Ngày mai Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 9: Xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Ngày mai Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 9: Xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013
6 giờ trướcBài gốc
Theo chương trình dự kiến kỳ họp, 8 giờ sáng 5.5, Quốc hội sẽ họp phiên trù bị, thông qua chương trình kỳ họp. Phiên khai mạc diễn ra lúc 9 giờ, được truyền hình, phát thanh trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp.
Kỳ họp thứ 9 được tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 5.5 đến ngày 29.5; Đợt 2 từ ngày 11.6 đến hết ngày 28.6.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung (3 nghị quyết về công tác lập hiến; 49 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước); 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Tại phiên khai mạc, Quốc hội dự kiến nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 vừa diễn ra
Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025 (trong đó có báo cáo về các nội dung: Việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp tục nâng lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo và việc thực hiện các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí...).
Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9. Nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8.
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội nghe tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc rà soát, đánh giá việc thực hiện một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013, với định hướng trọng tâm vào 2 nhóm nội dung.
Cụ thể, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, bảo đảm hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn.
Cùng với đó là các quy định tại chương IX của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp, đồng thời có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.
Lam Thanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/ngay-mai-quoc-hoi-khai-mac-ky-hop-thu-9-xem-xet-sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-2013-232214.html