Nghệ An: Nan giải bài toán bảo tồn làng nghề truyền thống trước thách thức của thời đại

Nghệ An: Nan giải bài toán bảo tồn làng nghề truyền thống trước thách thức của thời đại
4 giờ trướcBài gốc
Nguy cơ mai một nhiều làng nghề truyền thống
Không ai biết nghề làm giấy dó ở xã Nghi Phong, Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An có từ khi nào. Trước đây, có hàng trăm hộ dân làm nghề, nuôi sống nhiều gia đình. Nhưng hiện nay, số hộ dân còn bám trụ với nghề truyền thống này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hiện nay chỉ còn 4 hộ tại xã Nghi Phong vẫn đang nỗ lực duy trì nghề làm giấy dó.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hà (64 tuổi) và bà Vương Thị Loan (58 tuổi) là một trong ít hộ cuối cùng còn giữ nghề của ông cha để lại. Từ lúc ông sinh ra thì đã nghe tiếng chày giã vỏ dó.
"Nhà tôi nuôi 4 người con trưởng thành, khôn lớn, học hành một phần cũng nhờ nghề giấy dó. Nghề nó cứu mình lúc đói khổ, nhưng ngược lại giờ đây mình không nuôi được nó nên buồn và trăn trở lắm", ông Hà nói.
Theo ông Hà, cây nguyên liệu (cây niệt) ít dần, thu nhập thấp là nguyên nhân người dân không mặn mà với nghề cha ông.
"Cũng đã có người trong làng đi tìm các đầu mối mua giấy, rồi về đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con, nhưng vì không có lợi nhuận nên được một thời gian, họ phải nghỉ", ông Hà chia sẻ.
Theo bà Loan, nghề làm giấy dó bây giờ không còn như xưa, nhu cầu của thị trường sụt giảm, bà con trong làng nghề dần tìm kiếm công việc mới nên không khí trầm lắng hẳn.
"Làm giấy dó yêu cầu nhiều công đoạn, lại dựa vào thời tiết vì khi trời mưa sẽ không phơi giấy được, trong khi giá chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/tờ, làm cả ngày cũng chỉ được hơn 100.000 đồng sau khi trừ chi phí", bà Loan nói.
Nếu không được bảo tồn, nghề làm giấy dó có nguy cơ bị mai một.
Ông Nguyễn Công Ánh, Chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho biết, làm giấy dó là nghề truyền thống lâu đời ở địa phương nhưng đang bị mai một. Từ chỗ có hơn 100 hộ làm nghề, nay chỉ còn 4 hộ.
Nguyên nhân là do sau khi quy hoạch lại Tp.Vinh, Nghi Phong trở thành vùng lõi, giá đất lẫn tốc độ chuyển dịch ngành nghề nhanh chóng mặt. Diện tích để cây dó mọc xưa kia cũng không còn, cây niệt cũng dần biến mất.
"Chính quyền địa phương cũng rất trăn trở với nghề của ông cha nhưng vì nguyên liệu không còn nên cũng rất khó phát triển. Chúng tôi chỉ biết động viên những người còn làm nghề cố gắng bám nghề và không ngừng truyền thụ lại cho giới trẻ…", ông Ánh nói.
Nghệ An phấn đấu năm 2025 trên 70% làng nghề hoạt động hiệu quả
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có đến 189 làng nghề truyền thống. Các làng nghề trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả chiếm tỷ lệ cao và giải quyết việc làm cho gần 24.000 lao động địa phương.
Vì vậy, bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Đồng thời, việc bảo tồn này sẽ phát huy được giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vùng, miền, địa phương khác nhau.
Tổ mây tre đan xã Phúc Thọ đang nỗ lực đưa làng nghề phát triển.
Đơn cử, những năm gần đây, các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nghệ An đều rơi vào cảnh đìu hiu do thị trường đầu ra bị thu hẹp. Tuy nhiên, làng nghề nghề mây tre đan ở xã Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) lại được duy trì và thậm chí phát triển rất tốt.
Bà Nguyễn Thị Lan (64 tuổi, trú xóm 10, xã Phúc Thọ) cho biết, trước nguy cơ nghề truyền thống ở quê hương bị mai một, các chị em trong xóm họp lại thành "Tổ mây tre đan" và cùng nhau gìn giữ, phát triển nghề. Sau một thời gian vận động, từ một nhóm nhỏ ít người đến nay tổ mây tre đan đã có 15 thành viên hoạt động thường xuyên.
"Tổ đan lát mây tre đan ở xã hoạt động rất hiệu quả và tạo thêm thu nhập cho nhiều chị em ở nhà trong lúc nhàn rỗi. Nguyên liệu đầu vào đã có máy làm sẵn nên rất tiện lợi. Chị em chỉ cần lấy về rồi tranh thủ làm những lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Sản phẩm ngày càng được đa dạng hóa và đẹp mắt nên được khách hàng ưa chuộng", bà Lan nói.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được quảng bá tại hội chợ, triển lãm.
Xác định rõ điều đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2030". Trọng tâm cho mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ khôi phục, bảo tồn được ít nhất 1 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền;
Ngoài ra, công nhận mới ít nhất 18 làng nghề, ít nhất 1 làng nghề truyền thống, trong đó có 2 làng nghề gắn với du lịch; Trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả;
Đặc biệt, theo đề án, có ít nhất 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỳ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; phấn đấu mỗi năm tổ chức từ 3 - 4 lớp dạy nghê, truyền nghề tại các làng nghề;
Thêm vào đó, có ít nhất 1 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm;…
Dệt thổ cẩm được gắn với du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến đang là hướng đi làm sống lại làng nghề truyền thống.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để đạt được mục tiêu đó, Nghệ An cần phải huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo điều kiện tối đa cho các làng nghề cả về vật lực cũng như chính sách.
Phát triển hài hòa các cơ sở ngành nghề quy mô vừa và nhỏ, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, phát triển làng nghề gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề…
Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/nghe-an-nan-giai-bai-toan-bao-ton-lang-nghe-truyen-thong-truoc-thach-thuc-cua-thoi-dai-204250202114715308.htm