“Một ngày bằng hai mươi năm”
17 giờ chiều 26.4.1975, quân và dân ta nổ súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, với sức mạnh áp đảo, thần tốc tiến công như vũ bão, thực hiện tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn - Gia Định gồm: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng Nha cảnh sát Đô thành, Biệt khu Thủ đô.
Nhân dân Sài Gòn - Gia Định kéo về dinh Độc Lập chào mừng quân Giải phóng. Ảnh: TTXVN
Từ bốn hướng Đông, Bắc và Tây Bắc, Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công, phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, quân và dân ta đã làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, theo PGS.TS. Đinh Quang Hải, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt, đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đã tạo thời cơ, chớp thời cơ chiến lược, quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thắng lợi đó còn nhờ ở sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh dân tộc và thời đại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, biết phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, huy động cả nước cùng ra trận, tập trung toàn bộ các nguồn lực để tạo thành xung lực tổng hợp. Sự hỗ trợ to lớn, kịp thời của hậu phương miền Bắc, sự chỉ huy tác chiến hợp đồng của các binh chủng, các quân đoàn, các mặt trận được thống nhất, nhịp nhàng và hiệu quả.
Sau các đòn tấn công quân sự và ngoại giao thăm dò, với chiến thắng Thượng Đức (cuối năm 1974) và thắng lợi của chiến dịch Đường 14 - Phước Long (tháng 1.1975) - những đòn mang tính “trinh sát chiến lược” là đòn tấn công điểm trúng yếu huyệt của đối phương ở Buôn Mê Thuột, đẩy quân địch ra khỏi Tây Nguyên, mở ra thế trận mới. Tiếp đó là chiến dịch Trị Thiên - Huế, chiến dịch Đà Nẵng tiến tới giải phóng một loạt tỉnh miền Trung bằng những đòn tấn công thần tốc, quyết liệt, đánh bại các nỗ lực phòng ngự và làm tan rã tinh thần và ý chí của đối phương mở ra thế trận và thời cơ thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam với phương châm: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và Toàn thắng!”.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nêu rõ quyết tâm Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất. Chỉ trong tháng 3.1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã 3 lần điều chỉnh quyết tâm chiến lược: từ dự kiến giải phóng miền Nam trong hai năm, rút xuống trong năm 1975, rồi rút xuống trước mùa mưa. Mỗi lần hạ quyết tâm mới là một lần đem lại những thắng lợi mới to lớn; đến ngày 31.3.1975, với kết quả thắng lợi của đòn mở đầu giải phóng Tây Nguyên và đòn chiến lược kế tiếp giải phóng Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đưa ra một quyết định mới cho việc giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất.
Chỉ đạo kịp thời, nắm chắc quy luật
Trước đó, để chuẩn bị cho thời cơ chiến lược, kết thúc chiến tranh, trong khi chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, ta tập trung xây dựng các binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược. Sự xuất hiện liên tiếp của Quân đoàn 1 (10.1973); Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 (năm 1974) và Quân đoàn 3 (3.1975) và Đoàn 232, tương đương quân đoàn (tháng 2.1975) đã cho thấy điều này. Các quân đoàn đứng chân trên các địa bàn chiến lược quan trọng ở Đông Nam Bộ, Trị Thiên, Tây Nguyên, tạo sự chuyển biến lớn về so sánh lực lượng có lợi cho ta. Điều này cũng cho thấy trình độ chỉ huy, tác chiến hiệp đồng binh chủng của quân đội đã có sự phát triển vượt bậc. Đây cũng là vấn đề liên quan tới khả năng nắm thời cơ chiến lược để kết thúc chiến tranh, khi nó xuất hiện.
“Các quân đoàn binh chủng hợp thành được trang bị khá mạnh, sức đột kích lớn, sức cơ động cao, sức chiến đấu liên tục, cùng với việc phát triển của bộ đội địa phương và dân quân du kích rộng khắp giúp ta mở được các chiến dịch tiến công quy mô lớn trên các hướng chiến lược ở chiến trường miền Nam, kể cả những nơi sát trung tâm đầu não của địch, đánh, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho lực lượng cách mạng”, PGS.TS. Đinh Quang Hải nhận định.
Trên cơ sở nắm vững tình hình, tranh thủ thời cơ thuận lợi, hạ quyết tâm chiến lược kịp thời, chính xác, Đảng ta đã chứng tỏ được sự đúng đắn, sắc sảo, nhạy bén trong chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật tạo thời cơ và nắm chắc thời cơ, tạo nên những bước ngoặt chiến lược làm thay đổi cục diện có lợi cho ta để đi đến giành được những thắng lợi mang tính quyết định, kết thúc cuộc chiến tranh. PGS.TS. Đinh Quang Hải nhấn mạnh, “đó là nét đặc sắc nhất của chỉ đạo chiến lược trong chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc”.
Như vậy, với sự nỗ lực vượt bậc trong tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, dự kiến đúng xu thế phát triển của tình thế, nắm và chớp thời cơ kịp thời, chọn hướng đúng, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, chúng ta đã thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 chỉ trong 55 ngày đêm, thay vì 2 năm như kế hoạch đã đề ra, thu non sông về một mối, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hương Sen