Nghệ sĩ - Người giữ giấc mộng đẹp cho công chúng

Nghệ sĩ - Người giữ giấc mộng đẹp cho công chúng
một ngày trướcBài gốc
Lưu lại khoảnh khắc kỷ niệm cùng lãnh đạo tỉnh tại buổi họp mặt văn nghệ sĩ, trí thức xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: QUỐC BÌNH
Tôi nhớ hoài câu chuyện đẹp khi tạn mặt Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân (cô đào tài danh của Ðoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga) tại mảnh đất Cà Mau. Bà cứ kể về người thầy đầy tôn kính của mình là NSND Ba Vân, trong miền nhớ êm đềm, ông không dạy nhiều về nghề mà dạy về cuộc đời. Sân khấu là cuộc đời, phải sống tốt, sống thiện thì mới có thể hát hay được. Bài học này đã theo bà và nhiều đồng nghiệp cùng thời, ai cũng thấm thía được thông điệp: đạo đức là nền tảng vững chắc trong nghệ thuật. Bởi vậy khi đã hiểu thầy, thương nghề thì cố gắng lo chăm chút cho cách hành xử, đối đãi ở cuộc sống đời thường.
Một lần đến thăm nghệ sĩ quái kiệt Bo Bo Hoàng tại ngôi nhà nhỏ giữa thành phố hoa lệ, sau khi đã chia sẻ hết những buồn vui trong đời, bà cũng nhẹ nhàng cho rằng: "Nghệ sĩ là người dạy người khác sống tốt. Mình tái hiện những cái thiện, cái hay để người ta học theo, những cái xấu, ác và sự trừng phạt để người ta sợ; thì không có lý do gì mà chính người nghệ sĩ lại sống sai, đi ngược lại với những điều quý báu đó. Mình biết luật mà phạm luật thì chắc chắn sẽ bị phạt nặng...".
Lại nhớ đến NSƯT - Sầu nữ Út Bạch Lan. Ðó là buổi chiều lớt phớt lạnh nhưng trong căn phòng nhỏ của bà sực ấm bởi sự ân cần đối với hai vị khách đến thăm là tôi và một người bạn đồng môn. Bà cứ nhẹ nhàng “dạ”. Chữ “dạ” dễ thương được bật ra cùng nụ cười hiền khi giao tiếp với khách như thói quen suốt mấy mươi năm dấn thân vào nghiệp ca cầm. Thấy chúng tôi có vẻ ngại với sự hiền hòa này, bà từ tốn giải thích, thầy của bà - NSND Năm Châu đã dạy: Dù có nổi tiếng đến đâu thì khi nói chuyện với khán giả cũng phải “dạ thưa” lễ phép. Khi gặp một khán giả nghèo hay người buôn gánh bán bưng cũng phải biết khiêm cung chào hỏi cho đàng hoàng. Bởi chính họ là những người mua từng tấm vé để nuôi sống nghệ sĩ và sâu xa hơn là dung dưỡng tên tuổi của nghệ sĩ. Ngày Sầu nữ mất, có biết bao giọt nước mắt của khán giả mộ điệu, tôi biết, người ta thương tiếc cuộc đời tài hoa và giọng ca nức nở là một lẽ, nhưng lẽ khác là quý trọng tâm thế mà bà đã trải rộng cuộc đời.
Nghệ sĩ của thời hiện đại không còn chuyện sống đời “gạo chợ nước sông”. Tôi không dùng chữ “quần chúng” hay “chuyên nghiệp” để làm thước đo phân định rạch ròi hai lĩnh vực, vì khi đã trót theo đuổi con đường nghệ thuật và ăn chén cơm Tổ nghiệp thì đều là anh em dưới mái nhà chung sân khấu. Việc rèn luyện, phấn đấu phát triển tài năng, bổ sung kiến thức văn hóa lẫn chuyên môn để làm đầy thêm túi hành trang, từ đó khát khao mang những gì tinh túy nhất phục vụ công chúng là điều đáng trân trọng. Hấp lực sân khấu lúc nào cũng lung linh nhưng điều đó không có nghĩa là người nghệ sĩ cho mình quyền tự đại, tự cao. Ngược lại, nhu cầu của xã hội mới buộc người nghệ sĩ phải tự nâng mình, soi mình. Tôi cứ bị ám ảnh câu nói của Họa sĩ Hoàng Giai: “Con cố gắng làm sao đừng để người ta nhìn vào mình và nói nghề này bạc bẽo!”. Chữ “bạc” ở đây ông nói, chính xác không phải là nghề bạc mà là chính những con người làm nghề... bạc. Hơn 60 năm gắn bó nét cọ trên các sân khấu cải lương đại bang, trung bang, ông đã hiểu quá nhiều. Hào quang sân khấu rất đẹp, nhưng tham vọng cũng theo đó lớn dần và rồi cái tôi nếu không kịp tỉnh thức, chắc chắn sẽ bị cuốn theo. Truyền thông nhan nhản việc nghệ sĩ A phát ngôn ngông cuồng, nghệ sĩ B bị đánh ghen, nghệ sĩ C tố đồng nghiệp, nghệ sĩ D ăn chơi trác táng... Việc đúng sai chưa cần tỏ tường nhưng chỉ cần bấy nhiêu, công chúng đã có ấn tượng không tốt và trong một cuộc đánh đồng suy nghĩ nhất thời, người ta cho rằng “nghệ sĩ hào nhoáng và không thật”.
