Nghệ thuật chỉ đạo xây dựng căn cứ địa vững chắc
Trước khi tiến hành tổng khởi nghĩa, Đảng ta chủ trương xây dựng và củng cố các căn cứ địa cách mạng-nơi đặt cơ quan chỉ huy, huấn luyện cán bộ, phát động quần chúng và chuẩn bị lực lượng. Trong đó, căn cứ địa Việt Bắc là điển hình tiêu biểu nhất, được xem là cái nôi của cách mạng vũ trang. Ngay từ năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn Pác Bó (Cao Bằng) làm nơi đặt cơ sở hoạt động. Từ đây, phong trào lan rộng đến các tỉnh trung du, Đồng bằng Bắc Bộ. Các căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai, Tràng Xá, Định Hóa... đã đóng vai trò trung tâm trong tổ chức và lãnh đạo cách mạng. Nghệ thuật xây dựng căn cứ địa thể hiện ở việc lựa chọn địa hình hiểm trở nhưng gần dân, tổ chức nhân dân tự quản, xây dựng chính quyền cách mạng sơ khai, đồng thời phát triển chính trị, quân sự, hậu cần tại chỗ. Chính từ các căn cứ địa này, mệnh lệnh tổng khởi nghĩa đã được ban hành, mở đầu cho cuộc nổi dậy toàn quốc.
Thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội. Ảnh tư liệu
Nghệ thuật xây dựng và phát triển lực lượng
Cùng với căn cứ địa, việc phát triển lực lượng cách mạng là nhiệm vụ sống còn. Đảng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và nghệ thuật tổ chức linh hoạt trong xây dựng lực lượng chính trị và LLVT. Về chính trị, các tổ chức cứu quốc (thanh niên, phụ nữ, nông dân...) được phát triển sâu rộng, làm chỗ dựa cho phong trào. Về vũ trang, Đảng xây dựng các đội tự vệ cứu quốc, rồi phát triển thành các đội du kích, tiến tới thành lập lực lượng chính quy như Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Nghệ thuật phát triển lực lượng không chỉ là tăng về số lượng mà còn nâng cao chất lượng tư tưởng, tổ chức. Đặc biệt, các lực lượng đều được hình thành trong lòng dân, dựa vào dân, gắn bó với dân, làm nên sức mạnh to lớn và vững chắc.
Nghệ thuật nắm bắt thời cơ khởi nghĩa
Một trong những nét đặc sắc nổi bật nhất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là nghệ thuật chớp thời cơ cách mạng. Sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh (ngày 15-8-1945), tình hình chính trị tại Việt Nam rơi vào trạng thái “trống quyền lực”. Chính phủ thân Nhật ở Đông Dương sụp đổ, quân Nhật chờ giải giáp, còn quân đồng minh chưa kịp tiến vào. Trước tình thế đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng đánh giá thời cơ đã đến và quyết định phát động tổng khởi nghĩa toàn quốc. Việc nắm bắt “thời cơ vàng” thể hiện nghệ thuật lãnh đạo sắc bén, nhạy bén và quyết đoán của Đảng. Nhận thức rõ rằng nếu để chậm trễ, các thế lực phản động hoặc quân đồng minh có thể can thiệp, ảnh hưởng đến cục diện cách mạng. Đây là minh chứng rõ rệt cho khả năng nhạy bén với tình hình, biết lựa thời, nắm thời và ra quyết định đúng lúc.
Nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa từng phần, linh hoạt, sáng tạo
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không diễn ra đồng loạt cùng một lúc mà được tiến hành từng phần, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đây là nét độc đáo của nghệ thuật chỉ đạo cách mạng. Những nơi có phong trào mạnh, lực lượng quần chúng đã sẵn sàng thì khởi nghĩa sớm, giành chính quyền nhanh chóng như Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Những nơi còn khó khăn thì tiến hành tuyên truyền, vận động, tổ chức lại lực lượng và chờ thời điểm chín muồi. Cách làm này bảo đảm tính sáng tạo trong khởi nghĩa nhưng không làm mất đi tính đồng bộ của toàn quốc. Đảng đã có sự chuẩn bị lâu dài về xây dựng các căn cứ địa như Việt Bắc, tổ chức mặt trận Việt Minh, phát triển lực lượng tự vệ vũ trang, thực hiện các hoạt động đấu tranh bán vũ trang ở nhiều nơi. Việc “làm mềm” bộ máy tay sai của địch trước khi tiến hành tổng khởi nghĩa là nghệ thuật trong chỉ đạo chuẩn bị cho khởi nghĩa.
Nghệ thuật kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang
Một trong những điểm sáng tạo và độc đáo của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang hài hòa, hiệu quả. Quần chúng nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc làm tê liệt bộ máy cai trị cũ thông qua các cuộc biểu tình, mít tinh, tuần hành, chiếm công sở, buộc bộ máy tay sai phải buông bỏ quyền lực. LLVT chỉ xuất hiện vào thời điểm then chốt để hỗ trợ, bảo vệ, hoặc giành giữ các cơ quan trọng yếu, tạo sự chuyển biến nhanh chóng, không gây tổn thất lớn. Điển hình là cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19-8-1945, khi hàng vạn người xuống đường chiếm các cơ quan đầu não, trong đó vũ trang chỉ đóng vai trò hỗ trợ nhưng lại mang tính quyết định trong thời điểm cuối. Đây chính là nghệ thuật “lấy sức mạnh quần chúng làm chủ lực”, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để đạt được mục tiêu tối đa với tổn thất tối thiểu, đó là một kỳ tích trong lịch sử.
Nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân
Đảng ta đã khéo léo huy động và tổ chức khối đại đoàn kết toàn dân tộc-điều kiện tiên quyết cho thắng lợi của khởi nghĩa. Mặt trận Việt Minh là công cụ chính trị rộng lớn, thu hút được mọi tầng lớp xã hội: Nông dân, công nhân, trí thức, tiểu thương, thanh niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số... Mỗi người dân đều trở thành một chiến sĩ cách mạng, tham gia khởi nghĩa theo cách của mình: Xuống đường biểu tình, đưa tin, giấu cán bộ, bảo đảm hậu cần... Từ đô thị đến nông thôn, từ vùng núi đến đồng bằng, cả dân tộc cùng đứng lên hành động vì một mục tiêu chung. Nghệ thuật vận động, tổ chức, đoàn kết toàn dân không phải chỉ có trong một vài ngày trước khởi nghĩa mà là kết quả của quá trình vận động cách mạng lâu dài, từ trong đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp đến phong trào kháng Nhật, cứu nước. Nhờ đó, khi thời cơ đến, nhân dân đã sẵn sàng, quyết tâm và hành động thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.
ĐÀO VĂN ĐỆ