Ngày 19/5/1890, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Đất nước đang trong bóng đêm bị đô hộ, áp bức bóc lột, với 2 bàn tay trắng, Bác bôn ba khắp năm châu bốn biển, quyết tìm cho bằng được con đường giải phóng dân tộc. Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí sắt đá, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, Bác hiến dâng trọn đời mình cho mục tiêu cao cả giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, để lại nhiều giá trị nhân văn, cao quý cho nhân loại.
Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, cùng Nhân dân ta viết trang sử vẻ vang, chói lọi, hào hùng nhất của dân tộc, đúng như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẫn nói: “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người Anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Trong khối di sản tinh thần to lớn mà Bác để lại cho dân tộc, có 5 di sản là bảo vật của quốc gia: “Đường Kách mệnh”, “Ngục trung nhật ký”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” và “Di chúc”.
Mừng sinh nhật lần 135 của Bác, chúng ta cùng nhớ lại “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu” - là nhận định của người học trò xuất sắc, thân cận của Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Qua các vần thơ súc tích của Tố Hữu, hình tượng Bác Hồ là chiến sĩ “Mong manh áo vải, hồn muôn trượng”’; “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Bác là “Hồ Chí Minh/ Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng/ Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc/ Trăm thế kỷ trong tên người: Ái Quốc”. Bác là lãnh tụ “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.
Đại biểu học sinh Trường Trung Vương (Hà Nội) chúc mừng sinh nhật Bác Hồ (19/5/1956)
Là lãnh tụ thiên tài, nhà báo, nhà thơ lỗi lạc, Bác viết rất nhiều. Đặc biệt, dù trăm công ngàn công việc, nhưng Người vẫn xử lý công việc khoa học, trọn vẹn. Năm 1946, sinh nhật của Người lần đầu tiên được công bố. Là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, sáng 19/5/1946, Bác tiếp đại biểu thiếu nhi thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh, đại biểu Nam bộ đến chúc thọ Người, chụp ảnh chung, vui vẻ trò chuyện.
Ngày 19/5/1949, nghe nói chuẩn bị tổ chức lễ mừng thọ, Người tỏ ý không bằng lòng, làm bài thơ mừng thọ mình, cũng là câu trả lời cho các ý kiến. Bác viết: “Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà/Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già/ Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”. Bài thơ thể hiện sự giản dị, khiêm tốn, toát lên tinh thần lạc quan, niềm tin sâu sắc vào thắng lợi cách mạng. Với Bác, kháng chiến chưa thành công, đồng bào còn nghèo khó, không thể vui cho riêng mình.
Ngày 19/5/1950, tại cuộc họp ở Thác Dẫng (Tuyên Quang), đáp lại tình cảm mọi người mừng sinh nhật, Bác tự cảm: “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên/ Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên!”. Ngày 19/5/1953, khi tròn 63 tuổi, Bác Hồ cảm tác bài thơ “Thất cửu”, mà người dịch cho là “đạt ý” là nhà thơ Xuân Thủy: “Chưa năm mươi đã kêu già/ Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai/ Sống quen thanh đạm nhẹ người/ Việc làm thông rộng ngày dài ung dung”.
Mừng chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ, sinh nhật 19/5/1954 của Bác là “bữa tiệc hân hoan”. Bác Hồ thăm hỏi, gặp gỡ đại biểu đạt thành tích từ chiến trường về, gắn huy hiệu cho chiến sĩ trẻ bắt sống tướng De Castries. Tại đây, Người trò chuyện với nhà điện ảnh Xô Viết Roman Karmen, người thực hiện những thước phim về Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến của Nhân dân ta. Đến sinh nhật lần 65 (19/5/1955), Bác Hồ đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm, ân cần hỏi thăm tình hình đời sống, công việc, căn dặn cán bộ, công nhân phải đoàn kết chặt chẽ, thi đua lao động sản xuất.
Sinh nhật lần thứ 66 (19/5/1956), Bác tiếp Đoàn đại biểu học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ. Trong dịp thăm Trung Quốc ngày 19/5/1965, Bác thăm Khúc Phụ - quê hương của Khổng Tử và làm bài thơ “Phỏng Khúc Phụ”, thể hiện lòng kính trọng đối với nhà văn hóa tiêu biểu, hiền triết lớn của phương Đông. GS Đặng Thai Mai dịch: “Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ/ Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa/ Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?/ Lấp loáng bia xưa chút ánh tà”. Ngày 19/5/1968 và đến năm 1969, khoảng từ 9 đến 10 giờ, Bác Hồ đều dành thời gian để xem, sửa lại Di chúc thiêng liêng cho dân tộc.
Qua từng giai đoạn lịch sử dân tộc, ngày 19/5 ghi dấu rất nhiều ý nghĩa đặc biệt. Đó là, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề nghị, quyết định chọn ngày 19/5/1941 là ngày thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), là tổ chức tiền thân cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày 19/5/1949, lực lượng vũ trang của ta mở Chiến dịch sông Thao, tiêu diệt hoàn toàn 2 phân khu của địch với nhiều công sự phòng ngự kiến cố. Ngày 19/5/1956, thành lập Nhà máy Z117, cung cấp quân khí các loại. Ngày 19/5/1959, thành lập “Đoàn 559” - Trường Sơn huyền thoại (đường Hồ Chí Minh), đưa đón cán bộ, bộ đội, chi viện khí tài, con người cho miền Nam, góp phần quan trọng vào thống nhất đất nước.
NGUYÊN HẢO