Ngày của mẹ 11-5: Mẹ là hình mẫu ấm áp nhất mà con mang theo suốt cuộc đời

Ngày của mẹ 11-5: Mẹ là hình mẫu ấm áp nhất mà con mang theo suốt cuộc đời
16 giờ trướcBài gốc
Ngày của mẹ không chỉ là dịp để tôn vinh những người phụ nữ đã sinh thành và dưỡng dục, đây còn là thời điểm để nhìn lại vai trò thiêng liêng của người mẹ trong từng giai đoạn lịch sử.
Từ những người mẹ tảo tần xưa kia đến những bà mẹ hiện đại, vừa lo toan việc nhà vừa gánh vác sự nghiệp, tình yêu thương vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình làm mẹ.
Làm mẹ rồi mới hiểu lòng mẹ
Chị Nguyễn Thị Thy Sương (ngụ TP Thủ Đức, giáo viên mầm non) khi chị lần đầu tiên bế đứa con bé nhỏ đỏ hỏn trên tay và nhận ra mình vừa bước vào một hành trình làm mẹ.
“Lúc đó nhiều cảm xúc đến một lúc khiến tôi nghẹn lại. Tôi vừa vui, vừa áp lực, vừa không dám tin là từ nay sẽ có một người nhỏ bé gọi mình là mẹ. Đó là những đêm trắng liên tục, những tiếng khóc không lời giải thích mà chỉ người làm mẹ mới hiểu” - chị Thy nói.
Chị Nguyễn Thị Thy Sương (ngụ TP Thủ Đức, giáo viên mầm non) trong một giờ dạy cho các bé mầm non. Ảnh: NVCC
Làm mẹ không chỉ là chăm sóc một đứa trẻ. Với chị Sương, đó là hành trình quay ngược về tuổi thơ chính mình. “Tôi từng nghĩ mẹ vô lý. Nhưng giờ làm mẹ rồi, tôi mới hiểu mẹ thương mình theo cách của riêng mẹ. Làm mẹ rồi mới hiểu, không chỉ mẹ tôi, mà bất cứ người mẹ nào cũng chỉ mong con được hạnh phúc” - chị Sương tâm sự.
Chị NA (34 tuổi, quê ở Đà Nẵng) là điều dưỡng công tác tại một bệnh viện trên địa bàn TP cũng chia sẻ với chúng tôi về việc làm sao để cân bằng giữa công việc với vai trò làm mẹ.
Tiếng loa gọi bệnh, tiếng xe đẩy, tiếng khóc trẻ con vọng qua từng hành lang. Trong bộ đồ blouse trắng, chị A vừa hoàn tất ca xử lý cho một bệnh nhân tai nạn giao thông, thì điện thoại trong túi áo rung lên: “Con khóc suốt, anh không dỗ được nữa!”
Đó là tin nhắn của chồng chị, người lần đầu tiên ở nhà một mình với đứa con 8 tháng tuổi. “Lúc đó tôi đứng giữa lằn ranh của hai thứ - thiên chức và trách nhiệm. Con tôi bị trào ngược dạ dày, cứ ăn là nôn. Đêm nào cũng khóc, mà sáng tôi vẫn khoác áo đi làm. Có hôm đang chích thuốc cho bệnh nhân, nước mắt tôi tự nhiên rơi, vì nhớ con quá” - chị NA kể.
Chị bảo, làm mẹ trong môi trường bệnh viện khiến chị nhận ra nỗi lo của người mẹ không chỉ là bỉm sữa, mà là sinh và tử – ranh giới rất mong manh. Những đêm trực, chị chứng kiến có đứa trẻ chưa kịp gọi một tiếng “mẹ” đã rời khỏi thế giới. Cũng chính điều đó khiến chị càng thêm trân quý từng giây phút bên con.
"Tôi cảm nhận được con vui mừng mỗi khi tôi đi làm về. Nhiều người nghĩ làm mẹ là một sứ mệnh, nhưng với tôi làm mẹ là một hành trình học lại mọi thứ từ đầu ngay cả việc yêu thương chính mình.
Nhân Ngày của mẹ năm nay, tôi nhắn chúc mừng mẹ của tôi thì bà ngay lập tức điện và hỏi thăm tôi. Khi làm mẹ tôi mới hiểu được lòng mẹ thế nào” - chị NA nói.
Làm mẹ là sự hi sinh thầm lặng
Theo bà Phạm Thị Thúy, chuyên gia tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II, Ngày của mẹ là dịp đặc biệt để tôn vinh những người mẹ, những người đã hy sinh sức khỏe, máu huyết và cả thanh xuân để sinh ra và nuôi dưỡng một đứa trẻ.
“9 tháng mang thai là giai đoạn then chốt định hình trí tuệ và cảm xúc của trẻ. Nếu mẹ thường xuyên thể hiện tình cảm bằng hành động hoặc lời nói, trẻ sẽ mạnh dạn bày tỏ cảm xúc” - bà Thúy phân tích.
