Lớp học tiếng Mông của đồn Biên phòng Na Ngoi.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, việc đọc thông, nói thạo tiếng dân tộc không chỉ là điều kiện quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện phương châm “4 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc mà còn thể hiện sâu sắc hơn nữa tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
Trên tinh thần đó, các đồn biên phòng ở tuyến biên giới đất liền Nghệ An đã nỗ lực mở lớp dạy, học tiếng đồng bào cho cán bộ, chiến sĩ, qua đó, thắt chặt hơn tình cảm gắn bó quân dân, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân.
Hướng dẫn đồng bào kỹ thuật chăm sóc lúa nước bằng tiếng đồng bào giúp đạt hiệu quả cao hơn.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Ngoi cho biết: Đứng chân trên địa bàn xã Na Ngoi, huyện rẻo cao 30a Kỳ Sơn, đồn quản lý hơn 16km đường biên. Đây là địa bàn cách xa trung tâm huyện. Xã có 19 bản, với 1.066 hộ cùng 5.995 nhân khẩu, thuộc ba dân tộc H'Mông, Khơ Mú và Thái; trong đó người dân tộc Mông chiếm đa số.
Người dân ở xã Na Ngoi sống quanh núi Pu Xai Lai Leng - Ngọn núi cao nhất dãy Trường Sơn Bắc với độ cao 2.720m. Đời sống kinh tế dựa vào phát nương làm rẫy và chăn nuôi với phương thức sản xuất còn lạc hậu nên cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, vì vậy, nhu cầu giao tiếp bằng tiếng H'Mông của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Na Ngoi lại càng trở nên cấp thiết.
Từ thực tế đó, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Na Ngoi đã mở các lớp học tiếng H'Mông cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Ngay từ đầu năm, đồn đã xây dựng kế hoạch mở lớp học; học vào tối thứ 3 và thứ 5 hằng tuần. Đối tượng học là tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Đơn vị cũng giao cho các đồng chí là người dân tộc H'Mông có khả năng sư phạm lên lớp. Ở giữa kỳ học, đơn vị sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá để rút kinh nghiệm cho kỳ tiếp theo. Qua đó có thể kịp thời thay đổi phương pháp dạy và học giúp cho người học tiếp cận nhanh hơn.
Nhờ nói cho dân hiểu bằng tiếng đồng bào nên giúp đội đội "bốn cùng" với người dân được thuận lợi hơn, người dân yêu quý bộ đội hơn.
Là người con của đồng bào H'Mông, có nhiều năm công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng ở nhiều địa bàn khác nhau, Thiếu tá Già Bá Ná được Ban Chỉ huy đồn Biên phòng Na Ngoi giao nhiệm vụ soạn thảo giáo án giảng dạy tiếng H'Mông và trực tiếp lên lớp cho cán bộ, chiến sĩ.
Khi được đơn vị tín nhiệm giao phó làm thầy giáo dạy tiếng H'Mông, Thiếu tá Già Bá Ná đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi cách thức truyền giảng để các học viên lĩnh hội được kiến thức một cách dễ nhất và nhanh nhất.
Cách thực hành phát âm những từ âm gió, từ âm nhẹ được thầy giáo Già Bá Ná nói đi nói lại nhiều lần giúp học viên nắm được âm chuẩn và nói lại chuẩn xác. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng dần dần, mọi người đều nắm vững các phát âm những từ đặc biệt này. Không chỉ chú trọng phát âm đúng, chính xác các từ mà các học viên còn được ôn luyện cách nói đúng ngữ điệu củađồng bào H'Mông tại địa phương.
Thiếu tá Già Bá Ná cho biết: “Trong quá trình lên lớp, ngoài việc dạy cách phát âm cho chuẩn, hiểu nghĩa sao cho đúng để mọi người có thể giao tiếp được với bà con, tôi còn chia sẻ tập tục, văn hóa của đồng bào để mọi người nắm chắc, qua đó xử lý công việc dễ dàng, thuận lợi hơn”.
