'Nghẹt thở' vì ùn tắc giao thông Hà Nội cận Tết

'Nghẹt thở' vì ùn tắc giao thông Hà Nội cận Tết
5 giờ trướcBài gốc
Những ngày gần đây, thành phố Hà Nội ghi nhận tình trạng ùn tắc giao thông xuất hiện tại nhiều tuyến đường, nút giao thông với tần suất dày đặc và thời gian ùn ứ kéo dài. Một số nút giao thông như Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, Trường Chinh, Láng, Trần Duy Hưng, Phạm Hùng, các tuyến đường vành đai,... thường xuất hiện hình ảnh dòng người và xe cộ chen chúc bất kể ban ngày hay ban đêm, cao điểm hay thấp điểm.
Ùn tắc giao thông những ngày cận Tết bắt nguồn từ nhu cầu đi lại, sắm sửa quần áo, đồ đạc, giao thương buôn bán dịp cuối năm của người dân tăng cao, chưa kể tình trạng đường nhỏ, phố hẹp, vừa thi công vừa sử dụng... thậm chí một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh dẫn đến thắt nút cổ chai, xung đột giao thông từ đó dẫn đến ùn ứ cục bộ.
Người lao động chật vật di chuyển trên đường phố Hà Nội những ngày cuối năm vì thời điểm nào trong ngày cũng là cao điểm.
Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, tình trạng ùn tắc giao thông những ngày cận Tết tác động rất lớn đến những người lao động, những người làm công ăn lương phải đi làm xa, quãng đường di chuyển hằng ngày vốn đã mất nhiều thời gian nay lại càng thêm trắc trở.
Tối 21/1, trên tuyến đường Nguyễn Trãi (hướng di chuyển từ Ngã Tư Sở đi Hà Đông), chị Lê Châu (trú tại Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân) vẫn đang chật vật nhích từng chút một giữa hàng trăm phương tiện chen chúc để có thể về đến nhà sau 1 ngày làm việc kéo dài 8 tiếng.
Được biết, mỗi ngày chị Châu phải dậy từ 6h sáng để đến nơi làm việc trước 7h, quãng đường di chuyển từ nhà chị (quận Thanh Xuân) đến nơi làm việc (quận Hai Bà Trưng) là hơn 8km, nếu di chuyển vào ngày thường bình thường phải mất khoảng 30 phút còn những ngày cuối năm sẽ mất gần 1 tiếng.
"Thời điểm cuối năm lượng phương tiện di chuyển trên đường tăng cao, tôi mất gấp đôi thời gian để đi từ nhà đến chỗ làm và ngược lại. Những đoạn đường hay xảy ra ùn tắc nhất là Nguyễn Trãi, cầu vượt Ngã Tư Sở và hầm Kim Liên. Gần đây tôi còn không kịp ăn sáng, dù dậy từ 6h cũng phải nhanh chóng khởi hành bởi chỉ cần ra khỏi nhà chậm 10 phút là tình hình giao thông khác hẳn, ùn tắc chỉ có thể nhích từ chút một", chị Châu cho biết thêm.
Kinh doanh 1 quán phở trên đường Nguyễn Xiển đã nhiều năm, chị Ngọc Linh cho biết hầu như mọi năm, cứ vào thời điểm cận Tết là đường phố lại đông đúc hơn, phương tiện di chuyển nhiều hơn và người dân lại mất nhiều thời gian 'chôn chân' trên đường.
"Khách hàng quen của tôi đa phần là công nhân, nhân viên văn phòng, họ thường ăn sáng vào khoảng 6h30 nhưng những ngày cuối năm sẽ ăn sớm hơn khoảng 30 phút, ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Xiển cũng kéo dài hơn, trước đây vào cao điểm sáng thường chỉ ùn ứ khoảng 1 km nhưng gần đây ùn dài gấp đôi (khoảng 2km)", chị Ngọc Linh chia sẻ.
Tình trạng ùn tắc giao thông kéo theo hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông tăng.
Khi tình trạng ùn tắc tại Thủ đô trở nên căng thẳng, người lao động xa buộc phải rời nhà sớm hơn dự kiến để kịp giờ "chấm công", nhiều người mất cả tiếng đồng hồ để di chuyển quãng đường trước đây đi chỉ mất 30 phút. Điều đáng chú ý là do nhu cầu đi lại lớn, hiện tại cảnh tắc đường kéo dài liên tục cả ngày, khiến người dân gần như không còn khái niệm giờ cao điểm hay thấp điểm, bởi lúc nào đường cũng... tắc.
Một số chuyên gia cho biết, trên thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội tồn tại từ nhiều năm nay. Nguyên nhân chính vẫn đến từ cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tế. Hệ thống đường sá tại Hà Nội đã quá tải, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Trong khi đó thì hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khiến nhiều người vẫn phải lựa chọn phương tiện cá nhân, gây áp lực lên hệ thống đường sá.
Chưa kể, cứ mỗi dịp cuối năm, tắc đường là câu chuyện "đến hẹn lại lên". Vào thời điểm này, nhu cầu di chuyển, mua sắm và chuẩn bị cho Tết của người dân tăng cao, khiến mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt xa so với mức bình thường. Hơn nữa, với lượng hàng hóa mua sắm tăng đột biến vào dịp Tết, nhiều người chọn di chuyển bằng ô tô, càng làm cho tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này gây áp lực trực tiếp lên hệ thống hạ tầng giao thông, vốn đã không theo kịp sự phát triển của phương tiện.
Việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông không phải là điều dễ dàng. Ngoài việc tổ chức phân luồng giao thông hợp lý và nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị để phù hợp với các quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông, còn cần sự nỗ lực và quyết tâm từ các cơ quan chức năng và sự hợp tác từ phía người dân trong việc tuân thủ các quy định.
Ra quân cao điểm giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025.
Thành Long
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nghet-tho-vi-un-tac-giao-thong-ha-noi-can-tet-16925012118483657.htm