Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10: Trao cơ hội để trẻ em gái thể hiện vai trò lãnh đạo

Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10: Trao cơ hội để trẻ em gái thể hiện vai trò lãnh đạo
2 giờ trướcBài gốc
Khi một em gái được trao quyền trao cơ hội, em sẽ không chỉ có khả năng thay đổi cuộc đời chính mình, mà còn có năng lực đồng thời thay đổi cuộc sống của gia đình và cộng đồng địa phương. Nguồn ảnh: Hà Minh
Đây là một sáng kiến được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc trao quyền cho trẻ em gái và nữ thanh niên trải nghiệm các vai trò lãnh đạo. Tham gia hoạt động, các em gái không chỉ được tạo điều kiện để thể hiện tiềm năng lãnh đạo của bản thân, mà còn có cơ hội đóng góp tiếng nói chung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp tới các em trong xã hội.
Hà Anh (20 tuổi, sinh viên Đại học Luật Hà Nội) đã có một ngày đóng vai Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi. Bên cạnh việc trải nghiệm một ngày làm Đại sứ, Hà Anh còn có cơ hội được tham gia vào một cuộc thảo luận vô cùng ý nghĩa xoay quanh chủ đề tạo cơ hội và trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ và trẻ em gái.
Chia sẻ sau ngày trải nghiệm, Hà Anh cho biết: “Girls Takeover 2024 là minh chứng cho tiềm năng to lớn của trẻ em gái và nữ thanh niên việc dẫn dắt và tạo ra những thay đổi tích cực. Chương trình này trao cho chúng tôi cơ hội để cất lên tiếng nói của mình, đối mặt với các thách thức và hành động tìm ra những giải pháp thiết thực”.
Trong sự kiện, Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Thụy Điển trên hành trình hướng tới bình đẳng giới: “Thụy Điển hiện đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các quốc gia sáng tạo nhất thế giới,và điều kiện làm việc tốt cho phụ nữ là yếu tố quan trọng để đạt được điều này. Nói đến bình đẳng, chúng ta cần nhớ rằng 50% dân số không thể chỉ là đối tượng thụ động được – họ phải là những người tham gia tích cực, những người lãnh đạo tích cực. Thông qua việc hỗ trợ và ủng hộ thế hệ tiếp theo – thế hệ của những nữ lãnh đạo trẻ, chúng tôi kỳ vọng phá bỏ những định kiến giới truyền thống. Khi một em gái được trao quyền trao cơ hội, em sẽ không chỉ có khả năng thay đổi cuộc đời của chính mình, mà còn có năng lực đồng thời thay đổi cuộc đời của gia đình và cộng đồng địa phương”.
Hà Anh chia sẻ trong buổi thảo luận giữa Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi, Giám đốc Quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam Migena Shulla và các cán bộ hai tổ chức. Ảnh: Quế Chi
Trước đó, ngày 10/10, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức buổi họp giả định “Trao cơ hội để trẻ em gái thể hiện vai trò lãnh đạo”. Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ dự án Sức khỏe Thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2 (2023 – 2025) do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng tổ chức Plan International Việt Nam triển khai thực hiện.
Trong vai Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, em N.B.Ngọc (sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đặt câu hỏi cho đại diện các trường về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong môi trường học đường.
Em N.H.Giang, đóng vai Hiệu trưởng giả định trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, cho biết tình trạng này đang gia tăng một cách đáng báo động. Trước đây hầu hết đối tượng sử dụng rơi vào học sinh lớp 8-9, nhưng hiện nay, nhiều em lớp 6 và 7 cũng đã và đang dễ dàng tiếp cận. Học sinh có thể không hút ở lớp mà chuyền tay nhau sử dụng vào giờ ra chơi hoặc sau giờ học, nhiều em đã lén lút ra sau lớp hoặc vào nhà vệ sinh để sử dụng.
Xoay quanh chủ đề cải thiện chất lượng dịch vụ y tế học đường, em N.M.Hùng trong vai trò điều phối viên giả định của dự án Sức khỏe Thanh thiếu niên Việt Nam, nhấn mạnh: “Để phòng y tế học đường đáp ứng sự hài lòng của học sinh, cần đảm bảo các tiêu chí như đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, công khai thủ tục, bảo mật thông tin và có thái độ nhân viên thân thiện, chu đáo. Nhân viên y tế cần được đào tạo kỹ năng chuyên môn và giao tiếp với học sinh, cùng với việc thiết lập quy định làm việc rõ ràng.”
Phát biểu tại sự kiện, TS Nguyễn Nho Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT nhận định: “Chủ đề và nội dung mà các em tuyên truyền viên dự án Sức khỏe thanh thiếu niên nêu rất đúng và rất trúng. Bộ GD & ĐT sẽ ghi nhận và sẽ tổng hợp, xem xét tất cả các ý kiến đóng góp ngày hôm nay trong quá trình xây dựng chính sách liên quan. Đối với nội dung thuốc lá thế hệ mới, bên cạnh việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu, mua bán, thì việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá với học sinh, cả trên phương diện sức khỏe và ý thức chấp hành pháp luật, là vô cùng quan trọng. Bộ GD&ĐT lắng nghe chia sẻ của các em về mô hình truyền thông hiệu quả của dự án. Đây là điểm sáng cần nhân rộng không chỉ trong hệ thống 29 trường dự án mà trong toàn bộ hệ thống giáo dục toàn quốc. Đồng thời mong muốn của các em về một phòng y tế trường học thân thiện là một mong muốn chính đáng. Tới đây, Vụ Giáo dục thể chất sẽ tiếp tục phối hợp với Plan International Việt Nam và các đối tác để xây dựng hướng dẫn kỹ thuật này để thí điểm trong dự án và làm cơ sở nhân rộng trong toàn quốc”.
Hồng Minh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/ngay-quoc-te-tre-em-gai-1110-trao-co-hoi-de-tre-em-gai-the-hien-vai-tro-lanh-dao-post528276.html