Những bản nhạc được tấu lên từ cây đàn piano mỗi sáng đem lại những cảm xúc thật khác biệt cho mỗi bệnh nhân, người nhà người bệnh hay các thầy thuốc. Tâm trạng lo lắng và nỗi đau bệnh tật của người bệnh vơi bớt nhiều phần khi họ được y, bác sĩ đón tiếp bằng nụ cười và những thanh âm của cây dương cầm.
Chị Tạ Trang Dung, Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Đa khoa Xanh-pôn, chia sẻ: "Mỗi bản nhạc như là một thông điệp yêu thương và chữa lành tôi muốn gửi tặng đến bệnh nhân và bác sĩ. Mỗi khi chơi nhạc ở đây tôi luôn mong muốn được chia sẻ niềm vui và hy vọng đến cho các bệnh nhân, bởi bệnh viện là một nơi mà mỗi khi người ta đến đây là họ sẽ có cảm giác lo âu. Vì vậy, tôi muốn dùng âm nhạc để phần nào xoa dịu các bệnh nhân".
Thử tưởng tượng, rất nhiều bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân nhỏ tuổi nằm viện nhiều ngày, thường xuyên chịu đựng những cơn đau dai dẳng, thường xuyên tiếp xúc với đội ngũ áo trắng và những bức tường trắng, tâm trạng họ sẽ nặng trĩu nỗi buồn và thất vọng đến nhường nào.
Âm nhạc, dù không trực tiếp chữa trị bệnh, nhưng nó sẽ làm giảm nỗi đau, tăng thêm niềm hy vọng. Âm nhạc có tác dụng trị liệu, chữa lành cho người bệnh.
Hội họa đồng hành cùng người bệnh
Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đang là nơi điều trị hàng nghìn bệnh nhân cả nước. Trái ngược với hình dung thường thấy về không khí trầm lắng, nặng nề của các khoa điều trị, tại Khoa Nội Tổng hợp lại tràn ngập tiếng cười toát lên tinh thần lạc quan của người bệnh. Sự kỳ diệu ấy đến từ những bức tranh tại đây.
Đã trải qua hai tháng điều trị tại bệnh viện, chị Phạm Thị Ngần, bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã phải xác định nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Chính những bức tranh được bài trí tinh tế đã giúp chị vơi đi áp lực trong quá trình chữa bệnh, mang lại cảm giác ấm áp và gần gũi như đang ở nhà.
Chị Ngần chia sẻ: "Khi mà mình mắc phải căn bệnh này thì mình rất buồn. Nhưng khi được vào đây thì thấy không gian mới, gần gũi với thiên nhiên, trong phòng được bài trí rất đẹp khiến mình cảm thấy như là đang ở nhà".
Sau những giờ khám chữa bệnh căng thẳng, những bức tranh treo trong các phòng bệnh đã trở thành đề tài trò chuyện thú vị, giúp các y, bác sĩ và bệnh nhân kết nối với nhau, xóa nhòa khoảng cách và tạo nên bầu không khí gần gũi, ấm áp.
Nhiều bệnh nhân nhí đã gửi tặng những bức tranh do chính tay mình vẽ để trưng bày tại khoa như những liều thuốc tinh thần vô giá, góp phần xoa dịu nỗi đau và tiếp thêm sức mạnh cho các bệnh nhân đang điều trị nơi đây.
Những bức tranh được sắp đặt tinh tế tạo nên một không gian tươi mới, như làn gió xua tan nỗi muộn phiền và mang đến sự thư thái, lạc quan, tiếp thêm sức mạnh cho các bệnh nhân trên hành trình chiến đấu với những căn bệnh quái ác.
Không gian nghệ thuật dành cho bệnh nhân nhỏ tuổi
Ngày nào cũng vậy, bé Đào Anh Khuê, 4 tuổi, mắc chứng bại não, đều chập chững từng bước học đi trên những bậc cầu thang. Với những bé phải điều trị dài ngày như Khuê, cần phải tập phục hồi chức năng, thì chiếc cầu thang bộ càng trở nên ý nghĩa hơn. Những hình ảnh dễ thương và sinh động trên những bức tường xung quanh là thế giới của Khuê lúc này. Mỗi bước đi của Anh Khuê trên những bậc cầu thang đầy tranh vẽ như một bước tiến trong hành trình phục hồi của em với sự hỗ trợ từ không gian thân thiện này.
Bé Nghiêm Xuân Đô rất thích đến trung tâm điều trị để được ngắm những bức tranh sinh động, đầy màu sắc. Cùng với các bác sĩ tại đây, mẹ của Đô cũng đã học được cách tương tác với con qua các chi tiết trên các bức tranh tường.
Chị Nguyễn Thị Thành, mẹ bé Nghiêm Xuân Đô, chia sẻ: "Tôi đưa con đến đây điều trị được hơn 1 năm. Khi tới đây cảm thấy con tiến triển hơn, bệnh viện trang trí như ở mầm non khiến cháu có cảm giác như ở nhà ở trường. Cháu nhanh hơn, hay nói hay hát hơn".
Để tạo dựng một không gian phù hợp và hỗ trợ cho các bệnh nhân nhi mắc tự kỷ và bại não, việc trang trí không chỉ mang tính thẩm mĩ mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về sự an toàn, giúp kích thích sự phát triển và khả năng giao tiếp của trẻ.
