Nghệ sĩ Nhân dân Trương Mạnh Thắng với hình tượng Bác Hồ trong vở "Biên giới mùa thu ấy" (ảnh nhân vật cung cấp)
Ấn tượng nhất với nghệ sĩ là khi đóng vai Bác Hồ trong vở diễn “Biên giới mùa thu ấy”, nói về chiến dịch Cao - Bắc - Lạng năm 1950. Đây là lần đầu tiên, anh Thắng vào vai Bác Hồ.
Tác phẩm được dựng vào năm 2020, hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm chiến dịch biên giới thu đông; 80 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Với Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Thắng, đây là niềm vinh dự lớn bởi từ khi mới vào nghề, anh chưa bao giờ dám nghĩ có ngày mình được vào vai Bác Hồ trên sân khấu.
Trước anh, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện hình tượng Bác thành công trên cả sân khấu chèo và điện ảnh như cố Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực, Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình, Nghệ sĩ Ưu tú Phú Kiên… Do vậy, việc vào vai Bác Hồ với anh Thắng là một thử thách lớn nhưng cũng là cơ hội.
Làm thế nào để không bị ảnh hưởng bởi những “chiếc bóng” lớn đi trước? Phải làm sao để từ vóc dáng, cách phát âm, thần thái, ánh mắt, nụ cười khi vào vai toát lên được tình yêu thương của Bác đối với đồng bào, chiến sĩ? Đó là những câu hỏi gây áp lực cho anh Thắng.
Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Thắng đã dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu, sách, báo về Bác và tập theo. Anh cũng may mắn được người thầy - Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi chỉ dạy trong quá trình dựng vở.
Vở diễn đã được đánh giá cao về chủ đề tư tưởng và vai diễn Bác Hồ. Đây cũng là tác phẩm được phát sóng trên nhiều kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, tạo tiếng vang với khán giả, đồng nghiệp trên cả nước. Cũng vì thế, sau đó, anh thường được chọn vào vai Bác trong các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh. Tổng cộng, đến nay anh đã vinh dự được đóng vai Bác Hồ hơn 50 lần.
Mỗi lần anh xuất hiện trên sân khấu với hình tượng Bác, khán giả lại ồ lên: Sao giống thế? Nhiều lần ra đường, khán giả nhận ra và dành cho anh những lời khen ngợi, anh thấy vô cùng hạnh phúc, có thêm động lực để tiếp tục rèn luyện, học hỏi, hoàn thiện vai diễn cho những lần tiếp theo.
Cũng là hình tượng Bác nhưng mỗi vở diễn, chương trình, cách thể hiện lại khác nhau bởi ở mỗi thời điểm, vóc dáng, thần thái của Bác lại có sự thay đổi. Vậy nên anh cũng phải thay đổi cách hóa trang, cử chỉ để làm sao giống Bác ở thời điểm đó nhất. Với anh Thắng, được đóng vai Bác trên sân khấu chèo là một phần thưởng cao quý nhất sau 35 năm gắn bó với nghề.
Qua vai diễn Bác Hồ, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Thắng học được nhiều điều từ tác phong, tư tưởng, đạo đức của Người; tích lũy được tư duy nghề, góc nhìn sâu hơn cho những vai diễn khác.
LÊ HƯƠNG