Học viên Trần Hưng Huy, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp cho biết, ngoài giờ học trên lớp, chúng tôi còn về tự học và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Đặc biệt, bộ đội mang những nội dung bài học tiếp thu được ở lớp học buổi tối xuống địa bàn công tác để thực hành. Những nội dung câu nói tiếng đồng bào có thể “chưa tròn vành, rõ tiếng” nhưng đồng bào đều hiểu, chia sẻ và tình cảm quân-dân càng thêm gắn bó. Qua đó, giúp bộ đội dần hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, tự tin trao đổi với bà con dân bản.
Nhờ đó, sau khi học xong, cán bộ, chiến sĩ đều có thể giao tiếp với đồng bào. Điều này giúp ích rất nhiều trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác.
Bộ đội hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bằng tiếng đồng bào.
Còn đối với Thiếu tá Lê Huy Hảo, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Na Ngoi, nhờ các lớp học tiếng H'Mông mà đã giúp bộ đội thực hiện "4 cùng" với bà con được thuận lợi hơn; giúp chúng tôi dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và trao đổi trực tiếp với bà con các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, hay giúp phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Tương tự, lớp học tiếng H'Mông của Đồn biên phòng Nậm Càn (Kỳ Sơn) có hơn 40 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Giáo viên đứng lớp chính là Đội trưởng Vận động quần chúng của đơn vị là Trung tá Và Bá Tu; còn Trung tá Xồng Bá Mùa, Chính trị viên phó hỗ trợ giáo viên và lớp học. Hai đồng chí này đều là người dân tộc H'Mông.
Đơn vị cũng đề ra chỉ tiêu, kết thúc khóa học, Ban chỉ huy Đồn, cán bộ các đội công tác có thể nghe, hiểu và nói tiếng dân tộc H'Mông trong giao tiếp thông thường. Cán bộ các đội: vận động quần chúng, trinh sát, phòng, chống ma túy và tội phạm phải thành thạo tiếng dân tộc H'Mông.
Lãnh đạo các địa phương cho biết, nhờ bộ đội nói được tiếng đồng bào nên việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cho bà con được thuận lợi hơn, nhất là những người già, phụ nữ ít được đi học dễ tiếp thu, hiểu được các nội dung tuyên truyền của bộ đội.
Không chỉ tổ chức học tiếng H'Mông mà Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An mở các lớp học tiếng dân tộc Thái cho cán bộ, nhân viên các phòng, ban, đơn vị cơ sở. Vừa học trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Sau khóa học, các học viên có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Thái, làm cơ sở để tìm hiểu về phong tục tập quán, những đặc trưng văn hóa, xã hội của đồng bào.
Nhờ thông thạo tiếng đồng bào mà các quân y nắm chắc tình hình sức khỏe của nhân dân ở vùng biên giới.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: Nội dung học tiếng đồng bào được triển khai ở 18/18 đồn biên phòng tuyến đất liền Nghệ An, chủ yếu là tiếng H'Mông, Thái và Khơ Mú. Hằng năm, các đồn đều tổ chức mở lớp học tiếng đồng bào, mỗi lớp từ 30 đến 50 học viên, thời gian học từ 3-6 tháng. Từ năm 2022 đến nay, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tổ chức được 42 lớp học đồng bào dân tộc cho 669 lượt cán bộ, chiến sĩ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cũng đã tham mưu, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh mở các lớp dạy tiếng Lào cơ bản cho cán bộ các ban, ngành, địa phương biên giới và cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng có cửa khẩu như: Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Đồn biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy, Đồn biên phòng Thông Thụ...
Thông thạo tiếng đồng bào giúp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng giao tiếp với đồng bào bằng chính ngôn ngữ của họ, tạo sự gần gũi, và sự tin yêu của nhân dân. Qua đó, nắm bắt tâm tư của đồng bào, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, quần chúng tin tưởng vào thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước, đấu tranh phòng chống tội phạm, không để địa bàn xảy ra điểm nóng trong mọi tình huống.
Thông qua các lớp học gần dân, đã giúp bộ đội “Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm cho dân tin”, từ đó giúp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện “bốn cùng” với nhân dân để vận động mọi người làm theo. Đây là cơ sở để xây dựng vững chắc thế trận lòng dân nơi biên giới, góp phần triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
THÀNH CHÂU
Hải Thượng