Nhân năm con Rắn, “Ông già bắt rắn” kể lại những câu chuyện thú vị về cuộc đời làm nghệ thuật gần 70 năm của ông.
Xe lửa là quê hương
NGƯT Đoàn Mạnh Dung kể, nếu xem quê hương là nơi sinh ra và lớn lên thì chiếc toa xe lửa chính là quê hương của ông. Bố Mạnh Dung là nhân viên hỏa xa, đưa cả gia đình đi theo những chuyến tàu. Anh em của ông lần lượt được sinh ra trên toa tàu, ở ga nào đó khi tàu dừng lại. Ông chỉ nghe bố kể, khi tàu tới ga Vinh vào khoảng cuối năm 1939, mẹ ông trở dạ và sinh ra ông, sau khi cắt rốn xong thì tàu lại đi tiếp.
Vì thế trong lý lịch, ông chỉ ghi sinh năm 1940. Vì không có giấy khai sinh nên mọi người nôm na gọi ông là thằng Cu. Mãi đến năm 1952, khi cả gia đình về Hà Nội, ông mới được làm giấy khai sinh và ông đã chọn tên là Mạnh Dung. “Mạnh là sức mạnh còn Dung là sự dung hòa cái sức mạnh đó”, ông giải thích thế.
Ở tuổi 85, 2 vợ chồng NGƯT Mạnh Dung- NSƯT Thanh Dậu vẫn ríu rít như thời son trẻ
Vì có tuổi thơ trôi nổi mà NGƯT Mạnh Dung đã được tiếp xúc với rất nhiều người, ở khắp các địa phương, được nghe, được tìm hiểu tính cách của nhiều vùng miền. Khi bước chân vào con đường nghệ thuật, ông có thể hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau, ở những vùng miền mà ngay cả những người dân bản địa cũng khó lòng nhận ra.
Năm 1957, Mạnh Dung vào đoàn cải lương Kim Chung (Chuông Vàng Thủ đô sau này) để học và làm diễn viên. Khi trường Sân khấu Việt Nam được thành lập vào năm 1959, Mạnh Dung trở thành học viên khóa cải lương đầu tiên của trường. Ông may mắn được theo học nhiều nghệ sĩ cải lương từ miền Nam tập kết ra Bắc như Tám Danh, Ba Du…
Với dáng người cao, gương mặt phúc hậu và có niềm đam mê với nghệ thuật cải lương nên sau khi tốt nghiệp, Mạnh Dung trở thành kép chính của đoàn Chuông Vàng một thời gian rồi gia nhập Đoàn cải lương Nam bộ (Tiền thân của Nhà hát Trần Hữu Trang sau này).
“Khi diễn, tôi nghĩ đến chuyện của những dòng sông ở Việt Nam. Dòng sông nào, dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều có những người con nằm xuống vì đất nước và xương máu họ vẫn nằm đâu đó nơi đáy sông chưa tìm được. Điều đó khiến lòng tôi se lại và tôi đã diễn với cảm xúc như thế”.
NGƯT Mạnh Dung
NGƯT Mạnh Dung bộc bạch: “Có lẽ cái tuổi của tôi là tuổi có chân đi nên suốt cuộc đời làm nghệ thuật, tôi gần như phải đi suốt. Có vợ cùng là diễn viên nên cả gia đình luôn phải đi theo đoàn hát. Có những đêm diễn hai vợ chồng buộc võng cho con nằm dưới gầm sân khấu và thay nhau dỗ dành. Năm 1975, khi đoàn Cải lương Nam bộ về Nam, tôi được cử đi theo.
Đến năm 1976, khi thành lập đoàn cải lương Trung ương tại Thủ đô, tôi lại được gọi ra. Sau 4 năm đi học khóa đạo diễn, tôi lại được cử vào Nam giảng dạy tại trường Điện ảnh sân khấu TPHCM nhưng vẫn thường xuyên đi theo các đoàn làm phim”.
“Ông già bắt rắn”… sợ rắn
Hơn 26 năm giảng dạy bộ môn diễn xuất tại trường Sân khấu, có nhiều kinh nghiệm song NGƯT Mạnh Dung vẫn không ngừng học hỏi thêm kiến thức mới để truyền dạy cho các thế hệ học trò. Nhiều học trò cũ của ông thành đạt, trở thành những nghệ sĩ giỏi, cả trong lĩnh vực sân khấu lẫn điện ảnh và vẫn thường liên lạc với ông, khi thì nhờ thầy chỉ dẫn thêm kinh nghiệm diễn xuất, lúc thì nhờ thầy đóng giúp một vai diễn. Mạnh Dung không nề hà gì với học trò nên khi cần những vai diễn khó, học trò cũ lại nhớ tới ông.
