Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sẵn sàng góp sức thực hiện chủ trương đưa nghệ thuật vào học đường

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sẵn sàng góp sức thực hiện chủ trương đưa nghệ thuật vào học đường
10 giờ trướcBài gốc
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tham gia giảng dạy cho sinh viên tại trường đại học
Là nghệ nhân trẻ Thủ đô, anh Nguyễn Tấn Phát ủng hộ chủ trương này như thế nào?
- Trước gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc mời ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên, họa sĩ giỏi dạy vẽ, dạy âm nhạc, thể dục thể thao cho học sinh, là một nghệ nhân trẻ Thủ đô và cử nhân Mỹ thuật, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Đây là một chủ trương rất nhân văn và thiết thực. Tôi mong muốn chủ trương được vận hành nhanh vào thực tế, phát huy hết hiệu quả.
Việc này rất cần sự chỉ đạo mạnh mẽ từ các cấp, các ngành, hệ thống các trường học và địa phương chiêu mộ những nghệ nhân tài năng, họa sĩ, nghệ sĩ giỏi trong từng lĩnh vực để bổ sung vào chương trình giáo dục, nhằm truyền tải được những giá trị hữu ích nhất đến các bạn học sinh.
Anh có đề xuất về cơ chế hợp đồng của các trường học được thực hiện như thế nào đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân, ca sĩ để tạo điều kiện thuận lợi để các “giáo viên đặc biệt” có thể yên tâm giảng dạy?
- Về cơ chế hợp đồng của các trường học đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân, vận động viên, họa sĩ… tôi nghĩ đơn giản có thể vận hành như cơ chế hợp đồng thuê thời hạn và tính hiệu quả của công việc. Giờ xã hội là cơ chế mở và công bằng hiệu quả, do đó cần một cơ chế hợp đồng linh hoạt, rõ ràng về thời gian, trách nhiệm về quyền lợi giữa những người làm nghệ thuật và nhà trường. Đồng thời, nên có sự hỗ trợ về thủ tục pháp lý, chế độ đãi ngộ hợp lý. Các ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, vận động viên, nghệ nhân thường không làm việc theo mô hình hành chính cố định, nên cơ chế hợp đồng linh hoạt sẽ giúp họ yên tâm cống hiến, đồng thời đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Khi có được những cơ chế tốt và chi trả hợp lý tôi nghĩ những người làm nghệ thuật sẽ tham gia tích cực vào công tác giảng dạy. Để đạt hiệu quả, việc nhà trường tìm đến các ca sĩ, họa sĩ, vận động viên, nghệ nhân cũng cần có sự nghiên cứu về khả năng cũng như sự phù hợp của người đó với môi trường học đường. Đôi khi tư duy của người làm nghệ thuật cũng có cái khác. Với môi trường sư phạm điều này tôi rất hiểu, vì trước đây tôi cũng là một cử nhân làm nghề đơn thuần - làm thiết kế và sản xuất nghề thủ công sơn mài. Sau nhiều năm, tôi đã phải tự nâng cấp bằng việc học thêm bằng đại học cử nhân Sư phạm Mỹ thuật để có phương pháp dạy học mô phạm, dễ hiểu.
Hiện nay, một số nghệ nhân tiêu biểu làng nghề Hà Nội được các trường học Thủ đô mời về giao lưu, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến các em học sinh. Anh từng có nhiều hoạt động giao lưu với học sinh trong các trường học. Anh cảm nhận thế nào về hiệu ứng truyền cảm hứng từ những buổi gặp gỡ ấy?
- Với các hoạt động mời nghệ nhân tiêu biểu làng nghề về các trường học giao lưu với các em học sinh, tôi đánh giá đây là một điều vô cùng hay, giúp các em vừa hiểu thêm về nghề truyền thống vừa được thư giãn bởi các sản phẩm sinh động. Tôi từng tham gia chương trình của nhiều trường học địa phương và tôi cảm nhận được niềm vui, sự háo hức của các bạn nhỏ với các sản phẩm dân gian truyền thống mang tính thủ công. Hơn nữa, qua hoạt động giao lưu trực tiếp với các ca sĩ, nghệ sĩ, vận động viên, nghệ nhân tiêu biểu làng nghề giúp tạo nên những cơ hội mở tìm ra những tài năng có năng khiếu về âm nhạc, thơ ca hay mỹ thuật từ rất sớm để có những định hướng tương lai cho các bạn.
Được biết, từ ngày 3/6 tới, anh khai giảng lớp học miễn phí dành cho các bạn trẻ yêu mỹ thuật và văn hóa dân gian. Anh có thể chia sẻ đôi nét về lớp học này? Lớp học lần này có gì đặc biệt so với những lớp anh từng tổ chức trước đó?
- Tôi là người rất tâm huyết với nghề truyền thống. 15 năm nay tại Làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), tôi luôn duy trì một lớp dạy sơn mài miễn phí. Những năm gần đây, tôi cũng mở rộng quy mô lớp học và đa dạng các sản phẩm là nghề như gốm, tranh khắc gỗ, sơn màu, tò hè, tái chế nghệ thuật từ rơm… với mong muốn giúp cho người dân địa phương, khách du lịch, học sinh, sinh viên… hiểu và yêu nghề truyền thống, văn hóa Việt Nam hơn. Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi rất hào hứng trong việc tổ chức lớp học dạy vẽ dành cho các bạn trẻ yêu mỹ thuật và văn hóa dân gian. Ngày 3/6 sẽ khai giảng lớp dạy vẽ cơ bản cho các bạn học sinh giúp các bạn đi sâu hơn, hiểu về mỹ thuật để có những định hướng tương lai, có những chương trình rèn luyện để thi vào các trường mỹ thuật.
Tôi nghĩ điều này sẽ giúp ích cho các bạn học sinh ở Sơn Tây rất nhiều. Lớp học là hoạt động mùa hè tôi ấp ủ từ lâu, dành cho các bạn yêu thích mỹ thuật truyền thống. Các em sẽ được học vẽ cơ bản, tìm hiểu về tranh dân gian và được hướng dẫn thực hành từ cơ bản đến nâng cao. Điểm đặc biệt là lớp học hoàn toàn miễn phí, không tuyển chọn đầu vào, tôi mong muốn mở ra một không gian nghệ thuật thân thiện - nơi các em vừa học, vừa khám phá bản thân qua nét vẽ dân gian.
Cảm ơn nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát về những chia sẻ!
Mộc Miên
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nghe-nhan-nguyen-tan-phat-san-sang-gop-suc-thuc-hien-chu-truong-dua-nghe-thuat-vao-hoc-duong-419653.html