'Ngày xưa có một chuyện tình' đang tranh giải LHP quốc tế Hà Nội có gì hấp dẫn?

'Ngày xưa có một chuyện tình' đang tranh giải LHP quốc tế Hà Nội có gì hấp dẫn?
3 giờ trướcBài gốc
Vì sao "Ngày xưa có một chuyện tình" được chọn dự thi LHP quốc tế Hà Nội?
Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ 7 sẽ diễn ra từ ngày 7-11/11 tại Hà Nội, với khẩu hiệu "Điện ảnh Sáng tạo - Cất cánh".
Bộ phim "Ngày xưa có một chuyện tình" của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, sản xuất năm 2024, được chọn để chiếu vào ngày khai mạc. Đây cũng là tác phẩm duy nhất của Việt Nam dự thi tại LHP năm nay.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh. (Ảnh: ĐCS).
Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, mỗi quốc gia chỉ chọn một phim vào đề cử Phim dài dự thi. Bộ phim tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chưa từng dự thi ở LHP nào nên đủ điều kiện được chọn.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá thêm về tác phẩm: "Nghệ thuật không thể rạch ròi tiêu chí như Toán học. Chúng tôi đánh giá phim dựa trên cảm xúc phim tạo ra cho người xem và những thông điệp để lại sau khi phim kết thúc. 'Ngày xưa có một chuyện tình' đồng thời là phim khai mạc LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 7.
Không riêng phim này, 9 phim còn lại trong hạng mục Phim dài dự thi đều có tính nghệ thuật cao".
Doanh thu khiêm tốn của "Ngày xưa có một chuyện tình"
"Ngày xưa có một chuyện tình" chính thức từ ngày 1/11, phim hiện đạt doanh thu hơn 30 tỷ đồng (tính đến sáng 7/11), theo Box office Vietnam.
Tác phẩm hiện đang tạm dẫn đầu doanh thu trong ngày 7/11 với hơn 296 triệu đồng nhờ 3.911 vé được bán ra, trên 1.547 suất chiếu.
Trong tuần đầu ra mắt, phim xếp vị trí thứ 2 với doanh thu gần 27 tỷ đồng - đứng sau bom tấn "Venom: Kèo cuối" với doanh thu cao hơn 2,5 lần (gần 70 tỷ đồng).
"Ngày xưa có một chuyện tình" có doanh thu cao nhất trong ngày 7/11.
"Ngày xưa có một chuyện tình" là phim điện ảnh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - tác phẩm từng rất ăn khách trong thời điểm ra mắt năm 2016.
Do đó, dự án gây được sự chú ý ngay từ khi công bố, hứa hẹn tạo nên doanh thu trăm tỷ tương tự như với "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (2015), hay "Mắt biếc (2019).
Tuy nhiên, với tốc tộ tăng trưởng như hiện tại, phim được đánh giá là khó đạt thành tích như mong đợi.
Nội dung tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình bạn, tình yêu giữa hai chàng trai và một cô gái từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, phải đối mặt với những thử thách của số phận.
Tại bối cảnh miền Trung cuối thập niên 1980 - đầu những năm 2000, bộ ba Vinh (Avin Lu đóng), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng đóng), Miền (Ngọc Xuân đóng) đã cùng yêu, cùng bỡ ngỡ bước vào đời, va vấp và vượt qua.
Tạo hình ba nhân vật (từ trái sang) gồm: Vinh (Avin Lu), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) và Miền (Ngọc Xuân).
So với truyện gốc phim không thay đổi nhiều trong cách kể chuyện. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh giữ trình tự diễn biến đan xen giữa hiện tại và quá khứ, mở màn với cảnh Phúc trở về quê nhà sau nhiều năm tha hương.
Điểm cộng của phiên bản điện ảnh là những góc quay đặc tả, linh hoạt góp phần khắc họa nội dung câu chuyện và tính cách nhân vật.
Chẳng hạn, ở những cảnh đặc tả tâm lý của ba nhân vật chính, đạo diễn tập trung vào các góc quay chính diện, rõ nét, thu về từng ánh mắt, nụ cười, giọt nước mắt của nhân vật. Góc toàn được sử dụng để bắt lấy những cảnh thiên nhiên rộng lớn, thơ mộng của làng quê Phú Yên, điểm xuyết trong đó là bóng dáng con người xa xăm.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nói rằng, anh và ê kíp đã dành nhiều tháng khảo sát, tìm bối cảnh phù hợp để bám sát tinh thần truyện gốc khi khắc họa không khí miền quê thập niên 1990.
"Sau cùng, chúng tôi nhận ra chỉ có Phú Yên mới mang lại cảm giác hoài niệm đúng như tên phim", anh nói.