Các nghệ sĩ Ðoàn Cải lương Hương Tràm chăm chút cho tiết mục đặc sắc chào mừng năm mới.
Trở lại quan niệm của Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng: “Nghệ sĩ là người truyền đạo” quả thật thấm thía. Từng kịch bản được sáng tác, từng ý tứ đặt để của đạo diễn, mỗi câu thoại, lời ca của diễn viên... đều mang thông điệp hướng thiện, dạy con người ta biết sống nhân nghĩa, làm lành lánh dữ. Nghệ sĩ phải lăn lộn, bước vào hành trình nhập thế, lăn lộn với cuộc đời, lượm lặt những cái hay, cái dở để thể hiện sao cho tròn, cho khán giả tin những điều mình xem, mình nghe là thật. Chính vì thế, khi bước xuống sân khấu, thoát ra những vai diễn đã từng, sẽ dở lắm nếu như bản thân người nghệ sĩ lại sống trái ngược những điều đã rao giảng đêm đêm. Bạn sẽ chẳng là ai cả, nếu như bạn không biết yêu đất nước mình, có lối sống bê tha trụy lạc, đối đãi không đúng mực với đồng nghiệp, không biết kính trên, nhường dưới; phủ nhận cái ơn mà mình được lĩnh hội của thầy, hay đáng trách hơn là bàng quan trước sự yêu thương, hy vọng ở khán giả.
Giới sân khấu có niềm tin rất lớn vào Tổ nghiệp. Ðây là đức tin đẹp, để mỗi người phải khắc ghi trong lòng: luôn có một sự quan sát của đấng thiêng liêng, bởi vậy phải nghiêm cẩn với nghề và nghiêm túc với cuộc đời. Tổ thương cho hưởng nghề hoài, cho hào quang lộng lẫy duyên dáng, dù khi người nghệ sĩ đã bước qua tuổi thanh xuân, làn hơi, sắc vóc không còn như xưa, nhưng khi bước lên sân khấu vẫn được sự yêu mến nồng nhiệt.
Nhắc về điều này, NSƯT Minh Hoàng, nguyên Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm thường điển hình một tấm gương sáng chói trong giới là NSND Lệ Thủy, với cuộc đời đẹp, khi ở tuổi U80, bà vẫn điềm nhiên là cô đào ngoại hạng của sân khấu cải lương. Nhưng nếu như ai làm nghề ẩu, khi tên tuổi ở đỉnh cao, bản thân tự cảm thấy mình “quan trọng”, “máu ngôi sao” trỗi dậy, lộng quyền, không kính trọng bậc tiền bối, o ép, hà hiếp ích kỷ với hậu bối... thì tới lúc nào đó bước ra sân khấu thần sắc sẽ phôi pha, không còn duyên dáng và khi nhắc đến thì bạn diễn, đồng nghiệp rất e ngại, tuổi nghề cũng theo đó mà bị rút ngắn hoặc có cái kết buồn khi về chiều. Nói theo tâm linh, đây là “Tổ trác” nhưng khách quan thì đó là quy luật tự nhiên: “Gieo nhân nào sẽ gặt quả đó”.
Những năm gần đây, cứ mỗi dịp xuân về, Tết đến, lại dễ gặp những nụ cười nối nhau lấp lánh trong các cuộc họp mặt văn nghệ sĩ, trí thức từ Trung ương đến địa phương. Sự quan tâm ấm áp này là nguồn động lực lớn để nghệ sĩ thêm thăng hoa sáng tạo, góp sức mình vào tiến trình phát triển của đất nước ngày càng giàu đẹp. Chắc chắn rồi, khi trở về với miền riêng, đây sẽ là nhịp lắng để người nghệ sĩ lần nữa ý thức về trách nhiệm, vai trò của mình. Trong xã hội tốt đẹp, đề cao những giá trị văn hóa, thước đo, chuẩn mực của đạo đức, phải vững tin rằng: “Nếu anh là nghệ sĩ chân chính, công chúng sẽ không bao giờ quên anh!”. Từng tiếng vỗ tay, từng ánh mắt theo dõi, từng lời khen ngợi, dạy dỗ và cả sự hy vọng, đợi chờ của công chúng... tất cả tạo nên giấc mộng thật đẹp và giấc mộng ấy hơn ai hết phải được người nghệ sĩ chung tay giữ gìn./.
Minh Hoàng Phúc
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/nghe-si-nguoi-giu-giac-mong-dep-cho-cong-chung-a37375.html