Nghề truyền thống sau Tết

Nghề truyền thống sau Tết
6 giờ trướcBài gốc
Sau Tết, làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên) rộn ràng vào vụ sản xuất mới. Từ mờ sáng, các hộ gia đình bắt đầu tráng bánh, kịp tận dụng nắng phơi trong ngày. Tiếng máy xay bột, tiếng lửa lò, cùng với tiếng nói cười tạo nên không khí lao động nhộn nhịp. Người dân nơi đây vẫn giữ cách tráng bánh thủ công trên lò trấu, lửa liu riu giúp bánh chín đều, có độ dẻo thơm đặc trưng. Bánh sau khi tráng, được phơi trên chiếc vỉ tre đan dày, trải đều trên sân nắng.
Như đã từng giới thiệu, làng nghề nổi tiếng với bánh tráng mặn và ngọt. Bánh tráng mặn dùng để cuốn gỏi, cuốn nem, có vị mặn mà, dai ngon. Bánh tráng ngọt có thêm nước cốt dừa béo ngậy, mè rang thơm lừng, thường được dùng làm quà biếu. Tuy nhiên, người làm bánh tráng Mỹ Khánh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Giá nguyên liệu (bột, dừa, mè...) tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Sự cạnh tranh từ các loại bánh tráng khác trên thị trường ngày càng gay gắt. Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu thụ bánh tráng Mỹ Khánh vẫn ổn định, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết.
Làng bánh tráng Mỹ Khánh tất bật sau Tết
Chị Nguyễn Thị Dựa (37 tuổi, ngụ ấp Bình Khánh) cho biết: “Nếu nói là làm giàu thì không chắc, nhưng nghề mang đến cuộc sống an ổn, giúp nhiều phụ nữ vừa có thu nhập, vừa có thời gian vun vén gia đình. Mỗi ngày, hộ dân có thể làm ra vài trăm đến khoảng 1.000 bánh tráng mặn, giao tiểu thương chợ. Bánh tráng ngọt hút hàng nhất vào dịp Tết. Vì sản xuất theo đơn đặt hàng, nên sau Tết, hộ dân chỉ tập trung vào bánh tráng mặn. Khi nguyên liệu chế biến như dừa, bột “hạ nhiệt”, giá bánh tráng cũng trở lại bình thường”.
Bánh phồng Phú Mỹ (huyện Phú Tân) là đặc sản nổi tiếng, được ưa chuộng vào dịp Tết. Trước Tết, không khí sản xuất bánh phồng ở Phú Mỹ vô cùng nhộn nhịp. Các hộ gia đình tăng tốc làm việc ngày đêm, đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao. Từ việc chuẩn bị nguyên liệu kỹ càng (nếp, mì, đường, mè...) đến các công đoạn trộn bột, cán bánh, phơi bánh, đóng gói và vận chuyển... đều diễn ra tất bật.
Sau Tết, nhịp độ sản xuất bánh phồng chậm lại, do nhu cầu thị trường giảm. Tuy nhiên, các hộ sản xuất vẫn duy trì hoạt động, phục vụ đơn hàng nhỏ lẻ hoặc khách hàng quen thuộc. “Gia đình tôi cải thiện chất lượng bánh, nghiên cứu công thức mới và đầu tư vào bao bì sản phẩm, phục vụ việc biếu, tặng khi khách hàng yêu cầu” - chị Trần Thị Trúc Ly (35 tuổi, ngụ thị trấn Phú Mỹ) cho hay. Nhìn chung, nghề làm bánh phồng ở Phú Mỹ không chỉ mang lại thu nhập cho người dân, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống địa phương.
Như các làng nghề khác, sau Tết, nghề làm khô cá lóc Thoại Sơn trở lại vụ sản xuất mới. Thoại Sơn từ lâu vốn nổi tiếng với nhiều loại khô cá lóc khác nhau (một nắng, hai nắng, tẩm gia vị, xẻo...), đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Khô cá lóc có thể được chế biến nhiều cách, như: Nướng, gỏi, chiên... Tuy nhiên, người làm khô cá lóc đối mặt với khó khăn, thách thức khi giá nguyên liệu tăng cao, cạnh tranh từ các loại khô khác, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe hơn...
Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu thụ khô cá lóc vẫn ổn định. Nhiều du khách đến tham quan làng nghề, mua khô cá lóc về làm quà. Trên địa bàn thị trấn Núi Sập có khoảng 6 cơ sở làm khô cá lóc, chủ yếu sử dụng lao động gia đình. Các hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Để phát triển thương hiệu, các hộ mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, sân phơi, tủ trưng bày sản phẩm, tạo được thương hiệu bởi uy tín và chất lượng. Giá bán loại 1 từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, loại 2 từ 220.000 - 300.000 đồng/kg.
“Để phát triển bền vững, có nguồn cung ổn định, gia đình tôi đầu tư máy móc, công nghệ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Đó là phơi khô trong nhà lưới, tránh được các loại côn trùng; máy ép chân không, tủ đông giúp việc bảo quản khô tốt hơn. Sau Tết, đơn hàng giảm, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo chất lượng tốt nhất, mang những con khô đậm vị quê hương đến với khách hàng khắp nơi” - bà Ngô Thị Tuyết Dung (chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc 7 Chóp, thị trấn Núi Sập) bày tỏ.
Dù có sự khác biệt trong nhịp độ sản xuất trước và sau Tết, các làng nghề vẫn luôn giữ được chất lượng sản phẩm, vì đó là uy tín và niềm tin đối với khách hàng.
PHƯƠNG LAN
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/nghe-truyen-thong-sau-tet-a414965.html