Nghệ nhân Êđê và hành trình giữ hồn thổ cẩm

Nghệ nhân Êđê và hành trình giữ hồn thổ cẩm
13 phút trướcBài gốc
Giữa những chuyển động không ngừng của cuộc sống hiện đại, ở Buôn Knia, xã Ea Tul, huyện Čư̆ M’Gar, tỉnh Đắk Lắk vẫn vang lên âm thanh mộc mạc, quen thuộc mà thiêng liêng: tiếng khung cửi thổ cẩm Êđê. Người miệt mài ngồi bên khung dệt là nghệ nhân H’Jih Ayun. Những tiếng lách cách như là nhịp đập của thời gian, là hơi thở văn hóa, là linh hồn của người Êđê được chắt lọc qua bao thế hệ.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm, từ thuở nhỏ H’Jih Ayun đã được bà và mẹ truyền dạy từng đường kim, mũi chỉ. Tiếng khung cửi nhịp nhàng, màu sắc nhuộm từ lá cây, rễ cỏ, họa tiết thổ cẩm cất lời kể chuyện… tất cả đã thấm vào tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu bền bỉ với nghề dệt.
Nghệ nhân H’Jih Ayun đang dạy học viên dệt hoa văn (ảnh:Bùi Văn Cọ)
Cuộc sống mưu sinh lam lũ với rẫy nương không làm H’Jih Ayun lùi bước. Những đêm khuya, dưới ánh đèn dầu le lói, bà vẫn cặm cụi bên khung cửi, đôi tay thoăn thoắt đưa sợi – như đang dệt nên ký ức, niềm tin, lời hứa thầm lặng: “Phải giữ cho bằng được nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.” Và rồi không chỉ giữ được nghề, bà lại tiếp nối trao truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ sau.
Nghệ nhân H’Jih Ayun tâm sự: chỉ cần người trẻ có tình yêu với văn hóa Êđê, bà sẵn sàng truyền dạy hết lòng. Gần hai thập kỷ qua, bà đã truyền nghề cho hàng trăm lượt học viên, nhiều người trong số đó đã tự làm, tự bán sản phẩm, cải thiện thu nhập, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa đến cộng đồng.
"Năm nay tôi đã 67 tuổi rồi. Trước đây, tôi tham gia dạy nghề trong các hợp tác xã dệt thổ cẩm, cả trong và ngoài huyện. Từ năm 2008, tôi bắt đầu giảng dạy tại Trung tâm dạy nghề của tỉnh, trung bình mỗi năm dạy hai lớp. Giờ đây, tôi cũng không còn nhớ mình đã đứng lớp bao nhiêu lần nữa", nghệ nhân H’Jih Ayun nói.
Với nghệ nhân H’Jih Ayun, mỗi tấm thổ cẩm là một câu chuyện. Hoa văn không chỉ để trang trí mà là ký hiệu văn hóa. Từ đường thẳng, hình vuông, hình thoi, đến hình cây cỏ, chim thú… tất cả mang ý nghĩa riêng biệt: sự hài hòa, sức mạnh, sự gắn bó với thiên nhiên. Bằng bàn tay khéo léo, ánh mắt tỉ mỉ và trái tim yêu nghề sâu sắc, bà không chỉ dệt nên những tấm vải rực rỡ sắc màu mà còn dệt nên tình yêu văn hóa và niềm tự hào dân tộc.
Nghệ nhân H’Jih Ayun tâm sự: “Chúng tôi là những người phụ nữ truyền nghề, và hành trình ấy không ít gian nan – từ đường sá xa xôi đến việc di chuyển nguy hiểm. Nhưng điều khiến chúng tôi luôn thấy vui và tự hào chính là được làm công việc này. Tôi thật sự biết ơn Nhà nước, Trung tâm dạy nghề của tỉnh và các huyện đã tạo điều kiện để tôi cùng nhiều nghệ nhân khác có cơ hội truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ sau. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được góp phần giữ gìn nghề truyền thống, để các em nhỏ trong buôn làng tiếp tục nối dài giá trị văn hóa của dân tộc mình”.
Các cô gái Êđê ở Buôn Knia, xã Ea Tul trong sắc màu thổ cẩm
Những tấm thổ cẩm không chỉ đẹp mà còn chất chứa biết bao giọt mồ hôi, sự nhẫn nại và cả lòng tự hào. Mỗi tấm vải có khi mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để hoàn thiện, nhưng giá trị văn hóa mà nó mang theo thì còn mãi.
Đối với chị H’Hương Niê, ở xã Ea Tul, được học hỏi từ nghệ nhân cao tuổi như bà H Jih Ayun là cơ hội tốt để thỏa niềm đam mê dệt thổ cẩm và góp phần lưu giữ, phát triển nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Chị H’Hương Niê cho biết: “Tôi nhận thấy trong buôn làng, người Êđê hiện nay chỉ còn những phụ nữ lớn tuổi là còn biết dệt trang phục và chăn thổ cẩm, còn lớp trẻ thì gần như không còn ai theo nghề. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi quyết định theo học nghề dệt tại trường Cao đẳng nghề. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi trở về buôn làng và tiếp tục học thêm từ các nghệ nhân lớn tuổi để hiểu sâu hơn về kỹ thuật và giá trị truyền thống của nghề dệt thổ cẩm”.
Làm sao để thổ cẩm không chỉ hiện diện trong lễ hội, mà còn là món đồ dùng hàng ngày, là món quà lưu niệm cho du khách khi ghé thăm buôn làng Êđê? Những trăn trở với nghề đã giúp Nghệ nhân H’Jih tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm cuốn hút du khách. Anh Thành Trung – du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ:
“Tôi cũng là một người làm thời trang, và điều đặc biệt tôi cảm nhận được ở thổ cẩm chính là sự biến tấu tinh tế – một sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện đại và truyền thống. Khi chạm tay vào, các sản phẩm thủ công thường mang đến cảm giác thô ráp bề mặt, nhưng khi mặc vào lại bất ngờ vì độ mịn và sự mềm mại rất dễ chịu”.
Trong hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa, có những con người lặng thầm như bà H’Jih Ayun – không ồn ào, không phô trương, nhưng lại tỏa sáng bằng chính sự bền bỉ, tình yêu và lòng tự hào dân tộc. Mỗi tấm thổ cẩm được dệt nên không chỉ là sản phẩm thủ công, mà còn là kết tinh của truyền thống, là thông điệp văn hóa gửi gắm đến mai sau.
Zawut/VOV-Tây Nguyên
Nguồn VOV : https://vov.vn/van-hoa/nghe-nhan-ede-va-hanh-trinh-giu-hon-tho-cam-post1194491.vov