhạc, là tôi cũng tự đặt ra một tư cách khó khăn của người cầm bút hôm nay. Thơ văn phải để chúng ta mạnh mẽ hơn trong đời sống. Thơ văn phải là sự chuyển động mạnh mẽ về phía trước, phải là những hiến dâng hữu ích không phải cho riêng mình, mà còn là tạo dựng niềm tin và lẽ sống cho một mẫu số chung, một tâm hồn chung của người Việt chúng ta.
Nhà văn Phùng Văn Khai
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ngau-hung-ve-nguoi-tho-le-canh-nhac-10303829.html