Mạnh Dung vai “Ông già bắt rắn” trong phim Đất phương Nam
Vai diễn “Ông già bắt rắn” trong phim Đất phương Nam cũng như thế. Hóa thân thành một ông già Nam bộ chất phác, đôn hậu và nghĩa khí thì ít ai qua được Mạnh Dung. Cái khó nhất là phải rành vụ… bắt rắn. Mạnh Dung kể: “Ban đầu tôi lo lắng lắm.
Vào vai một người làm nghề bắt rắn mà bản thân tôi từ trước tới giờ lại rất sợ rắn, nhất là trước đó, NSƯT Hồ Kiểng - đồng nghiệp của tôi cũng đã từng đóng vai bắt rắn và bị rắn cắn tưởng chết. Tôi rất sợ mỗi khi đụng chạm vào con rắn. Đoàn làm phim phải đưa tôi xuống trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) làm quen dần nhưng tôi vẫn rất sợ nên mỗi khi chuẩn bị bấm máy quay, phải có người của trại rắn ngồi gần hướng dẫn”.
Suốt mấy chục năm, NGƯT Mạnh Dung không có sinh nhật. Mãi tới khi nghỉ hưu, cán bộ hành chính đề nghị ông phải ghi ngày sinh. Con gái ông gợi ý lấy ngày 19/12 là ngày cưới của con ông là ngày sinh để cùng làm một lễ kỷ niệm cho vui. Thế là NGƯT Mạnh Dung có được ngày sinh để ghi vào giấy tờ.
Vậy mà, khi vào vai diễn, những cảnh như thò tay bắt rắn trong lồng cho khách xem, cầm rắn trên tay hay quấn rắn quanh cổ, Mạnh Dung làm rất … ngọt, y như một thợ bắt rắn chuyên nghiệp, đến mức ít ai biết trước đó ông còn run lẩy bẩy khi mở lồng rắn.
“Khi vào vai diễn, tôi quên mình là Mạnh Dung hay chuyện sợ rắn mà chỉ chú tâm đang là người bắt rắn. Tôi diễn sâu tới mức có lần bị con rắn cắn vào tay đậm dấu răng mà vẫn diễn. May mắn đó là con rắn không có nọc độc nên chỉ để lại sẹo tới bây giờ”, Mạnh Dung cười khi chìa bàn tay còn 4 dấu răng rắn cắn.
Sau vai diễn trong phim Đất phương Nam, khán giả không gọi tên Mạnh Dung mà chỉ gọi là “Ông già bắt rắn” và ai cũng nghĩ ông là người Nam bộ chính hiệu. Mạnh Dung kể có lần đi làm phim, cả đoàn dừng chân tại một căn nhà nhỏ để ăn trưa. Dù căn nhà khá nghèo nhưng chủ nhà nhất quyết mời cả đoàn ăn cơm.
Khi biết đoàn đã chuẩn bị đồ ăn, chủ nhà còn một trái khóm (dứa) duy nhất cũng gọt ra mời cả đoàn. Mạnh Dung kể về sự thịnh tình, chất phác của những người dân sông nước Nam bộ: “Khi chia tay, chủ nhà nói với tôi, mai mốt ở thành phố làm ăn khó khăn, chú cứ về quê với tụi con. Ở đây sông nước mênh mông không thiếu gì, chú đừng lo đói!”.
Trong câu chuyện, Mạnh Dung nhắc rất nhiều về người vợ của mình là NSƯT Thanh Dậu: “Tôi may mắn cưới được cô ấy trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Bố vợ tôi là nghệ sĩ đàn tranh Ba Vân, mẹ vợ tôi là nữ hề Vân Quí của đoàn Kim Chung. Em gái vợ tôi là NSND Thanh Vy, em trai là NSƯT nhạc sĩ Văn Hai. Khi tôi vào Nam công tác, dù cô ấy là cán bộ nguồn đang được quy hoạch nhưng sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo chồng. Có cô ấy, tôi mới có ngày hôm nay”.
(Theo Tiền Phong)