Theo bà Thúy, các bạn trẻ nên mạnh dạn ôm mẹ, nói lời yêu thương hoặc thể hiện qua tin nhắn, hoa, quà nhỏ. Quan trọng là thể hiện tình cảm bằng hành động cụ thể và chân thành.
Bà Phạm Thị Thúy, chuyên gia tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II.
“Bản thân tôi ngày trước cũng rất ít khi gần gũi với mẹ, nhưng khi hiểu được giá trị của một cái ôm đối với người mẹ thì tôi đã thay đổi, tích cực thể hiện tình cảm hơn” - bà Thúy tâm sự.
Bà Thúy cho rằng phụ nữ xưa chủ yếu lo nội trợ và chăm con trong phạm vi gia đình, còn phụ nữ ngày nay vừa chăm sóc gia đình, vừa gánh vác sự nghiệp, đối mặt với áp lực đa nhiệm và phải cân bằng giữa công việc và gia đình.
“Phụ nữ hiện đại sử dụng công nghệ trong việc nuôi dạy con, có nhiều cơ hội học hỏi và áp dụng kiến thức mới, nhờ đó chăm sóc gia đình hiệu quả hơn. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với áp lực đồng trang lứa, lượng thông tin lớn và những tiêu chuẩn ngầm về việc làm mẹ.
Nếu mẹ xưa thường nghiêm khắc, ít bộc lộ tình cảm bằng lời nói thì mẹ ngày nay cởi mở hơn, thể hiện yêu thương qua cả lời nói và hành động” - bà Thúy cho hay.
Bà Thúy cũng cho biết điểm khác biệt lớn là vị thế của phụ nữ trong gia đình. Nếu trước đây phụ nữ ít tiếng nói do phụ thuộc kinh tế, thì nay với tài chính, học vấn và sự nghiệp vững vàng, họ đã có vai trò rõ ràng hơn.
Người mẹ ở bất kỳ xã hội, bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng luôn là hình mẫu ấm áp nhất mà con mang theo suốt cuộc đời.
Bạn trẻ bày tỏ yêu thương nhân Ngày của mẹ
Chia sẻ về những món quà và lời chúc dành cho mẹ nhân Ngày của Mẹ, bạn Thanh Ngân, cộng tác viên tại Tạp chí điện tử Thương hiệu và Công luận chia sẻ: “Đối với tôi, Ngày của mẹ là một ngày rất đặc biệt, là dịp để tôi có thể bày tỏ những yêu thương mà không còn ngại ngùng. Mỗi dịp này, tôi thường tự tay nấu những món ăn mà mẹ thích, hoặc chỉ đơn giản là dành trọn thời gian ở bên mẹ”.
Còn với Hoài Linh, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế cho biết với Linh, Ngày của mẹ là cơ hội để nhắc nhở bản thân về những công ơn của mẹ.
“Ngày của mẹ khiến tôi nhớ rằng sẽ đến lúc mẹ không còn bên cạnh, nên những dịp như thế này chính là cơ hội để tôi có thể trải lòng cùng mẹ, thể hiện tình yêu thương từ những điều giản dị nhất” - Linh tâm sự.
Nguồn gốc Ngày của mẹ
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Ngày của Mẹ (Mother’s Day) có nhiều cách kỷ niệm khác nhau tùy theo văn hóa từng quốc gia. Tuy nhiên, phổ biến nhất là tổ chức vào Chủ nhật tuần thứ hai của tháng 5. Năm 2025, ngày này rơi vào chủ nhật 11-5 (năm 2024, Ngày của mẹ rời vào ngày 12-5).
Từ thời Hy Lạp cổ đại, người dân đã có lễ hội tôn vinh nữ thần Rhea – mẹ của các vị thần. Ở châu Âu thế kỷ XVII, các gia đình Công giáo tổ chức “Mothering Sunday” vào chủ nhật thứ tư mùa chay, bằng việc tặng hoa và bánh cho mẹ.
Ngày của mẹ hiện đại ra đời tại Hoa Kỳ đầu thế kỷ XX, do Anna Maria Jarvis khởi xướng. Bà chọn ngày này để tưởng nhớ mẹ mình và kêu gọi xã hội công nhận vai trò của người mẹ. Năm 1914, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh lấy chủ nhật thứ hai của tháng 5 làm Ngày của mẹ.
Tại Việt Nam, truyền thống báo hiếu thể hiện qua Lễ Vu Lan (rằm tháng Bảy âm lịch). Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội, giới trẻ bắt đầu đón nhận Ngày của mẹ như một dịp tri ân riêng dành cho mẹ. Các thương hiệu trong và ngoài nước cũng góp phần lan tỏa ngày lễ này bằng nhiều chiến dịch truyền thông, tri ân.
Khác với 8-3 hay 20-10 vốn dành cho phụ nữ nói chung, Ngày của mẹ tại Việt Nam được xem là dịp tôn vinh riêng người mẹ, phù hợp với truyền thống đề cao đạo hiếu của người Việt.
HẢI NHI - NGỌC THƯƠNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/ngay-cua-me-11-5-me-la-hinh-mau-am-ap-nhat-ma-con-mang-theo-suot-cuoc-doi-post849103.html