Nhiều ngày sau lũ vẫn bị cô lập
Nhôn Mai là xã biên giới giáp với nước bạn Lào nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Toàn xã có 21 thôn, bản với hơn 7.000 hộ dân. Để đến được đây phải di chuyển theo tuyến đường quốc lộ 16, là tuyến đường độc đạo duy nhất kết nối Nhôn Mai với các xã khác trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai Mạc Văn Nguyên cho biết, nhiều ngày sau đợt lũ lịch sử, đến thời điểm này Nhôn Mai vẫn gần như bị cô lập do quốc lộ 16 sạt lở, hư hỏng chưa thể lưu thông. Để nhận cứu trợ, tiếp tế, cán bộ địa phương phải di chuyển bằng đường bộ qua nhiều đồi núi, đi thuyền qua sông từ 3 đến 4 giờ đồng hồ.
Những ngày qua, để có nhu yếu phẩm cho bà con, UBND xã Nhôn Mai với sự hỗ trợ từ lực lượng Biên phòng tại địa phương đã lập điểm thu gom hàng hóa cứu trợ tại xã Mỹ Lý rồi sau đó gùi, cõng về trung tâm xã, bản phân phát cho bà con.
Đến ngày 28/7, đường quốc lộ 16 qua xã Mỹ Lý sạt lở phức tạp, chính quyền địa phương xã Nhôn Mai buộc phải di chuyển điểm tiếp nhận hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con sang địa phận gần xã Tri Lễ (thuộc huyện Quế Phong cũ).
Xã biên giới Nhôn Mai (Nghệ An) gánh chịu hậu quả nặng nề sau đợt lũ lịch sử với thiệt hại ước tính gần 760 tỷ đồng.
Ông Mạc Văn Nguyên cho biết: “Hiện tại, các thôn, bản trong xã không còn bị cô lập, chia cắt. Chính quyền địa phương đã tiếp cận và phối hợp hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ, với mong muốn sớm ổn định đời sống. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống hạ tầng giao thông vào xã vẫn chưa được khơi thông, khiến công tác tiếp nhận và phân phối hàng hóa cứu trợ từ bên ngoài gặp nhiều trở ngại”.
Do hệ thống điện lưới bị hư hỏng nặng sau lũ, từ ngày 21/7 đến nay, xã Nhôn Mai vẫn chưa thể khôi phục việc cấp điện. Công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuyến giao thông kết nối từ xã đi các địa phương lân cận bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá vùi lấp, nhiều đoạn bị cuốn trôi, hư hỏng nặng và chưa xác định được thời điểm khắc phục hoàn toàn.
Địa phương cùng với bà con đang từng bước tháo gỡ khó khăn. Đối với các hộ bị lũ cuốn nhà, xã bố trí các điểm ở tạm, kiên cố, an toàn. Đối với các hộ trong khu vực sạt lở nguy hiểm, UBND xã kiên quyết tháo dỡ di dời, thế nhưng để tìm được được địa điểm mới an toàn, dựng lại nhà cho bà con thời điểm này rất khó khăn.
Nhiều khó khăn sau lũ
Báo cáo từ xã Nhôn Mai cho thấy, trận lũ lịch sử vừa qua khiến xã thiệt hại gần 760 tỷ đồng. Lũ lụt khiến 1 người chết, nhà cửa, cở sở hạ tầng về giao thông, trường học, tài sản của người dân bị thiệt hại nghiêm trọng.
Toàn xã có 276 căn nhà bị thiệt hại, trong đó 69 căn bị cuốn trôi hoàn toàn, 20 căn hư hỏng nặng và 142 căn cần phải di dời khẩn cấp...
Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới và viễn thông chịu thiệt hại nghiêm trọng. Hệ thống điện 35kV, trạm biến áp và đường dây điện bị đứt, gây mất điện trên diện rộng. Một số trạm phát sóng bị gãy đổ, cáp quang bị đứt. Ước tính riêng thiệt hại hạ tầng lên tới hơn 225 tỷ đồng.
Đường liên xã bị sạt lở, ách tắc, cán bộ địa phương buộc phải đi đường bộ qua đồi núi, đường thủy để nhận hỗ trợ sau bão lũ đưa về phân phát cho bà con.
Trụ sở UBND xã cũ, trụ sở Công an xã đều bị ngập sâu gây tổn thất lớn về trang thiết bị, máy móc và phương tiện làm việc. Đồn Biên phòng Nhôn Mai cũng chịu thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.
Trận lũ cũng làm ảnh hưởng nặng nề với hơn 300 ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, ước tính thiệt hại gần 55 tỷ đồng...
“Đến thời điểm này, xã gần như vẫn bị cô lập, công tác khắc phục hậu quả sau lũ của địa phương rất khó khăn. Bà con thiếu nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt để bảo đảm cuộc sống. Hiện vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ từ các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài để bà con bớt khó khăn" - Bí thư Đang ủy xã Nhôn Mai Mạc Văn Nguyên chia sẻ.
Hoàng Phạm