Nghệ sĩ Vũ Minh Dũng. (Ảnh: NVCC)
Quá trình sáng tạo miệt mài dựa trên các giá trị truyền thống Việt Nam định hình triển lãm cá nhân đầu tiên của Vũ Minh Dũng tại quê hương. Với tên gọi “Around the white road” (tạm dịch: Quanh con đường trắng), 15 tác phẩm của anh trưng bày ở không gian nghệ thuật đương đại Gate Gate Gallery (Văn Miếu, Hà Nội) truyền tải câu chuyện về văn hóa, lịch sử và môi trường sống với chất liệu đặc biệt.
Giữ kết nối với văn hóa truyền thống
Nhiều năm qua, Vũ Minh Dũng đã sáng tác các tác phẩm nghệ thuật đặc trưng trên các bề mặt vải với sắc màu thay đổi và hình thức tự nhiên. Việc chuyển đến Đức thôi thúc anh quyết định thực hành với vải và giữ kết nối với truyền thống ngành khâu may ở Việt Nam, đồng thời khiến người xem thay đổi cách nhìn về kích thước và chiều không gian.
Một chủ đề nhất quán trong các tác phẩm gần đây của anh là các bức lớn với bố cục tối giản, thường có một yếu tố vải đơn lẻ trên nền trung tính. Quá trình sáng tạo ấy bắt đầu bằng việc phác thảo chi tiết, sau đó chọn vật liệu (chủ yếu là lụa, lanh hoặc voan) và tạo ra hỗn hợp nhuộm từ các sơn màu khác nhau.
Khi căng vải lên khung, Dũng đóng vai trò là người kết nối hơn là kiểm soát, cho phép vật liệu phần nào tự quyết định hình thức cuối cùng trong lúc vải đang phơi khô rồi sau đó sẽ được khâu cố định lên khung.
Thực hành nghệ thuật của Dũng có thể được gọi là nghệ thuật dựng bởi bối cảnh và địa điểm, bắt nguồn từ những thay đổi của nghệ thuật toàn cầu thập niên 1960. Cách thực hành này gắn liền với nghệ thuật tiên phong trong giai đoạn hậu thuộc địa của Việt Nam.
Bằng phương thức này, anh tạo ra cuộc thương thảo giữa truyền thống thủ công bản địa và phong trào nghệ thuật quốc tế. Việc sử dụng vải mang ý nghĩa văn hóa và trở thành phương tiện khám phá sự dịch chuyển và ký ức, kết nối đối thoại giữa Đông và Tây cùng sự pha trộn văn hóa thời kỳ hội nhập.
Tác phẩm nổi bật nhất trong triển lãm này của Dũng là Echo from the lake, gợi nhớ kiến trúc truyền thống Việt Nam với khu vực trong nhà và ngoài trời thông nhau, cũng là cách diễn giải hiện đại về kiểu kiến trúc này. Ánh sáng ngoài trời tạo ra bóng đổ trên mặt tác phẩm, làm nhận thức về chiều sâu, chất liệu, màu sắc và hình thức của người xem biến đổi theo.
Một số tác phẩm ấn tượng khác như Green XXI, Green XXII và Green XXIII có quy mô lớn với kích thước 2x10,11 mét, lắp đặt liền kề trên tường theo đường cong của phòng trưng bày, phảng phất yếu tố tranh lụa truyền thống. Sự tương tác giữa vải và kiến trúc, kết hợp với sự lắp đặt liên tục của các tác phẩm, tạo ra một trải nghiệm thống nhất, gợi nhớ về bố cục mở trong các ngôi nhà truyền thống của Việt Nam.
Từ xa, các tác phẩm vải của Dũng nhìn giống như các tác phẩm trừu tượng không gian nhưng khi xem gần hơn, chúng tiết lộ chiều sâu phức tạp, nơi các tông màu và hình dạng hữu cơ phản ánh cả cảnh quan địa lý, lịch sử, và ký ức. Cách trình bày của anh thách thức giới hạn của bức tranh một chiều, kết hợp các yếu tố của hội họa, điêu khắc và kiến trúc.
