Trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều châu lục, tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, và gieo những hạt giống của khát vọng độc lập - tự do - hòa bình cho Việt Nam và các dân tộc bị áp bức.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Người, hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới đã có những công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - từ tượng đài, công viên, bia tưởng niệm đến đại lộ mang tên Bác.
Những công trình này không chỉ thể hiện sự kính trọng dành cho vị lãnh tụ Việt Nam mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước sở tại.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng thủ đô Moskva, Nga
Giữa không gian yên bình của công viên Akademichesky, thủ đô Moskva (Liên bang Nga), bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghiêm hiện diện từ năm 1990 như một minh chứng sống động cho mối quan hệ truyền thống, thủy chung giữa hai dân tộc. Tượng cao hơn 5 mét, bên cạnh là phù điêu với câu nói nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Đây là nơi cộng đồng người Việt và bạn bè Nga thường lui tới trong các dịp lễ kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Bác, các sự kiện trọng đại của cộng đồng.
Nhiều thế hệ lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại Nga vẫn không quên khoảnh khắc xúc động khi lần đầu đứng trước tượng đài Bác giữa đất trời nước bạn. Những người cựu chiến binh đang sống tại Moskva đã xem đây là biểu tượng tinh thần và luôn đến dâng hương, dâng hoa mỗi ngày lễ trọng đại.
“Dù xa quê hương, nhưng mỗi lần đến công viên Hồ Chí Minh, tôi lại như được trở về với cội nguồn, được nhắc nhở về lý tưởng sống và đạo đức làm người", Chị Trang Nguyễn, đại diện Chi bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Nga xúc động chia sẻ.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở công viên Akademichesky, thủ đô Moskva luôn là biểu tượng của tình yêu nước.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hungary – không gian của lòng kính yêu
Tại thủ đô Budapest (Hungary), Công viên Hồ Chí Minh (Ho Si Minh park) là một trong những biểu tượng hữu nghị Việt Nam – Hungary được duy trì từ những năm 1970 đến nay. Bên trong công viên có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt trang trọng giữa những hàng cây xanh, cạnh một hồ nước nhỏ. Không gian thanh bình này là điểm đến quen thuộc của kiều bào và sinh viên Việt Nam tại Hungary.
Chị Phan Bích Thiện – Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – xúc động chia sẻ:
“Bản thân tôi luôn thấy tự hào khi được ba mẹ đặt tên từ lòng kính yêu Bác Hồ. Mặc dù do những điều kiện khách quan tên của Bác được ba mẹ đặt cho chỉ dùng trong gia đình, nhưng tôi luôn cảm thấy rất vinh dự, cũng như Bác Hồ thật gần gũi trong suốt cuộc đời”.
Lời chia sẻ giản dị ấy cho thấy tình cảm sâu đậm của kiều bào đối với Người, không chỉ qua tượng đài hay công viên, mà còn thấm sâu vào tâm thức, vào từng cái tên, từng câu chuyện trong mỗi gia đình.
Công viên Hồ Chí Minh tại Budapest là một trong những biểu tượng hữu nghị Việt Nam – Hungary được duy trì từ những năm 1970 đến nay.
Dấu ấn Bác Hồ tại Vương quốc Anh
Tại Anh, tuy chưa có khu tưởng niệm quy mô lớn, nhưng những địa điểm gắn với thời gian Bác Hồ sống và làm việc tại London vào đầu thế kỷ 20 vẫn được nhiều người tìm đến. Tiêu biểu là khu khách sạn Carlton ở khu West End, nơi Nguyễn Ái Quốc từng làm bồi bàn, hay các địa điểm trong khu Westminster gắn với hành trình học hỏi và quan sát xã hội tư bản của Người.
Cộng đồng người Việt tại Anh luôn tự hào về việc nơi đây từng lưu dấu chân của vị cha già dân tộc. Chị Hà Hoàng - sống tại London hơn 20 năm chia sẻ: “Biết rằng Bác từng ở đây khiến tôi cảm thấy gần gũi và thêm yêu quê hương. Dù không có tượng đài hay công viên mang tên Bác, nhưng trong lòng mỗi người Việt, hình ảnh Bác luôn hiện diện”.
Khách sạn Carlton ở London nơi Nguyễn Ái Quốc từng làm bồi bàn - cộng đồng người Việt tại Anh luôn tự hào về việc nơi đây từng lưu dấu chân của vị Cha già dân tộc.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani – Thái Lan
Tại khu vực Đông Bắc Thái Lan, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Nong On, tỉnh Udon Thani là nơi lưu giữ hình ảnh và dấu chân của Người trong những năm tháng hoạt động cách mạng vào cuối những năm 1920. Được xây dựng trang trọng với nhà sàn, vườn cây, hồ sen và khu trưng bày hiện vật, nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh của kiều bào mà còn là điểm du lịch văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước.
Ông Lương Xuân Hòa – Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Udon Thani từng xúc động nói: “Chúng tôi coi khu di tích là mái nhà chung, là chốn linh thiêng để tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Người không chỉ là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, mà còn là nguồn cảm hứng, chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng người Việt xa xứ”.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani – Thái Lan.
Đại lộ Hồ Chí Minh ở châu Phi
Tại châu Phi, Việt Nam cũng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, đặc biệt là qua tinh thần đoàn kết với các quốc gia trong phong trào đấu tranh giành độc lập. Tại thủ đô Luanda của Angola, một trong những trục đường lớn nhất thành phố được đặt tên là “Đại lộ Hồ Chí Minh” (Avenida Ho Chi Minh), như một sự tri ân sâu sắc dành cho người đã góp phần truyền cảm hứng cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Anh Lê Hồng Quân, từng làm việc tại "lục địa đen" hơn 20 năm cho biết, người Việt làm việc tại Luanda, Angola luôn thấy tự hào, "mỗi lần đi qua con đường mang tên Bác, tôi lại thấy như mang cả quê hương bên mình. Đó là niềm tự hào, là nhắc nhở về bổn phận sống tốt, làm việc tử tế để không phụ tấm gương sáng của Người”.
Ngoài ra còn có Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Angola. Đây là công trình mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là biểu tượng của tình hữu nghị và đoàn kết giữa Việt Nam và Angola.
Tượng đài không chỉ là điểm đến linh thiêng cho cộng đồng người Việt tại Angola trong các dịp lễ kỷ niệm, mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Đây cũng là minh chứng cho mối quan hệ bền chặt, gắn bó giữa hai quốc gia Việt Nam và Angola.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.
Biểu tượng gắn kết và truyền cảm hứng
Có thể nói, những công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới không chỉ là nơi lưu giữ ký ức về một con người vĩ đại, mà còn trở thành cầu nối văn hóa, lịch sử giữa Việt Nam với bạn bè năm châu. Mỗi tượng đài, mỗi công viên hay con đường mang tên Bác đều mang trong mình những câu chuyện riêng - về sự kính trọng, về tinh thần cách mạng, và đặc biệt là về lòng yêu nước của cộng đồng người Việt xa quê.
Trong một thế giới không ngừng vận động và thay đổi, những biểu tượng này vẫn lặng lẽ tỏa sáng, như chính cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh - giản dị mà vĩ đại, khiêm nhường mà bất tử. Và đối với hàng triệu người Việt Nam đang sống, làm việc, học tập tại nước ngoài, đây không chỉ là điểm tựa tâm linh mà còn là lời nhắc nhở về cội nguồn, về lý tưởng sống và trách nhiệm gìn giữ hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.
Cẩm Lai