Lộng lẫy điện Thái Hòa. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Trong không gian di sản rộng lớn, anh Đặng Tấn cùng đồng nghiệp tỉ mẩn tách từng lớp vàng 24k mỏng tang. Anh tập trung đến nỗi tôi không dám làm phiền, chen ngang công việc. Thi thoảng, lớp vàng mỏng dính vào tay, rất khó khăn anh Tấn mới bóc tách ra khỏi da. Anh nói gọn: “Đây là vàng thật nên khi làm cần hạn chế tối đa thất thoát”. Hơn 20 năm theo nghề, đảm nhiệm các khâu thiên về kỹ thuật trong công tác phục dựng, tu bổ di tích, anh Tấn khá am tường về sơn son, thếp vàng. Song, anh lại khiêm tốn, có phần ngần ngại khi chia sẻ công đoạn được cho là đặc biệt khó này.
Sơn son, thếp vàng là nghề cổ, xuất hiện từ lâu đời ở các nước trên thế giới. Quy trình thực hiện nghề vẫn còn được lưu giữ đến nay. Đặc biệt, khi nhiều di tích Huế được quan tâm, bảo tồn, trùng tu, nghề này như được sống lại từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân lành nghề khắp các địa phương. Anh Tấn bảo, trông qua thếp vàng đơn giản chỉ là việc dán các miếng vàng lá lên cấu kiện gỗ, song để làm được điều đó phải trải qua vô vàn công đoạn. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến thực hiện các bước sơn, thếp, làm sao để sản phẩm sơn, thếp truyền thống trên gỗ có giá trị hơn, nội thất của di tích uy nghiêm và lộng lẫy hơn.
Tỉ mẩn từng chi tiết. Ảnh: Ngọc Nhi
“Quy trình sơn thếp gồm nhiều công đoạn tỉ mẩn, khó có thể nói hết. Chỉ nôm na rằng, thời điểm lớp sơn đạt độ khô mong muốn, người thợ dán các lá vàng quỳ trông như vẩy cá, rồi dùng thép sơn loại bỏ các phần không cần thiết, quá trình dán phải làm sao lá vàng dính chặt vào sơn. Tùy theo từng hiện vật, từng mẫu thếp nhất định mà người thợ thực hiện các công đoạn khác nhau, cũng như phải đảm bảo có đủ những kỹ năng khác nhau”, anh Tấn nói.
Trong những ngày đơn vị thi công thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo tổng thể di tích điện Thái Hòa - nơi đăng quang của 13 vị vua Triều Nguyễn, chúng tôi nhiều lần chứng kiến các công đoạn sơn son, thếp vàng lên các kết cấu kiến trúc nội thất. Đặc biệt, trong số 80 cột của ngôi điện có đến 66 cột được sơn son, vẽ rồng thếp vàng lá 24k. Trước khi thếp vàng, hàng chục cây cột này trải qua nhiều công đoạn xử lý khác nhau, như: Sơn lót, mài mịn, sơn cầm, vẽ…
Thếp vàng cho các hoa văn. Ảnh: Nguyễn Phong
Không chỉ ở ngôi điện này, tại các công trình Triều Nguyễn, trong quá trình phục dựng, trùng tu nhiều kiến trúc gỗ được sơn son, thếp vàng, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt. Theo nghệ nhân Phan Cảnh Quang Thuận (TP. Huế), muốn sơn son, thếp vàng cần có những vật liệu chính là sơn được lấy từ nhựa cây sơn của vùng núi phía bắc; vàng quỳ, bột màu, nhựa thông, vải trắng, bột gỗ xay mịn… cùng nhiều vật liệu khác. Các cấu kiện công trình phải được xử lý cẩn thận, kỹ lưỡng trước khi thếp vàng.
“Thếp vàng là quá trình dán lớp vàng lá, vàng quỳ lên bề mặt các vật liệu như gỗ để tạo màu vàng tự nhiên. Khi vàng được thếp, màu sắc sẽ thay đổi theo từng độ chín của sơn. Sơn là nền, còn vàng là chi tiết. Khâu khó nhất đó là việc phủ vàng làm sao không làm mất đi những đường nét chạm khắc tinh xảo; vàng phải bám vào sơn, không bị bong tróc”, ông Thuận chia sẻ.
Theo năm tháng, các cấu kiện, vật dụng được sơn, thếp trong các công trình di tích Huế trở thành nguồn tư liệu quý giá, mang tính mỹ thuật đặc trưng của từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Nghệ nhân sơn son, thếp vàng không chỉ có tay nghề cao mà còn phải am tường về vai trò và vị trí của các cấu kiện cũng như giá trị lịch sử của từng đồ vật. Các vị trí, bộ phận được trang trí, sơn thếp thông thường đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính uy nghiêm của công trình.
Nghệ nhân Ngô Đình Trọng, Tổ trưởng Tổ Thợ sơn công trình dự án bảo tồn, tôn tạo tổng thể di tích điện Thái Hòa nhấn mạnh đến sự đam mê, nỗ lực học hỏi qua nhiều lần thực hiện thi công của người thợ. Để thực hiện thếp vàng, những người thợ không chỉ học nghề ngày một ngày hai mà cần trau dồi kỹ năng, kiến thức gần như là mãi mãi. Trong nhóm của nghệ nhân Trọng đều là những tay thợ lành nghề và đều được cố họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng - giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế - chỉ dạy. “Điều quan trọng đó là phải cố gắng giữ được nguyên trạng các công trình kiến trúc. Những cấu kiện được sơn son, thếp vàng thường đóng vai trò rất quan trọng trong tổng thể di tích, mang vai trò và sứ mệnh riêng. Do vậy, nghệ nhân thực hiện cần có cả "tâm" lẫn "tầm" - nghệ nhân Trọng nói.
Sơn son, thếp vàng là cả một nghệ thuật, những người thợ phải có kỹ năng thành thạo mới có thể thực hiện được. “Kinh nghiệm của người thợ đóng vai trò vô cùng quan trọng vì quá trình sơn, thếp tùy thuộc vào thời tiết để quyết định thời gian giữa từng lớp sơn. Ở những mảng chạm tinh xảo, khi sơn son đến hơn 10 lớp sẽ làm giảm đi độ tinh xảo. Do vậy, thếp vàng là để giải quyết sự xung khắc giữa sơn và chạm. Chúng ta thấy rằng, trong những công trình, ở những mảng chạm bao giờ người ta cũng thếp để làm nổi bật những đường nét đã bị sơn son làm lu mờ”, nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng nói.
Kỹ thuật sơn son, thếp vàng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành nghệ thuật. Nó càng ý nghĩa hơn khi được ứng dụng phổ biến trong quá trình phục dựng, tôn tạo, trùng tu di tích Huế.
Lê Thọ