Nếu tinh ý, khán giả có thể thấy các tác phẩm nghệ thuật của Vũ Minh Dũng đang phản chiếu công cuộc khám phá về sự đối lập trong văn hóa của anh. Không chỉ phản ánh sự xê dịch địa lý, đây còn là những chuyển biến văn hóa và cảm xúc đi kèm với việc tiếp cận nhiều truyền thống và môi trường nghệ thuật khác nhau. Cùng với đi tìm dấu ấn riêng trong sự nghiệp của mình, anh thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa trong nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Nghệ sĩ Vũ Minh Dũng. (Ảnh: NVCC)
Điểm khởi đầu là cội nguồn lịch sử
Lý giải cho những sáng tạo nghệ thuật của mình, Vũ Minh Dũng cho biết, tuổi thơ của anh gắn liền với những âm thanh truyền thống như chầu văn – loại hình nhạc dân gian Việt Nam sử dụng trong các nghi lễ tâm linh của đạo Mẫu và hình ảnh bà nội may vá ở quê nhà tại tỉnh ven biển Quảng Ninh. Từ đó, những phong tục văn hóa này trở thành chủ đề thường xuyên trong sáng tác của anh.
Đến nước Đức từ khi 19 tuổi, Dũng tiếp tục khám phá các chất liệu này như một phương tiện để đối mặt với sự lạc lõng trong môi trường mới, cũng như để tái kết nối với lịch sử cá nhân thông qua việc nghiên cứu lịch sử gia đình và truyền thống của quê hương.
Anh kể: “Có lần tôi đọc một bài nghiên cứu về lịch sử triều Nguyễn và cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, lần khác lại những điệu nhạc chầu văn cùng những câu tụng niệm tâm linh mang tính tôn giáo của đạo Mẫu. Vào dịp Tết, tôi thắp một nén nhang và khi mùi hương quẩn quanh, nó day dứt và khơi gợi những cảm xúc làm tôi hồi tưởng về những ngày tháng ở Việt Nam”.
Bởi vậy, những tác phẩm của Vũ Minh Dũng thường liên quan đến các vật thể và biểu tượng mang ý nghĩa cá nhân, lịch sử và văn hóa như đôi hài truyền thống từ thời Nguyễn (1802-1945) và các loại vải gợi nhớ ký ức cùng người thân.
Tác phẩm nghệ thuật của Vũ Minh Dũng trưng bày tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Đặc biệt, vải mà Dũng khâu và căng trên khung được nhuộm bằng chất liệu bột màu, acrylic và đôi khi là chàm. Qua các chất liệu truyền thống này, những tác phẩm của anh phản ánh câu chuyện về kinh nghiệm di cư, lịch sử và bản sắc.
Không có những yếu tố điển hình của hội họa như nét cọ rõ ràng hay vết sơn văng, những tác phẩm của anh là những mảnh ghép từ lụa, lanh và chiffon - loại chất liệu gợi nhớ về các nghề thủ công truyền thống đang dần mai một, vừa thể hiện sự trân trọng với nghề xưa, vừa phản ánh hành trình khám phá bản thân của nghệ sĩ trong thế giới hiện đại.
Vũ Minh Dũng chia sẻ: “Tôi luôn tự hỏi làm thế nào để mình có thể bước khỏi ranh giới, những cái mình đã được đào tạo như là kỹ thuật về hình họa? Khi ở đó, tôi không dám làm những cái mới. Vào lúc băn khoăn nên chọn phương pháp hay hình thức biểu đạt nào, tôi lại nghĩ đến quá khứ và quãng thời gian với những ký ức tuổi thơ cùng bà tôi.
Hình ảnh bà ngồi khâu, may cùng một hộp kim chỉ nhuốm màu thời gian đã trở thành điểm khởi đầu để kết nối nghệ thuật của tôi với cội nguồn lịch sử và bản sắc văn hóa của dân tộc”.
Nghệ sĩ Vũ Minh Dũng sinh năm 1995 tại Quảng Ninh, tốt nghiệp các trường danh tiếng của Đức: Cử nhân Mỹ thuật từ Đại học Mỹ thuật Essen (2019), lấy bằng Thạc sĩ Mỹ thuật tại Học viện Mỹ thuật Leipzig cùng giáo sư, nghệ sĩ ý niệm Michael Riedel (2022) và nhận bằng sau Đại học tại Học viện Mỹ thuật Mainz vào năm 2023.
Anh giành được các thành tích và các giải thưởng như: Giải thưởng nghệ thuật thành phố Essen (2018), Giải thưởng Công nhận nghệ thuật quốc tế STRABAG (2020); Đề cử Giải thưởng Ketterer Kunst Masterclass tại Munich (2024).
Tác phẩm của anh được triển lãm rộng rãi tại các tổ chức uy tín như Học viện Mỹ thuật Leipzig, Galerie Heike Strelow, Biesenbach (Đức), lưu giữ trong các bộ sưu tập cố định của STRABAG Kunstforum tại Vienna (Áo) cũng như nhiều bộ sưu tập công và tư khác trên thế giới.
HÀ ANH