Trong quá trình sản xuất, ê kíp đầu tư khâu mỹ thuật để khắc họa cuộc sống nông thôn. Đơn cử, với cảnh học sinh đạp xe đi học trong mùa lũ ghi hình tại xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa. đạo diễn chọn những ngôi làng đồng nhất về mặt kiến trúc, khắc họa đại cảnh nhóm nhân vật vui đùa bên ruộng lúa chín, dưới ánh hoàng hôn.
Ngoài dàn dựng bối cảnh, đạo diễn cũng tận dụng các địa điểm còn nguyên sơ. Chẳng hạn, cảnh hẹn hò của Phúc và Miền được thực hiện ở suối Hàn, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Ðông Hòa. Đoàn phim phải di chuyển thiết bị, nhân sự trong nhiều địa điểm để hoàn thành bộ phim chỉ trong 35 ngày.
Cảnh sắc Phú Yên trong phim "Ngày xưa có một chuyện tình".
Âm nhạc cũng là gia vị giúp tăng sức hấp dẫn và cao trào của bộ phim. Khi ca khúc "Xa (Chờ đến mùa gió)" do ca sĩ indie Tùng cất lên, mạch phim mang đến hình ảnh trong trẻo và đậm chất hoài niệm, tạo cảm giác bâng khuâng, đượm buồn.
Khi Avin Lu cất giọng với "Tình tính tang" như một lời tâm tình của chàng trai. Đến "Có một chuyện tình" lại là câu hát gói gọn niềm vui, nỗi đau từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành của bộ ba nhân vật.
Ba diễn viên chính cũng được nhận xét phù hợp với nhân vật, diễn xuất ấn tượng. Avin Lu sau "Em và Trịnh" đã thành công tái hiện một nhân vật Vinh nhút nhát, thẹn thùng và si tình.
Một cảnh trong phim.
Ngọc Xuân với vai chính đầu tay dù còn non kinh nghiệm nhưng thành công ghi điểm với nét đẹp trong trẻo, lối diễn tươi mới. Trong khi đó, Đỗ Nhật Hoàng khiến người xem cảm nhận như một Phúc bước ra từ trong truyện.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cũng phải dành lời khen cho tác phẩm: "Ngày xưa có một chuyện tình xem tốt và dễ chịu quá. Nó khiến người xem tin vào câu chuyện, tin vào nhân vật và tin vào sự lựa chọn của họ để viết nên một câu chuyện tình tay ba dịu dàng và đẹp như truyện cổ tích... Một bộ phim dịu dàng, dung dị nhưng đủ gây cảm động, thương nhớ về một thời chưa đủ xa của ta".
Trailer phim "Ngày xưa có một chuyện tình". (Video: CJ).
LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 7 có gì mới?
Lễ khai mạc LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 7 sẽ chính thức khai mạc vào 20h ngày 7/11, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.
Năm nay, Ban Tổ chức nhận 500 phim gửi đến từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 117 phim được chọn tham dự gồm 65 phim nước ngoài, 52 phim Việt Nam. các phim đều đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia thẩm định và cấp giấy phép phát hành.
Hạng mục Phim dài dự thi ngoài 1 phim Việt Nam còn có 9 phim của Thụy Sĩ, LB Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc, Ấn, Estonia, Iran. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 11/11.
LHP sẽ trao các giải thưởng như: Phim dài xuất sắc nhất trị giá 125 triệu đồng; Phim ngắn xuất sắc nhất trị giá 75 triệu đồng; Ðạo diễn phim dài xuất sắc nhất trị giá 75 triệu đồng; Diễn viên nam/nữ chính xuất sắc nhất mỗi giải 75 triệu đồng; Giải thưởng của BGK cho phim dài trị giá 50 triệu đồng...
Bên cạnh đó còn có các giải Mạng lưới các Ủy ban điện ảnh Châu Á (AFCNet), Giải phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong chương trình phim Việt Nam đương đại và Bằng khen của UBND TP Hà Nội dành cho phim dài xuất sắc nhất.
LHP quốc tế Hà Nội ban đầu có tên là LHP quốc tế Việt Nam, ra đời năm 2010, tổ chức hai năm một lần, hoãn tổ chức duy nhất năm 2020 do đại dịch.
LHP có các chương trình chiếu phim, hội thảo, chợ dự án phim; quy tụ nghệ sĩ và các nhà làm phim nhiều nước trên thế giới. Nhật Kim Anh và Phương Anh Đào từng thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại hai kỳ LHP 2010 và 2018.
Bạch Dương
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh-dang-tranh-giai-lhp-quoc-te-ha-noi-co-gi-hap-dan-192241107113527428.htm