Bác sĩ Trương Tố Quyên và bác sĩ Mai Hương của Trung tâm điều trị chăm sóc trẻ tự kỷ, bại não, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, luôn đau đáu làm sao để các bệnh nhân nhi khi tới điều trị không có cảm giác sợ hãi.
Ths.Bs Trương Tố Quyên - phụ trách Dự án Đồng hành cùng trẻ tự kỷ và bại não, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết: "Dự án đồng hành cùng trẻ tự kỷ và bại não là một dự án rất ý nghĩa, các khoa, phòng bệnh như khoác thêm một tấm áo mới. Ngay tầng 1 là con đường các cháu tự kỷ đi lên điều trị ở các phòng, bước chân đầu tiên đến bệnh viện để điều trị đã khóc rồi. Chúng tôi mong muốn biến con đường tẻ nhạt đó thành khu rừng mộng mơ để các bệnh nhân nhi bớt sợ hãi hơn".
Mỗi ngày, bàn tay của những người họa sĩ lại tô điểm cho không gian nơi này thêm ý nghĩa. Việc chữa trị sẽ hiệu quả hơn với những bức tranh cổ tích đáng yêu và sống động.
Nghệ thuật trị liệu trên thế giới
Âm nhạc đã được công nhận là một liệu pháp hiệu quả tác động tâm lý và cải thiện tinh thần bệnh nhân trong môi trường bệnh viện. Một nghiên cứu của Tiến sĩ Claudius Conrad thuộc Trường Y Harvard, Bệnh viện đa khoa Massachusetts, cho rằng tác dụng chữa bệnh và xoa dịu nỗi đau của âm nhạc có được nhờ sự kích thích và hạn chế ba loại hormon làm giảm stress.
Các bệnh nhân tham gia vào những chương trình phục hồi chức năng bằng liệu pháp âm nhạc cho thấy các biểu hiện cảm xúc và giao tiếp xã hội tích cực hơn so với những bệnh nhân chỉ nhận được phương pháp chữa bệnh thông thường.
Tại University Hospitals ở Mỹ, liệu pháp âm nhạc được triển khai qua các buổi biểu diễn guitar tại phòng bệnh. Những giai điệu du dương này không chỉ giúp bệnh nhân thư giãn mà còn tạo ra một không gian thân thiện, giảm bớt cảm giác cô đơn và lo lắng.
Tương tự, tại Bệnh viện nhi UC Davis, âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường tích cực cho trẻ em đang điều trị. Các bác sĩ và nhân viên bệnh viện mang đàn guitar đến để chơi cho các em nghe, giúp các em cảm thấy vui vẻ, thư giãn và tạm quên đi nỗi lo bệnh tật. Đặc biệt, bệnh viện còn cung cấp các cây organ trong các phòng bệnh, khuyến khích bệnh nhân tự chơi nhạc, tạo cơ hội cho họ thể hiện sự sáng tạo và cảm nhận được sự kết nối giữa âm nhạc và chữa lành.
Liệu pháp âm nhạc là một phần quan trọng trong chiến lược toàn diện của nhiều bệnh viện, giúp giải tỏa căng thẳng, mang lại sự an ủi và hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi Boston, Mỹ, các thiết kế sáng tạo như "Bức tường truyền cảm hứng" và "Bức tường tương tác" được triển khai nhằm tạo ra không gian thân thiện, mang lại trải nghiệm sống động với hình ảnh và hoạt cảnh thú vị. Ở khu vực "Bức tường truyền cảm hứng", gia đình bệnh nhân và du khách thường đóng góp những thông điệp, câu chuyện hoặc nguyện vọng của riêng họ, tạo ra bầu không khí vừa mang tính cộng đồng, vừa cá nhân hóa.
Trong khi đó, "Bức tường tương tác" là một tính năng sáng tạo khác. Chúng bao gồm màn hình cảm ứng và hình ảnh hấp dẫn, cho phép trẻ em tương tác với màn hình. Các sáng kiến này thể hiện sự cam kết của bệnh viện trong việc kết hợp chăm sóc y tế tiên tiến với không gian sáng tạo, giúp cải thiện tinh thần và thúc đẩy quá trình hồi phục của bệnh nhân.
Bệnh viện Great Ormond Street (GOSH) tại London, Anh, nổi tiếng với việc tích hợp nghệ thuật và các hoạt động đặc biệt nhằm tạo ra một môi trường thoải mái, thân thiện cho bệnh nhân và gia đình của họ. GOSH tổ chức các sự kiện với nhiều trò chơi, âm nhạc và sự xuất hiện của các nhân vật hóa trang để mang lại niềm vui cho bệnh nhân.
Ví dụ, sự kiện "Play Street" đã biến môi trường bệnh viện thành một không gian vui chơi. Bệnh nhân có cơ hội gặp gỡ và chụp ảnh cùng các nhân vật như công chúa Disney hay các nhân vật hoạt hình được yêu thích; hoặc có thể tham gia vẽ tranh, tô màu và làm đồ thủ công, giúp kích thích sự sáng tạo và mang lại niềm vui.
Những sự kiện như vậy giúp bệnh viện trở nên ấm áp và gần gũi hơn, bớt đi cảm giác đáng sợ vốn có.
Mai Phương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/nghe-thuat-dong-hanh-cung-nguoi-benh-288959.htm