Ngày ông Công ông Táo: Văn minh với thông điệp 'Thả cá, đừng thả túi nilon'

Ngày ông Công ông Táo: Văn minh với thông điệp 'Thả cá, đừng thả túi nilon'
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 22/1 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn), nhiều gia đình đã chuẩn bị mâm cỗ trang trọng để cúng ông Công ông Táo, tiễn Táo quân về trời báo cáo với Thiên đình về những việc làm trong năm qua. Phong tục này không chỉ là nghi lễ tín ngưỡng mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Tùy theo từng gia đình, người dân sẽ làm mâm cỗ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo Quân.
Một trong những nghi thức quan trọng của ngày 23 tháng Chạp là dâng cá chép và phóng sinh sau lễ cúng. Theo quan niệm dân gian, cá chép được xem như phương tiện để các Táo quân lên trời báo cáo, tượng trưng cho sự "cá hóa rồng".
Vì vậy, tại các tỉnh miền Bắc, người dân thường chuẩn bị một con cá chép sống thả trong chậu nước để làm lễ. Sau khi hoàn tất, cá sẽ được phóng sinh ra ao, hồ hoặc sông, vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa gửi gắm thông điệp nhân văn về lòng nhân ái và sự sống.
Trong số lễ vật để cúng ông Công ông Táo sẽ có 3 con cá chép đỏ còn sống khỏe được thả trong chậu nước. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN
Sau lễ cúng, ngoài việc hóa đồ vàng mã, gia chủ sẽ đem cá chép ra phóng sinh ở sông, ao, hồ... Tục thả cá chép cúng ông Công ông Táo phổ biến nhất ở miền Bắc. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN
Trong khi đó, người dân miền Nam thường hóa vàng cá chép bằng giấy cùng với đồ vàng mã như mũ, áo, hia và một số vàng thoi,..
Việc Táo quân chọn cá chép làm phương tiện cưỡi thay vì các loài vật khác, gắn liền với sự tích cá chép vượt vũ môn hóa rồng trong dân gian. Truyền thuyết kể rằng, từ thuở khai thiên lập địa, ông Trời đã tạo nên mưa gió, sông, biển và các sinh vật sống dưới nước, trong đó cá chép được coi là biểu tượng của sự kiên trì, nỗ lực và hóa thân mạnh mẽ. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN
Theo ghi nhận của Mekong ASEAN, nhằm hạn chế tình trạng người dân thả cá cùng túi nilon xuống hồ gây ô nhiễm môi trường, nhiều khu vực đã bố trí lực lượng hỗ trợ thu gom túi nilon. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN
Hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ cảnh quan sạch đẹp mà còn lan tỏa ý thức giữ gìn môi trường sống trong cộng đồng.
Để giảm thiểu việc sử dụng túi nilong, nhiều gia đình đựng cá trong hộp nhựa, xô, chậu sau khi đem thả để mang trở về nhà.
Thu Trang - Hà Anh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/ngay-ong-cong-ong-tao-van-minh-voi-thong-diep-tha-ca-dung-tha-tui-nilon-37735.html