Nghề gốm Mỹ Thiện là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề gốm Mỹ Thiện là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
6 giờ trướcBài gốc
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh, người duy nhất còn gìn giữ nghề làm gốm Mỹ Thiện
Vào thế kỷ XIX, nơi đây đã áp dụng kỹ thuật chế tạo men vào sản xuất đồ gốm. Nghề gốm Mỹ Thiện vừa được xếp vào loại hình “Nghề thủ công truyền thống” và chính thức trở thành một phần trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng gốm Mỹ Thiện thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (nay là xã Bình Sơn) giờ đây chỉ còn nghệ nhân Đặng Văn Trịnh (60 tuổi) là người duy nhất giữ nghề. Vợ chồng ông Trịnh bền bỉ bám nghề, từ khâu nhào đất, tạo dáng, tô vẽ đến nung lò, xuất bán, mọi công đoạn đều do hai ông bà tự tay đảm nhiệm.
Ông Trịnh chia sẻ, ông gắn bó với gốm từ thuở bé, khi được cha truyền cho cục đất sét đầu tiên và những bài học nghề đầu đời. Qua lời kể của cha, ông biết rằng cách đây hơn 200 năm, những người mang họ Phạm và họ Nguyễn từ Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Quảng Ngãi đã dựng nên những lò nung đầu tiên ở Mỹ Thiện, đặt nền móng cho nghề gốm nơi đây.
“Các ông tổ khi ấy chọn vùng đất ven sông Trà Bồng, thuận tiện giao thương để phát triển nghề. Ban đầu, dân làng chủ yếu làm nông, nhưng nhờ học hỏi từ những người thợ giỏi, họ dần chuyển sang làm gốm. Người Co ở miền núi Trà Bồng thường kết bè củi trôi sông xuống đây, vừa bán củi vừa đặt làm ché để ủ rượu cần”, ông Trịnh kể lại.
Làng gốm Mỹ Thiện từng được ghi chép trong điều trần của quan Tuần phủ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác gửi lên vua Bảo Đại và được đăng trên tạp chí Nam Phong nổi tiếng năm 1933. Theo tư liệu, văn tế và truyền ngôn dân gian, các nghệ nhân nơi đây từng được vời vào Phủ Chúa Nguyễn để chế tác gốm tinh xảo phục vụ hoàng gia và làm tặng vật.
Giao thương giữa miền núi và đồng bằng diễn ra suốt hàng trăm năm. Cứ vào tháng Chạp, người miền núi lại xuống làng đặt hàng ché rượu. Trong xưởng, bà Phạm Thị Thu Cúc (vợ ông Trịnh) vừa xoay đất sét, vừa liệt kê những đơn hàng chuẩn bị giao cho khách như hơn 500 chiếc cối giã, trên 200 ché rượu, 50 - 70 lọ hoa, cùng nhiều loại bình vôi, ấm trà, bình tráng men...
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh bộc bạch: “Dù thời cuộc thay đổi, hoa văn trên gốm Mỹ Thiện vẫn giữ nguyên dáng dấp cổ truyền. Hình rồng năm móng đắp nổi theo phong cách thời Lý, biểu trưng cho sự cao quý, linh thiêng. Hình cành trúc tượng trưng cho người quân tử, thẳng ngay, đồng thời mang ý nghĩa may mắn, phát tài. Còn con chuột gắn với hình ảnh “chuột sa hũ nếp” là biểu tượng của sự đủ đầy, thịnh vượng”.
Ở làng gốm Mỹ Thiện, mỗi gia đình có cách tạo hình rồng riêng. Ông Trịnh giữ đúng lối xưa cha ông để lại, có lúc rồng nhiều vảy, có lúc giản lược tượng trưng - tùy vào óc sáng tạo, nhưng luôn giữ cái hồn chung. “Nhiều người chỉ cần nhìn hoa văn là biết ngay sản phẩm thuộc nhà ai. Có lần tôi thử thay hoa văn bằng hình 12 con giáp, nhưng khách vẫn chỉ chọn rồng, trúc và chuột. Họ quý cái mộc mạc, xưa cũ vì thế mới gọi là gốm có hồn”, ông Trịnh nói.
Kỹ thuật tạo men cổ truyền hiện chỉ còn ông Trịnh gìn giữ. Vẫn là công thức quen thuộc, đá son xay nhuyễn trộn đất trắng, xi măng, tro củi và nước, đơn giản mà tạo nên lớp men trắng đặc trưng. Gốm được nung hai lần: Lần đầu để tạo xương gốm chắc chắn, lần hai nhúng men rồi cho vào lò.
Người nghệ nhân sắp xếp từng sản phẩm gần hay xa lửa, gia giảm tỷ lệ men để tạo nên màu sắc như ý. Sau 48 giờ nung liên tục, từng sản phẩm ra lò đều có sắc men biến hóa, độc bản - đó chính là nét hấp dẫn với giới sưu tầm. Gốm Mỹ Thiện được bán từ vài chục ngàn đến hơn một triệu đồng, tùy vào kích thước và độ tinh xảo.
Sản phẩm gốm của ông Trịnh hiện được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận OCOP 3 sao, đang hoàn tất thủ tục xét duyệt OCOP 4 sao. Tại cơ sở sản xuất, ông cũng dành riêng một khu vực để học sinh đến tham quan, trải nghiệm làm gốm, góp phần giáo dục và lan tỏa giá trị làng nghề.
Hiện nay, gia đình ông chủ yếu làm gốm theo đơn đặt hàng, phục vụ các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có xu hướng thân thiện với môi trường và gần gũi với thiên nhiên. Ông Trịnh cho hay: “Tôi đang chỉ dạy lại nghề cho con trai. Mong rằng sẽ ươm được mầm yêu nghề để sau này khi vợ chồng tôi già yếu, làng gốm vẫn còn người tiếp nối, giữ gìn hồn cốt Mỹ Thiện - nơi đỏ lửa suốt hơn 200 năm qua”.
Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định 2208/QĐ-BVTTTDL công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề gốm Mỹ Thiện (Châu Ổ, Bình Sơn). Đây là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa và sinh kế của người dân địa phương. Theo Quyết định, nghề gốm Mỹ Thiện được xếp vào loại hình “Nghề thủ công truyền thống”.
NHƯ ĐỒNG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/van-hoa/nghe-gom-my-thien-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-149911.html